Cùng với các loại hình nghệ thuật và lễ hội, trang phục truyền thống đối với đồng bào Khmer là tinh hoa văn hóa, bởi nó không chỉ gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa mà còn là niềm tự hào của phum sóc. Ngày nay, sự hòa nhập của văn hóa hiện đại, nhất là trào lưu sính ngoại đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer.
TRÀO LƯU SÍNH NGOẠI LÊN NGÔI
Gần đây, học sinh của một trường THPT ở tỉnh Đồng Nai đã gây “bão mạng” vì bộ ảnh kỷ yếu với trang phục nước ngoài. Ngoài môi trường học đường, tình trạng sính ngoại về trang phục đang trở thành trào lưu của người trẻ trong các chuyến du lịch, hoạt động vui chơi. Cách nay chưa lâu, những bức ảnh của nhóm du khách Việt mặc cổ phục các nước: Tây Tạng, Mông Cổ, Hàn Quốc… khi check-in tại các điểm du lịch trong nước cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Việc này tưởng chừng không có gì to tát nhưng đang vô tình làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong một bộ phận giới trẻ.
Đối với người Khmer, trang phục truyền thống thường được mặc trong các dịp quan trọng như: lễ hội, lễ cưới… Không chỉ là vấn đề mặc đẹp hay giữ ấm, trang phục Khmer còn là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng và tôn giáo, dù trang phục đời thường hay lễ hội đều toát lên vẻ đẹp của sự kín đáo, trang trọng và lộng lẫy.
Dẫu vậy, việc diện trang phục truyền thống vào các dịp lễ hội đang ngày càng ít dần, thay vào đó là sự pha trộn của trang phục ngoại do sự “hòa tan” văn hóa của những thanh niên Khmer. Trong lễ hội dâng bông năm 2024 tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), nhiều bạn trẻ trong trang phục của Dubai hay Trung Hoa đi dự lễ đã tạo nên hình ảnh phản cảm trong một lễ hội giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer.
Bạn S.H.T (ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông) bày tỏ: “Mặc trang phục ngoại quốc đang trở thành xu hướng của nhiều bạn trẻ Khmer trong cuộc sống đời thường, các lễ hội. Đây thật sự là mối nguy hại ngấm ngầm làm phai nhạt tình yêu, niềm tự hào văn hóa truyền thống, nhất là trong bối cảnh làn sóng văn hóa ngoại đang du nhập mạnh mẽ như hiện nay”.
Thiếu nữ Khmer mặc trang phục truyền thống biểu diễn văn nghệ. Ảnh: H.T
LAN TỎA GIÁ TRỊ TRANG PHỤC KHMER
Để bảo tồn, phát huy giá trị nét đẹp văn hóa từ trang phục truyền thống của đồng bào Khmer thì phải bắt đầu từ thế hệ kế thừa. Muốn các bạn hiểu được giá trị, yêu quý trang phục dân tộc mình thì trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mà việc làm này cần sự chung tay của nhà trường, Đoàn Thanh niên địa bàn dân cư.
Đơn cử, nhiều năm qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ Khmer, chương trình tái hiện lễ hội, duy trì hoạt động đội nhạc ngũ âm trong học đường. Các hoạt động này yêu cầu học sinh phải mặc trang phục truyền thống khi tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích và nhắc nhở, giáo dục niềm tự hào về văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ.
Gắn trang phục truyền thống với phát triển du lịch cũng là giải pháp hay để lan tỏa giá trị độc đáo của văn hóa Khmer đến với du khách. Tại một số điểm chùa Khmer tiêu biểu như: chùa Xiêm Cán, chùa Cù Lao, chùa Cái Giá chót… nên có dịch vụ cho thuê trang phục Khmer để du khách chụp ảnh. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động trình diễn may trang phục kết hợp với biểu diễn nghệ thuật nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, giúp người dân nâng cao thu nhập và cho du khách có những trải nghiệm thú vị.
Trang phục Khmer với sự tinh xảo, lộng lẫy cùng những ý nghĩa về tín ngưỡng và tôn giáo chính là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của mỗi người dân phum sóc. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục Khmer cần hơn nữa các giải pháp thiết thực, phù hợp với thời đại và nhất là phải giáo dục cho thế hệ hôm nay việc ý thức được rằng, mặc trang phục truyền thống chính là khoác lên mình di sản văn hóa.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/gin-giu-net-dep-trang-phuc%E2%80%8B-truyen-thong-khmer-100630.html
Bình luận (0)