Giấc mơ trên đồi thanh long hạnh phúc

Việt NamViệt Nam21/02/2025


(Phần tiếp theo truyện ngắn “Đôi bạn mới và 17 cây xoài” đã đăng báo Bình Thuận cuối tuần số 7689- 27/9/2024)

Chủ nhật tươi hồng. Mặt trời lên tỏa rạng khắp thôn trang. Sương sớm la đà như dải lụa lam dần tan vào trời đất. Vết thương đã liền da, bắp chân của Phượng lành lặn, khỏe mạnh. Em sang nhà rủ tôi:

“Anh Phương ơi! Hôm nay đẹp trời mình đi chơi đồi thanh long hạnh phúc”.

Lòng tôi vui háo hức bởi cái tên miền đất mới toanh, hay ho và hấp dẫn lạ thường. Chim sáo bông nhảy nhót chuyền cành trên vòm lá xoài, chuối, mít rợp mát. Đôi bạn nhỏ như chim sáo dắt tay nhau dung dăng trên lối cỏ.

“Ai đã đặt tên miền đất vậy em?”. “Dạ, cậu Tuấn đó anh. Cậu là nghệ sĩ làm vườn có “phép thuật” khiển đất vườn nảy nở ý thơ. Cây trồng cất lên tiếng hát. Nắng mưa biết nhảy múa. Trái ngọt thì biết cười rộn rã”.

Tôi tròn mắt đăm đắm nhìn em Phượng. Tâm trí tôi hình dung em là nữ văn sĩ miệt vườn mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Vầng trán Phượng sáng đẹp như mặt trời nho nhỏ. Chiếc mũi ngà xinh xinh. Đôi má bầu lóng lánh. Khuôn miệng trái tim có nhịp điệu tiếng nói như hát ru. Phượng bước nhanh trên con dốc lượn quanh. Tay em nắm chặt tay tôi. Tôi sải chân tung nhịp bước theo em. Miệng ngân nga lời bài hát “Bức họa đồng quê” của nhạc sĩ Văn Phụng:

“Trời xanh xanh bao la. Mây trắng trắng xóa. Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng. Đàn chim chim chim non đang ríu ríu rít hót. Tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà…”.

Bảng chỉ dẫn đường đi hướng mũi tên, băng qua cầu đúc bắc ngang con suối có bảng ghi “Suối Bình An”. Con dốc thoai thoải, thảm cỏ xanh ven đường êm ái bước chân đôi bạn nhỏ. Đồi vườn xinh tươi lấp lánh nắng mai hồng. Cánh mây bông trắng trên bầu trời trải bóng râm lững lờ trôi ngang đồi. Vài chiếc ghế đá đặt nơi bóng cây xanh lưng chừng dốc ghi:

“Mời các bạn ngồi nghỉ chân!”.

Nơi đây, người nông dân thân thiện, bảo vệ, giữ gìn an ninh môi trường sinh thái nông nghiệp. Những giỏ đựng rác riêng biệt ghi:

“Chất hữu cơ”. Hoặc “Bao bì nhựa”. Tấm biển nhỏ treo nơi cổng nông trại ghi:

“Mời các bạn hái và ăn trái rồng chín thơm ngọt ngon lành!”.

Tôi và Phượng vui hớn hở, khoái chí bước vào ngắm nghía vườn cây thanh long mạnh khỏe bung tán dù xếp hàng thẳng thớm tít tắp lên đỉnh đồi. Phượng bày vẽ tôi khéo léo nâng trái rồng lên, xoay nhẹ trái rời cành có hàng gai nhọn, lột vỏ trái rồng, cơm thịt xốp có hạt nhỏ xíu giòn tan trong miệng. Trái rồng xanh chen trái rồng đỏ và trái rồng vàng nghiêng đầu, vểnh tai, tròn mắt chào mời đôi bạn trẻ thưởng thức hương vị ngọt thanh, mát mẻ, tươi nhuận gan ruột.

Sản phẩm trái rồng nơi đây đạt được 3 tiêu chí: “Ngon. Sạch. Đẹp”. Kỹ sư Tuấn tiên phong đề ra phương pháp canh tác an ninh nông sản. Anh là nhân tố tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển bền vững trồng cây ăn trái. Nông dân đồi vườn giao tiếp group “Đồi Thanh Long Hạnh Phúc” trên facebook do nhóm Trí Nông quản trị, trao đổi, thực hành kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, đã đạt được hiệu quả lợi ích bảo vệ môi trường. Nổi bật là việc vận động 3 điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong làng cùng hợp tác làm việc.

Em Phượng kể tôi nghe buổi sớm mùa xuân ấy, thôn miền cao cờ hoa rực rỡ. Băng-rôn trương lên khẩu hiệu:

“Đồi vườn xanh, sạch, đẹp.

Trái rồng ngon, ngọt, lành”.

Nhạc điệu hành khúc trỗi lên rộn ràng khai trương điểm thu mua vỏ nhựa, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật. Các đại lý có trách nhiệm chi trả tiền 500, 1.000 và 2.000 đồng cho bao bì nhỏ, vừa và lớn. Ai bán được 100 bao bì, được vinh danh “Khách hàng xung kích bảo vệ môi trường”. Ngày khai trương, thu mua được 5.599 vỏ nhựa và bao bì, tập trung tiêu hủy đúng kỹ thuật, thành công vượt ngoài mong đợi. Chương trình bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp được phát động rộng khắp trong toàn huyện, là hình mẫu cho các vùng nông thôn làm theo. Công ty sản xuất bóng đèn Điện Quang cũng rầm rộ phát động chương trình thu mua lại bóng đèn chong vườn thanh long đã bị hư, cũ để giữ gìn môi trường sinh thái.

Tôi kể cho em Phượng nghe giấc mơ trên đồi. Tình tiết trong mơ rõ nét như thật. Tôi kết bạn với kiến chúa màu xanh có đôi cánh lụa trong suốt như pha lê. Hoa văn cánh kiến vàng kim lấp lánh. Cánh lụa bên trái ghi ký hiệu mật mã của loài kiến, hình tượng đôi mắt tròn sáng có đôi chân dịch chuyển. Cánh lụa bên phải ghi theo cách hành thư pháp hai chữ “sinh tồn” như rồng bay phượng múa.

Tôi đang ngồi đọc sách trên chạc ba cây xoài, bỗng nghe đàn kiến trò chuyện ri ri… riu riu… tần số thấp. Đôi râu kiến linh hoạt cạ nhau truyền dẫn mệnh lệnh. Ăng-ten của kiến chúa báo động rung giật liên hồi. Xung điện từ trường địa tầng phát tín hiệu nguy hiểm. Kiến chúa vươn cánh muốn bay lên. Nhưng, bụng bầu như cái trống không bay được. Bụng kiến ôm trứng để bảo tồn giống nòi. Kiến chúa - tự giới thiệu danh tính là Quân giao tiếp với tôi:

“Anh Phương cho phép gia tộc kiến vàng tới cư trú nơi gò đồi cao nhất vườn xoài. Nếu tình huống nguy cấp xảy ra, nước lũ dâng ngập vườn xoài thì đàn kiến leo lên cây xoài xây tổ. Gia tộc kiến xin cảm tạ ơn người”. Tôi vui vẻ hào sảng khoát tay:

“Bác Quân cứ phát thông điệp rộng khắp kêu gọi đàn kiến tới cư ngụ nơi vườn xoài, không phải ơn nghĩa gì!”. Kiến chúa thề hứa trả công cho người:

“Gia tộc kiến vàng sẽ ra sức bắt trói, làm thịt bọn sâu rầy phá hoại. Kiến thợ thụ phấn cho bông xoài đậu nhiều trái. Kiến đực bơm chất chua làm đẹp trái xoài”. Tôi vui cười gật đầu đồng ý.

Đàn kiến được kiến trinh sát dẫn đường rùng rùng hành quân tiến về đồi vườn xoài, xếp hàng giương râu khí thế hăng hái lao động nơi vùng đất mới. Con người và kiến vàng chung sống hòa thuận, ngăn chặn bọn sâu đục thân và bọ rầy phá hại. Vườn xoài khỏe mạnh, xinh đẹp vươn ngọn tháp xanh vào bầu trời.

Phượng lắng nghe tôi kể chuyện giấc mơ trên đồi, em nói: “Cậu Tuấn bảo với em kiến vàng là thiên địch bảo vệ mùa xoài và nhiều loài cây ăn trái. Miền Tây Nam bộ, nông dân nuôi kiến vàng khắp miệt vườn nên trái cây sạch, đẹp và ngon. Kiến vàng được nông dân tôn vinh danh hiệu “Dũng sĩ diệt sâu rầy”.

Tôi kể tiếp giấc mơ. Ăng-ten của kiến chúa bắt được tần số cơn bão khá chính xác. Đàn kiến nhao nhác ngóng chờ kiến chúa phát mệnh lệnh di tản. Cơn bão nghịch mùa trên biển Đông di chuyển hướng tây nam. Dự báo bão cập bờ biển Nam Trung bộ. Phượng nét mặt căng thẳng:

“Em nhớ tổ kiến vàng dưới lòng suối, chỗ cây lộc vừng phải không anh?”. Con suối là tuyến thoát lũ của hồ Xanh trên núi. Kiến chúa biết rõ sự nguy hiểm khôn lường của “Nhất thủy. Nhì hỏa. Thứ ba đạo tặc” đang lăm le đe dọa sự sinh tồn giống nòi, phát mệnh lệnh: “Ri ri… riu riu…! Khẩn cấp! Khẩn cấp!”.

Tôi nhìn tận mắt hành động phi thường. Đàn kiến vượt qua con suối. Kiến cảm tử tung mình lên níu ngọn cỏ lau. Hình tượng mạnh mẽ của lòng can đảm và đức hy sinh. Một, hai, ba… nhiều kiến thợ yếu thế hụt chân rơi xuống bị nhấn chìm trong dòng nước lũ đang cuồn cuộn kéo về. Tiếp diễn cuộc cứu nguy khẩn cấp. Kiến vệ sĩ lấy gồng căng sức tung mình phi thân túm được ngọn cỏ. Những cẳng chân kiến khẳng khiu nắm vịn nhau. Tôi nghe đàn kiến hè nhau đồng thanh hô ứng: “Hi…dzô…!Hi…dzô…!”. Ngay lập tức, cây cầu kiến vàng được thiết lập trên cành cỏ lau. Kiến vệ sĩ hộ tống kiến chúa di chuyển vượt suối, lên gò đất cao trước khi mực nước lũ ùn ùn dâng lên. Tôi bắt tay chào bác Quân - kiến chúa, chúc mừng thoát nạn thủy tặc. Em Phượng thở phào nhẹ nhõm.

Cuồng lũ vây bủa khu vực hạ nguồn hồ Xanh. Con suối Bình An giờ đây không còn bình an nữa! Đập tràn xả lũ. Rừng cây dại mọc dưới lòng suối dày đặc ngăn cản dòng nước lũ thoát ra cửa sông. Ngập lụt trắng xóa. Vùng đất rộng lớn thành biển nước. Đất nông nghiệp thấp trũng bị lũ lụt càn quét đành phải bỏ hoang hóa cỏ mọc tràn lan. Đó là nguyên do đàn kiến đành phải ngậm ngùi xa biệt tổ ấm đi tìm nơi an cư.

Giấc mơ trên đồi cứ lập lại mấy mùa lũ lụt. Tôi buồn. Em buồn. Cậu Tuấn cũng buồn. Xóm nhà ven suối thao thức thâu đêm nghe lũ réo thắt ruột gan. Hai ngôi nhà nơi vườn xoài có hai ngọn đèn khuya lo lắng nhìn nhau. Lụt liếm tới bụi tre. Lụt ngập lút bờ suối. Lũ tràn qua vườn xoài. Lũ lăm le hàng hiên. Lũ chồm chỗm xộc vô nhà. Xóm làng gọi nhau ơi ới chuyển đồ đạc lên cao. Tôi trợ giúp em Phượng kê cao kệ sách truyện, giữ gìn tài sản quý giá không bị nước lũ phá hoại.

Sau cơn lũ, nước rút. Cậu Tuấn cùng mọi người điều tra khảo sát hiện trạng con suối. Cây dại mọc dày như rừng cản dòng nước là nguyên do gây ngập lụt. Cậu Tuấn và nông dân trong làng cùng hội ý với người tài giỏi có lòng yêu thương quê hương thực hiện công việc dọn dẹp vật cản dưới lòng suối.

Công việc không khó trước tinh thần đoàn kết của mọi người. Mùa khô, con nước ngừng chảy. Ngày mới tươi sáng. Cờ bay phấp phới. Ba phát pháo lệnh nổ vang. Ra quân khí thế hùng dũng. Xe máy ủi dàn hàng xông pha vươn cánh tay sắt dọn dẹp rừng cây dại và rác thải dưới lòng suối, gom đống, thiêu đốt, tiêu hủy. Thiết kế hình thể mở rộng lòng suối. Sau một tuần hăng hái làm việc, chiều dài con suối hơn kí lô mét thành tuyến thoát lũ hiệu quả ra tới cửa sông lớn.

Tôi và em Phượng mỗi ngày dõi theo công việc cải tạo hoàn thiện suối Bình An. Ngày khởi đầu mới, chim sáo bông, chào mào và chích chòe hòa vang tiếng hót chào mừng con suối hồi xuân. Con suối xinh đẹp nhoẻn môi cười chúm chím, thân thể tươi trẻ lại thuở ban sơ, e lệ, thẹn thùng nép dáng tinh khôi, diễm lệ bên đồi cỏ xanh. Lòng suối rộng thênh, thông thoáng không còn vật cản chướng ngại nào. Gió trên miền sơn địa thổi về lướt sóng nước êm, gợn vài chiếc lá xuôi theo dòng. Tầm nhìn thênh thang vươn tới đằng xa ngút. Vòm tre xanh giữ đất hai bờ vững chãi. Nước trong văn vắt thấy đá cuội tròn xanh, trắng, tím, hồng. Đàn cá vẩy bạc lấp lánh bơi lượn đùa con nước lăn tăn.

Suối Bình An khoe dáng xinh đẹp tươi mới. Tất cả sinh vật ngụ cư bên suối hân hoan mừng đón cuộc sống thanh bình, không còn bị lũ lụt đe dọa nữa. Tôi và em Phượng treo cánh võng đong đưa ngắm suối mãi không chán. Giấc ngủ êm đềm trên đồi thanh long hạnh phúc, tôi lại mơ thấy bác Quân - kiến chúa bắt tay chào tạm biệt tôi, thống lĩnh đàn kiến dịch chuyển trở về tổ ấm, xây dựng phát triển xã hội nông thôn an sinh, phồn vinh và hạnh phúc.



Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/giac-mo-tren-doi-thanh-long-hanh-phuc-128074.html

Bình luận (0)

No data
No data

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available