Trên địa bàn tỉnh có 21 thành phần DTTS cùng sinh sống, với trên 162.500 người, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa… tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên... Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục dân tộc được các cấp, các ngành, địa phương và đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng.
Tiên Yên là huyện vùng cao của tỉnh, có 17 dân tộc cùng sinh sống, DTTS chiếm 52%, sắc màu văn hóa trang phục chủ yếu được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu và người Sán Chỉ. Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các xã có đông đồng bào DTTS như xã Phong Dụ, Đại Dực, Hà Lâu… quy định cán bộ công chức xã mặc trang phục truyền thống đi làm vào thứ 2 hằng tuần; ngành giáo dục và các xã tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh may trang phục dân tộc cho con em mình đến trường. Hiện nhiều trường học đã quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc vào các khai giảng, thứ hai đầu tuần, ngày lễ, ngày hội văn hóa…
Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên cũng tập trung tuyên truyền người dân tự làm, sản xuất y phục và duy trì mặc trang phục trong ngày lễ tết; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn; trưng bày triển lãm về trang phục truyền thống trong ngày hội văn hóa các dân tộc...
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Bình Liêu có tới 96% dân số là đồng bào DTTS sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến với Bình Liêu, người dân và du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những trang phục truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… trong sinh hoạt cũng như hoạt động du lịch, cộng đồng.
Để phát huy giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2019, UBND huyện đã ban hành công văn số 367/UBND-VHTT về việc triển khai mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Theo đó, triển khai và duy trì việc mặc trang phục truyền thống dân tộc trong trường học, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc vào các ngày quy định trong tuần… Đặc biệt, những năm gần đây, Bình Liêu tổ chức cuộc thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”. Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc trong cộng đồng, mà còn không ngừng lan tỏa, quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp mảnh đất, con người Bình Liêu.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về những giá trị của văn hóa truyền thống. Đặc biệt, đến nay đã thành lập 23 CLB của phụ nữ về bảo tồn, phát huy và giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống, thu hút 1.000 hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó phải kể đến hiệu quả của 4 CLB thêu may hoa văn trang phục dân tộc Dao Thanh Phán, 1 CLB may trang phục dân tộc Dao Thanh Y, 1 CLB Phụ nữ dân tộc liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống…
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa từ bên ngoài, nên văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Để thực hiện Nghị quyết 17, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa, đồng thời tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc theo hướng đa dạng, sinh động, sáng tạo, với các giải pháp khoa học, bài bản, kiên trì sát với thực tiễn từng thôn, từng dân tộc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/duy-tri-mac-trang-phuc-truyen-thong-cach-lam-hay-de-giu-gin-van-hoa-3356869.html
Bình luận (0)