Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gần 30.000 tỷ đồng đã chi trả chế độ sau sắp xếp bộ máy: Bộ Tài chính cam kết không để chậm trễ

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính khẳng định việc chi trả chế độ cho cán bộ sau tinh gọn bộ máy đang được triển khai đầy đủ, đúng đối tượng. Cùng với đó, công tác rà soát, xử lý tài sản công dôi dư cũng được đẩy mạnh theo nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ02/07/2025

Gần 30.000 tỷ đồng đã chi trả chế độ sau sắp xếp bộ máy: Bộ Tài chính cam kết không để chậm trễ- Ảnh 1.

Ông Dương Tiến Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/HT

Đảm bảo đầy đủ kinh phí chi trả sau sắp xếp bộ máy

Tại họp báo chuyên đề quý II/2025, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn lực chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đang được triển khai đồng bộ tại các bộ, ngành và địa phương.

Ông Dương Tiến Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, Bộ Tài chính đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, trong đó quán triệt tinh thần chi trả đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ cho các đối tượng được hưởng theo quy định và tuyệt đối không để chậm trễ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Đối với các địa phương, chủ động sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương địa phương để chi trả các chính sách, chế độ cho các đối tượng được hưởng; trường hợp còn thiếu thì báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung từ nguồn ngân sách trung ương.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có đề nghị, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý, bổ sung từ NSTW 61.461 tỷ đồng kinh phí để chi trả cho các đối tượng. Trong đó, 31 bộ, cơ quan trung ương là 52.308 tỷ đồng, 22 địa phương được hỗ trợ 9.153 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai chi trả, kết quả giải ngân tại Kho bạc Nhà nước tính đến ngày 30/6/2025, đã thực hiện chi trả chế độ chính sách cho khoảng 29,8 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng cho cán bộ công tác tại các cơ quan trung ương và khoảng 22,2 nghìn tỷ đồng các cán bộ tại địa phương. Số đối tượng được chi trả chế độ chính sách thay đổi từng ngày, từng giờ do phụ thuộc vào các quyết định cho nghỉ, thời điểm nghỉ và kinh phí chi trả.

Thông tin thêm tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định: Nguồn kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được bố trí đầy đủ. Về chi trả thực tế sẽ phát sinh ở từng đơn vị dự toán, từng cơ quan có cán bộ công chức được hưởng chế độ và sẽ được bố trí chi trả đầy đủ.

Gần 30.000 tỷ đồng đã chi trả chế độ sau sắp xếp bộ máy: Bộ Tài chính cam kết không để chậm trễ- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/HT

Rà soát chặt chẽ, xử lý tài sản công sau tinh gọn bộ máy

Song song với công tác chi trả chế độ, Bộ Tài chính thông tin về việc đẩy mạnh việc rà soát, xử lý tài sản công, đặc biệt là nhà, đất dôi dư sau sắp xếp bộ máy hành chính.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay: Để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, Bộ cũng ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó nhấn mạnh vai trò của hệ thống tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ cho sắp xếp tài sản công.

Chính phủ cũng ban hành liên tiếp 4 Công điện (số 125, 80, 95 và 98 trong tháng 5 và 6/2025) yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng nguyên tắc. Nội dung các Công điện này tập trung đôn đốc, hướng dẫn triển khai công việc một cách đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ Công tác liên ngành do Thứ trưởng Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng. Thành phần Tổ gồm đại diện các cơ quan trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các bộ ngành và đơn vị liên quan...

Tổ công tác này đã trực tiếp làm việc với cả 63 tỉnh, thành theo cụm và đưa ra hướng dẫn cụ thể, đặc biệt với các địa phương có khó khăn, vướng mắc trong xác định quyền quản lý, sử dụng tài sản sau tinh gọn.

"Nguyên tắc xử lý tài sản công là đảm bảo duy trì hoạt động bộ máy sau sắp xếp; ưu tiên sử dụng tài sản cho mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội; hạn chế tối đa việc bán, chuyển nhượng", bà Nguyễn Thị Thoa nói.

Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết thêm: Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương hoàn tất báo cáo kết quả xử lý tài sản công trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1/7/2025 – thời điểm bộ máy mới chính thức vận hành. Kết quả báo cáo sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá toàn diện hiệu quả sắp xếp bộ máy và xử lý tài sản công.

Về vấn đề một số trụ sở dù được đánh giá là dư thừa, bà Nguyễn Thị Thoa cho rằng vẫn có thể điều chuyển để sử dụng hiệu quả, như bố trí cho cơ quan trung ương đặt tại địa phương hoặc phục vụ mục tiêu công ích khác. Vì vậy, việc rà soát cần thực hiện kỹ lưỡng, linh hoạt và đảm bảo tổng thể.

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để xử lý dứt điểm các vướng mắc, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và minh bạch trong quá trình xử lý tài sản công sau sắp xếp bộ máy", bà Nguyễn Thị Thoa nói.

Anh Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/gan-30000-ty-dong-da-chi-tra-che-do-sau-sap-xep-bo-may-bo-tai-chinh-cam-ket-khong-de-cham-tre-102250702205217854.htm


Chủ đề: Bộ Tài chính

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm