Trường Đại học Hà Nội tổ chức tọa đàm “Tuổi trẻ HANU - Viết tiếp câu chuyện hòa bình" nhằm lan tỏa thông điệp yêu chuộng hòa bình trong giới trẻ, đồng thời truyền cảm hứng từ những con người đang nỗ lực đưa tinh thần ấy đến với bạn bè quốc tế qua âm nhạc và ngôn ngữ.
Tác giả bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ hoàn cảnh bài hát ra đời năm 2013. Anh cảm ơn Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM trong chuyến về nguồn từ nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo, Bảo tàng Hồ Chí Minh,...
![]() |
Các dịch giả tọa đàm cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (thứ 2 từ phải sang). |
Đi qua những di tích, nhạc sĩ có những cảm xúc đặc biệt. Thế hệ cha ông đã hi sinh quá nhiều cho hòa bình hôm nay.
"Hòa bình giống như không khí, không nhìn thấy, không chạm tay, nhưng nếu thiếu 30 giây, 1 phút, 2 phút, con người mới thấy giá trị của nó to lớn thế nào. Bất giác chúng ta hiểu được giá trị của hai chữ hòa bình. Cuộc sống, hạnh phúc chúng ta được hưởng không phải tự nhiên mà có. Tôi đã có đủ cảm xúc để viết bài hát này. Tôi muốn bài hát là sự gắn kết giữa quá khứ lịch sử với hôm nay và cần làm gì cho ngày hôm sau", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (giữa) nói về hoàn cảnh ra đời bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình. |
NGƯT Lê Đức Mẫn, cựu giảng viên Trường Đại học Hà Nội, là người đã dịch 70 bài hát tiếng Việt sang tiếng Nga. Ông khẳng định, mỗi bài hát, ngoài giá trị nội dung, việc chuyển tải về mặt ngôn ngữ cũng không kém phần quan trọng và ông đóng góp một phần trong việc đó.
Bà Nguyễn Song Lan Anh, Phó Trưởng khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội đã dành gần 1 đêm để chuyển ngữ, nắm bắt tiết tấu và chuyển thành công bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình sang tiếng Nhật.
Dịch giả hy vọng đó là một hành trình truyền cảm hứng, mở ra cơ hội kết nối giữa thanh niên hai nước Việt - Nhật qua thông điệp chung về hòa bình và nhân văn.
Thầy Mai Thành Sơn, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là người dịch bản tiếng Anh, bày tỏ niềm tự hào khi mang thông điệp hòa bình của Việt Nam ra thế giới bằng một ngôn ngữ toàn cầu. Thầy nhấn mạnh, thế hệ trẻ không chỉ thừa hưởng di sản hòa bình mà còn có trách nhiệm nuôi dưỡng, gìn giữ và lan tỏa nó bằng hành động cụ thể trong học tập, công việc và lối sống tích cực.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội Lương Ngọc Minh nhấn mạnh, đối với thế hệ sinh ra sau chiến tranh, hòa bình không chỉ là một khái niệm lịch sử mà là một giá trị sống cần được nhận thức đúng đắn và trân trọng sâu sắc.
Nguồn: https://tienphong.vn/giao-vien-dich-loi-bai-hat-31-ty-luot-view-cua-nguyen-van-chung-ra-3-thu-tieng-post1746055.tpo
Bình luận (0)