Giao "KPI" tăng trưởng từng địa phương: Áp lực cho động lực phát triển?

(Dân trí) - Việc Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho 63 tỉnh, thành là áp lực nhưng cũng là động lực để các địa phương nỗ lực phấn đấu, tìm kiếm giải pháp đột phá, tận dụng lợi thế để hoàn thành "KPI".

Báo Dân tríBáo Dân trí25/02/2025

Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Ngay sau đó, hàng loạt cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đã diễn ra. Từ lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn đến người đứng đầu hàng chục ngân hàng thương mại trong nước được Chính phủ triệu tập để cùng ngồi lại bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. 

Tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là một nhiệm vụ nặng nề đối với Việt Nam giữa bối cảnh thế giới biến động và nhiều thách thức. Song, mục tiêu này chứng tỏ quyết tâm lớn của Chính phủ để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Thủ tướng khẳng định tăng trưởng 8% là nhiệm vụ quan trọng, không làm không được, khó mấy cũng phải làm để đạt được các mục tiêu dài hạn, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. 

Do đó, bài toán lớn nhất đối với Việt Nam lúc này là cần xác định rõ và quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá để đất nước thực sự bứt phá, vươn lên nấc thang phát triển cao hơn.

Lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng chung cho cả nước như mọi năm. Điều này thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn so với mức đạt được năm 2024. 

Theo Nghị quyết 25, có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%. Hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và TP.HCM được giao tăng trưởng lần lượt 8% và 8,5%. Bắc Giang là địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng cao nhất năm 2025 với 13,6%, tiếp đến là Ninh Thuận với 13%.

Có thể thấy, Chính phủ đã thay đổi phương thức quản trị khi "giao KPI" cho các địa phương, yêu cầu tất cả tỉnh, thành phải tăng trưởng trên 8%. Nghị quyết 25 đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đó là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Do vậy, để hoàn thành "KPI" đã được giao, lãnh đạo các tỉnh, thành phố buộc phải tư duy cải cách, sáng tạo và tìm kiếm các giải pháp đột phá, tận dụng lợi thế của từng địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong một phiên họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, tăng trưởng GDP 8% sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động. Đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn, nhưng càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, đó là truyền thống, văn hóa của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay.

"Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Mục tiêu lớn là áp lực nhưng cũng là động lực để các địa phương quyết tâm thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Là địa phương được giao tăng trưởng GRDP 10,5% trong năm nay, ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định, cho biết chỉ tiêu này tương đương với mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

"Chỉ tiêu GRDP mà Chính phủ giao cho tỉnh Nam Định cũng phù hợp với mục tiêu của tỉnh Nam Định để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX", ông Quyết chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định nhìn nhận việc Chính phủ giao "KPI" tăng trưởng không phải là áp lực đối với địa phương mà là động lực để toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng được giao. "Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần phải nỗ lực phấn đấu, nhưng không phải là áp lực", ông khẳng định.

Để Nam Định đạt được mục tiêu tăng trưởng được giao, ông Quyết cho rằng Nam Định có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Trong hai năm liên tiếp, tỉnh đạt mức tăng trưởng GRDP hai con số. Đây vừa là động lực và vừa là nền tảng hết sức thuận lợi để Nam Định thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng được giao.

"Bên cạnh đó, các dự án đã và đang triển khai cũng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, Nam Định đã hoàn thành nhiều dự án, trong 6 tháng đầu năm nay tỉnh sẽ hoàn thành tiếp nhiều công trình khác như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định quy mô 700 giường, tuyến đường trục phát triển 490 (từ Cao Bồ đi Khu kinh tế Ninh Cơ)…; cùng với đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tạo ra không gian phát triển kinh tế rất đáng kỳ vọng", ông Quyết nhấn mạnh.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định cho biết hai năm vừa qua Nam Định đã thu hút được nhiều dự án. Theo ông, đây sẽ là nền tảng tiếp theo để địa phương làm tốt hơn nữa trong công tác đầu tư trong năm nay.

Hải Phòng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 12,5%, bằng với mục tiêu được thành phố đã xác định tại các Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố, đánh giá mục tiêu tăng trưởng trên thực sự là thách thức đối với Hải Phòng bởi quy mô nền kinh tế địa phương này đang ở mức cao (đứng thứ 5 cả nước, năm 2024 quy mô kinh tế thành phố khoảng 446.000 tỷ đồng, tương đương 18,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho biết để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ giao, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực hàng tháng, hàng quý và sắp tới sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể hóa các nhiệm vụ giao cho các địa phương theo Nghị quyết 25 của Chính phủ.

Với Gia Lai, cuối tháng 12/2024, HĐND tỉnh này ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và xác định chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh là 6,67%. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 của tỉnh là 8%.

Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Gia Lai đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng lên 8,06% và phấn đấu đạt lên hai con số là hơn 10%. Dự kiến kỳ họp cuối tháng 2/2025, HĐND tỉnh sẽ họp và xem xét. Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định: "Trước việc Chính phủ giao cho tỉnh Gia Lai 8% và với tiềm lực thì tỉnh sẽ nỗ lực để đạt được. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung vào nhiều mũi nhọn về công, nông nghiệp và năng lượng sạch".

Nghệ An là địa phương được giao KPI tăng trưởng 10,5% - cao thứ 3 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và nằm trong top tăng trưởng cao của cả nước. Ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cho rằng đây là "chỉ tiêu hết sức thách thức". Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo để thực hiện chỉ tiêu này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh, đã yêu cầu các sở, ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương nhưng phải thống nhất với mục tiêu chung của tỉnh; nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực.

Lãnh đạo địa phương này cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Cục Thống kê và các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở số liệu năm 2024 rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng theo ngành cấp 1 và 3 khu vực kinh tế, thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm theo từng quý.

Đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP năm nay đạt tối thiểu 10,5%.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản (GRIPS) đánh giá Chính phủ Việt Nam đã rất nghiêm túc, đặc biệt nghiêm túc hơn trước trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Vị chuyên gia cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, chính sách tăng trưởng đã được Việt Nam thực hiện như một mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

"Tuy nhiên, cách để đạt được mục tiêu quan trọng này phải được xem xét cẩn thận. Mục tiêu tăng trưởng phải được đặt cao hơn so với mục tiêu mà quốc gia hoặc tỉnh, thành đó đạt được và mục tiêu đó phải đạt được bằng nỗ lực nghiêm túc, chiến lược rõ ràng về thúc đẩy các ngành công nghiệp và có chính sách, cách thức thực hiện cụ thể", vị chuyên gia nói.

Theo GS Kenichi Ohno, điều này đòi hỏi phải có sự phân tích khoa học và huy động các biện pháp chính sách hiệu quả. Nếu các mục tiêu tăng trưởng mà không có các phân tích và huy động chính sách như vậy thì vẫn chỉ là mục tiêu mong muốn và khó có thể đạt được. 

"Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao đối với một số địa phương sẽ khuyến khích chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp chính sách thông minh và hiệu quả hơn so với những gì họ đang làm. Nhưng sẽ không thực tế khi mong đợi một bước nhảy vọt về chất lượng chính sách do nhiều khoảng cách về kiến thức, năng lực hành chính, thiếu hụt ngân sách, mối quan tâm về môi trường…", vị giáo sư chia sẻ.

Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Ohno cho rằng năng lực chính sách của bất kỳ chính quyền nào sẽ cải thiện dần thông qua việc học hỏi từ thực tế và thử nghiệm, chứ không phải trong vòng một năm. Yêu cầu các thành phố và tỉnh đạt được mức tăng trưởng cao mà không có đủ sự phân tích và hỗ trợ từ trung ương sẽ tạo áp lực lớn lên chính quyền địa phương để "tạo ra phép màu".

"Đối với bất kỳ mục tiêu tăng trưởng nào, dù là quốc gia nói chung hay các tỉnh thành nói riêng, kết quả không chỉ bị ảnh hưởng bởi chính sách mà còn bởi nhiều yếu tố bên ngoài khác như chu kỳ kinh doanh toàn cầu, hành động của Trung Quốc, chính sách của Mỹ, thiên tai, các sự kiện ở các nước láng giềng, chiến tranh và khủng bố trên thế giới… Những cú sốc tiêu cực có thể ngăn cản sự tăng trưởng bất cứ lúc nào", vị giáo sư nhìn nhận.

Do đó, GS Kenichi Ohno cho rằng nếu mục tiêu tăng trưởng đặt ra dựa trên phân tích khoa học và sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, thì sẽ giúp các tỉnh thành đạt được hiệu suất tốt hơn. Nhưng nếu những mục tiêu này không thực tế và không có sự hỗ trợ thì có thể phản tác dụng.

Ngoài ra, vị chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng Việt Nam nên thiết kế chính sách tăng trưởng theo ngành, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp thay vì đặt ra các mục tiêu tăng trưởng cứng nhắc theo khu vực địa lý. Bởi các ngành có mối liên kết nội bộ và bên ngoài và hiệu ứng lan tỏa với các tỉnh khác, thậm chí là nước ngoài.

"Ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phần mềm trải rộng trên nhiều tỉnh thành. Do đó, chính quyền địa phương không có toàn quyền kiểm soát những gì xảy ra trong phạm vi quyền hạn của mình. Việc nghiên cứu các mối liên kết công nghiệp (như liên kết điện - thép - xây dựng) dễ dàng và thông thường hơn là các liên kết địa lý giữa các tỉnh", ông phân tích.

Đánh giá về tiềm năng phát triển ở các địa phương nói riêng và một đất nước nói chung, GS.TS David O. Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới (Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard) cho rằng nếu địa phương nghèo và có nhiều tiềm năng nhận được vốn FDI, sở hữu đội ngũ lao động phù hợp thì địa phương đó có thể tăng trưởng nhanh và phát triển hệ thống hạ tầng. Do đó, ông cho rằng Bắc Giang phát triển nhanh hơn Bắc Ninh là hoàn toàn hợp lý.

Đối với tăng trưởng GDP của một quốc gia, vị chuyên gia cho biết tăng trưởng đến từ sự gia tăng lao động, vốn và năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP). TFP là một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn và lao động, là căn cứ quan trọng để phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế, đánh giá tiến bộ khoa học công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương hay một quốc gia. 

"Từ năm 2001-2010, sự tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu đến từ lực lượng lao động, vốn và rất ít từ TFP. Đến giai đoạn 2016-2019, khi vốn FDI đổ vào, vốn đóng góp 2,4%/năm vào tăng trưởng GDP, lao động tăng thêm 1,2% và TFP tăng lên 3,2%/năm", ông dẫn chứng. 

Đặt vấn đề tại sao lại có bước nhảy lớn như vậy, vị chuyên gia cho rằng phần lớn đến từ việc chuyển dịch người lao động năng suất thấp từ khu vực nông thôn sang thành thị. Trong tương lai, ông Dapice cho rằng tăng trưởng vốn và năng suất tăng sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 3%/năm, thấp hơn so với những năm bùng nổ trước Covid-19. 

"Để đạt được mức tăng trưởng 8% thì cần phải tăng năng suất hàng năm 5% - điều chưa bao giờ đạt được ở Việt Nam. Ngay cả khi đạt được mức tăng trưởng GDP hàng năm là 7% cũng sẽ cần TFP đạt mức 4%/năm. Việc đạt được TFP tăng lên 4%/năm sẽ là một thành tựu to lớn, đặc biệt là vào thời điểm các rào cản thương mại ngày càng gia tăng", vị chuyên gia nhận định.

Năm 2025 được xem là năm bản lề và là năm bước ngoặt để thúc đẩy tăng trưởng hai con số cho giai đoạn tới. Sau nhiều năm định hình và phát triển, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Đây là kỳ vọng và cũng là mục tiêu của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các chuyên gia cho rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn trong 20 năm tới, Chính phủ sẽ cần nhiều giải pháp đột phá và nỗ lực hơn nữa. Do vậy, cách làm, hướng đi trong bối cảnh hiện nay sẽ đóng vai trò quyết định cho mục tiêu trong tương lai.

Nội dung: Nhóm phóng viên

Thiết kế: Thủy Tiên

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/giao-kpi-tang-truong-tung-dia-phuong-ap-luc-cho-dong-luc-phat-trien-20250219142231683.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phát triển du lịch cộng đồng Hà Giang: Khi văn hóa nội sinh làm “đòn bẩy” kinh tế
Người cha Pháp đưa con gái về VN tìm mẹ: Kết quả ADN sau 1 ngày không tin được
Cần Thơ trong mắt tôi
Video 17 giây cảnh Măng Đen đẹp tới nỗi dân mạng nghi ngờ cắt ghép

Cùng tác giả

Ảnh

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Bộ - Ngành

Địa Phương

Sản phẩm