Lâu nay, các cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh chủ yếu kinh doanh các sản phẩm rượu sâm, sâm ngâm mật. Trong ảnh: Các sản phẩm của Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My. Ảnh: HỒ QUÂN
Sâm Ngọc Linh rất có tiềm năng để tổ chức chế biến sâu, song hiện tại đối diện với nhiều rào cản. Đó là thị trường thiếu ổn định, niềm tin người tiêu dùng lung lay vì hàng giả, chi phí đầu tư lớn, cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh, còn doanh nghiệp thì dè dặt đầu tư...
Sợ rủi ro đầu tư
Nhiều năm qua, chị Hồ Thị Mười - ở xã Trà Mai (Nam Trà My) chủ yếu phát triển các sản phẩm sâm tươi ngâm mật, rượu sâm Ngọc Linh đơn giản, tự chế biến. Mỗi năm, chị bán ra gần 1.000 hộp sản phẩm, con số không nhỏ với một hộ kinh doanh cá thể, song lại khá khiêm tốn nếu đặt trong tiềm năng phát triển của thị trường sâm.
“Trong những lần tham gia phiên chợ sâm, các hội chợ OCOP hay hội nghị kết nối cung cầu, nhiều khách hỏi có sản phẩm viên nang, trà túi lọc hay tinh chất sâm để mang về làm quà, nhưng tôi chưa dám đầu tư. Làm một lô hàng chế biến sâu thì vốn lớn, kiểm nghiệm vất vả, tem nhãn phải chuẩn, đầu ra ổn định chưa chắc có. Nếu bán không kịp thì lỗ nặng, nhỏ lẻ như tôi không kham nổi” - chị Mười nói.
Chị Hồ Thị Mười chủ yếu bán các sản phẩm sâm củ tươi và một số dòng sản phẩm chế biến đơn giản từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: PHAN VINH
Tâm lý ngại rủi ro cũng phổ biến với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nam Trà My. Dù đã nghiên cứu bài bản, có vùng nguyên liệu rõ ràng, nhưng khi bắt tay vào sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp từ tinh chất sâm, nhiều đơn vị vẫn lựa chọn đi từng bước ngắn, làm từng lô nhỏ để thăm dò thị trường. Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My, sau quá trình hợp tác với đối tác nghiên cứu, đến nay đã hoàn tất hai dòng sản phẩm viên ngậm chiết xuất tinh chất củ sâm và vi hạt tinh chất sâm, nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo.
Chị Hồ Thị Thúy Ngân - Giám đốc Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My chia sẻ: “Chúng tôi sẽ ra mắt 2 dòng sản phẩm này trong thời gian tới, nhưng lô đầu chỉ làm số lượng ít để kiểm tra phản ứng thị trường, dù biết rằng chi phí sản xuất sẽ rất cao. Sản phẩm này phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại, nhưng đơn vị chúng tôi chưa có thế mạnh về thương mại điện tử, lại càng chưa đủ lực để đẩy hàng vào các chuỗi lớn”.
Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My chuẩn bị ra mắt sản phẩm vi hạt tinh chất sâm. Ảnh: PHAN VINH
Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đến nay địa phương có hơn 20 sản phẩm từ dược liệu được công nhận OCOP, tuy nhiên phần lớn vẫn còn ở dạng sơ chế: trà khô, rượu ngâm, cao bột… Những sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng hoạt chất rõ ràng, truy xuất vùng trồng minh bạch, đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá ít.
“Các chính sách hỗ trợ hiện hành dù đã mở rộng nhưng vẫn chưa đủ sức tạo cú hích cho những doanh nghiệp dám làm lớn. Vấn đề không chỉ nằm ở vốn, mà là cả hệ sinh thái hỗ trợ từ kiểm nghiệm, công bố chất lượng đến xúc tiến thương mại vẫn còn thiếu đồng bộ” - ông Mẫn nhận định.
[VIDEO] - Chị Hồ Thị Thúy Ngân - Giám đốc Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My chia sẻ về khó khăn khi chế biến sâu sâm Ngọc Linh:
Củng cố niềm tin thị trường
Trong chuỗi giá trị của sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến sâu giúp dược liệu tiếp cận rộng hơn đến người tiêu dùng, vượt qua rào cản về giá và định kiến: “sâm chỉ dành cho nhà giàu”. Thế nhưng, để làm ra một sản phẩm chế biến sâu đúng nghĩa, có hàm lượng saponin định lượng, có truy xuất vùng trồng, đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm, thì lại tốn chi phí rất lớn, khiến nhiều chủ thể phải chùn bước.
Công ty TNHH Sâm Sâm đang sở hữu chuỗi sản phẩm chế biến sâm từ sâm Ngọc Linh được sản xuất theo chuẩn GMP và vùng trồng GACP-WHO. Ảnh: HỒ QUÂN
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm - đơn vị sở hữu chuỗi sản phẩm chế biến sâm từ sâm Ngọc Linh được sản xuất theo chuẩn GMP và vùng trồng GACP-WHO cho rằng, việc phát triển sản phẩm chế biến sâu hiện nay không thể tách rời câu chuyện minh bạch nguồn gốc và niềm tin từ người tiêu dùng. Không thể để người tiêu dùng phải phán đoán thật - giả bằng cảm tính. Mỗi sản phẩm khi ra thị trường phải ghi rõ vùng trồng, hàm lượng hoạt chất, quy trình kiểm định.
“Công ty TNHH Sâm Sâm đang phải tự chi toàn bộ chi phí kiểm nghiệm cho từng lô sản phẩm, trung bình mỗi lần kiểm định lên tới vài chục triệu đồng, chưa kể công bố chất lượng, mã số mã vạch, đăng ký nhãn hiệu…” - ông Lực nói.
Không dễ để sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh tiêu thụ mạnh trên thị trường truyền thống. Ảnh: PHAN VINH
Theo ông Trần Văn Mẫn, cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 40 của Tỉnh ủy bằng các chính sách đặc thù, từ hỗ trợ vùng nguyên liệu, giống chuẩn, cơ sở kiểm định tại chỗ, đến thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm sâm. Đặc biệt, chính sách OCOP cần được triển khai sâu hơn với nhóm sản phẩm chế biến sâu, không chỉ dừng ở mức công nhận mà cần hỗ trợ thiết thực trong quảng bá, kết nối thị trường, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn và sàn thương mại điện tử.
“Muốn có thương hiệu quốc gia thì phải có sản phẩm đủ chuẩn để ra thị trường quốc tế. Không thể để mãi tồn tại tình trạng một bên trồng thật - chế biến thật nhưng không tiếp cận được thị trường, còn bên kia thì làm hàng nhái nhưng lại tiêu thụ dễ dàng hơn. Bài toán này, nếu không có sự tham gia của Nhà nước thì doanh nghiệp rất khó xoay chuyển” - ông Mẫn cho biết.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ về giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX phát triển sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh:
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gap-nhieu-rao-can-sam-ngoc-linh-chua-the-san-xuat-che-bien-sau-3153337.html
Bình luận (0)