Cha mẹ và thầy cô giáo nên khuyến khích trẻ hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Ở độ tuổi mầm non, trẻ có thể xem và hiểu một phần nội dung cuốn sách thông qua hình ảnh minh họa, chữ viết.
Khi con chưa biết chữ, cha mẹ có thể đọc sách cho con nghe. Điều này giúp con được tiếp xúc với những từ ngữ mới, mở rộng vốn từ vựng, phát triển khả năng nghe hiểu, tập trung và chú ý.
Ngoài ra, đọc sách còn kích thích trí tưởng tượng của trẻ, giúp trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh. Những câu chuyện trong sách sẽ đưa trẻ đến những vùng đất mới, gặp gỡ những người bạn mới và khám phá những điều kỳ thú.
Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng biết cách đọc sách đúng cách. Để việc đọc sách của con đạt được hiệu quả, cha mẹ và thầy cô giáo cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng và phương pháp đọc sách phù hợp.
Mới đây, Bảo tàng - Thư viện tỉnh phối hợp với Trường THCS Ngọc Thanh (Phúc Yên) tổ chức chương trình Ngày hội sách với chủ đề “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Vương, diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực khuyến đọc của Việt Nam. Với lối nói chuyện tự nhiên, cuốn hút, hấp dẫn, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã dẫn chứng bằng những câu chuyện thú vị về các danh nhân, nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng trong nước và trên thế giới để khẳng định tầm quan trọng, lợi ích của việc đọc sách, để từ đó khơi nguồn cảm hứng đọc sách cho các em học sinh.
Bằng cách truyền tải thông điệp hấp dẫn, diễn giả hướng dẫn các em học sinh kỹ năng đọc sách hiệu quả, trước hết ở việc xác định mục đích của việc đọc sách.
Đọc sách để trau dồi kiến thức, giải trí hay để phục vụ việc học tập. Việc xác định rõ ràng mục đích đọc sách giúp người đọc lựa chọn sách phù hợp để đọc.
Về việc chọn sách, diễn giả khuyên các em học sinh nên tìm những cuốn sách về chủ đề, nội dung mình quan tâm và chọn những tác giả nổi tiếng để đọc. Nếu gặp khó khăn trong việc lựa chọn sách để đọc có thể tham khảo ý kiến của thầy cô giáo, cha mẹ.
Việc đọc sách cần duy trì hằng ngày, phải đề ra mục tiêu mỗi ngày phải đọc số trang sách nhất định và xây dựng thành thói quen. Để việc đọc sách hiệu quả, các em cần đọc kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi đọc phải biết suy ngẫm, đặt ra câu hỏi, liên hệ với thực tiễn đời sống.
Trong quá trình đọc, có thể đánh dấu hoặc viết ra những đoạn, chi tiết, câu trích dẫn hay để ghi nhớ và tiện tra cứu, tham khảo khi cần. Để rèn luyện kỹ năng tập trung khi đọc sách, các em cần lựa chọn không gian yên tĩnh, thoải mái, hạn chế tiếng ồn và các thiết bị điện tử.
Em Diệp Hân Hân, lớp 8A1, Trường THCS Ngọc Thanh cho biết: “Em rất thích đọc sách, song, em gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen đọc sách hằng ngày. Trong quá trình đọc sách, đôi khi em cảm thấy buồn ngủ, uể oải, dẫn đến khó tập trung, không ghi nhớ được nội dung mà sách truyền tải.
Qua những chia sẻ của diễn giả Nguyễn Quốc Vương, em đã hiểu hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách và những kỹ năng đọc sách cơ bản. Em sẽ áp dụng các phương pháp mà diễn giả hướng dẫn để việc đọc sách hiệu quả hơn”.
Vốn là một người yêu sách và thường xuyên đọc sách, chị Phạm Thị Ánh Hồng (Vĩnh Yên) luôn tâm niệm, việc đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển của mỗi người. Do vậy, chị luôn quan tâm, khuyến khích các con của mình đọc sách, tạo điều kiện để các con tiếp xúc với sách ngay từ khi còn nhỏ.
Chị Hồng cho biết: “Tôi có 2 con, 1 cháu đang học tiểu học, 1 cháu học mầm non. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều đọc sách cho các con nghe. Từ những câu chuyện cổ tích, những hiện tượng thời tiết, các kiến thức về sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật… đều kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của các con.
Ngoài ra, tôi khuyến khích các con tự đọc những cuốn sách về chủ đề mà con yêu thích. Tôi hướng dẫn con kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng đọc thông minh, đọc diễn cảm… mà tôi đã tích lũy được sau nhiều năm đọc sách.
Sau khi con đọc xong, tôi gợi ý để con chia sẻ nội dung cuốn sách cho bố mẹ nghe và vận dụng kiến thức trong sách vào cuộc sống hằng ngày. Sách đã trở thành người bạn thân thiết đối với mỗi thành viên trong gia đình tôi”.
Việc giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc sách giúp trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức, thông điệp mà cuốn sách truyền tải, khiến việc đọc sách trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.
Ở những “bước đi” đầu tiên trong hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức, cha mẹ và thầy cô giáo hãy cùng đồng hành với con bằng việc tạo cảm hứng và rèn luyện kỹ năng đọc sách.
Bạch Nga
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127565/Giao-duc-ky-nang-va-phuong-phap-doc-sach-hieu-qua-cho-tre
Bình luận (0)