Ra đời từ nguồn tư liệu của Nhà xuất bản Văn nghệ Trường Giang (Trung Quốc), bộ sách gồm ba tập Nhân, Lễ, Nghĩa được biên soạn công phu, kế thừa tinh thần của Nho giáo - một hệ triết học từng định hình sâu rộng không chỉ ở phương Đông mà còn góp phần xây dựng nền móng đạo đức cho nhân loại.
Tập trung vào ba đức tính nền tảng trong học thuyết Khổng Tử, bộ sách không chỉ là cẩm nang triết lý sống mà còn là tấm gương soi lại chính mình trong ứng xử, trong lựa chọn giữa đúng - sai, lợi - nghĩa.
Triết học Nho giáo, với tư tưởng trọng đạo đức, tu dưỡng bản thân, sống vì cộng đồng và thực hành nhân nghĩa, không chỉ là nền tảng tinh thần cho các quốc gia Á Đông suốt hàng nghìn năm qua mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc đối với toàn nhân loại. Những đức tính cốt lõi như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín - năm trụ cột của học thuyết Khổng Tử - chính là kim chỉ nam cho hành vi và lối sống của con người, dù ở bất kỳ thời đại nào.
Bộ sách Sách thánh hiền, hiện đã phát hành ba cuốn gồm Nhân, Lễ, Nghĩa và sắp ra mắt hai cuốn còn lại là Trí và Tín, không chỉ cung cấp tri thức lý luận mà còn giúp người đọc cảm nhận sâu sắc tinh thần nhân văn, nhân bản của Nho giáo.
Đặc biệt, cuốn Nghĩa, do Tiêu Hồng Quân và Nghê Diệc Trinh biên soạn, mang đến một cái nhìn sâu sắc về vai trò của “Nghĩa” trong đời sống xã hội - như một thước đo cho sự chính trực, lòng trung thành và tinh thần phụng sự cộng đồng.
Trong Sách thánh hiền - Nhân làm nổi bật tinh thần nhân ái, vị tha, chân thành và siêng năng. “Nhân” không chỉ là lòng yêu thương giữa con người với nhau mà còn là phẩm chất cốt lõi giúp người ta trở thành người quân tử - hành động vì nghĩa, tránh xa lợi danh vị kỷ.
Lễ - theo Nho giáo - không đơn thuần là nghi thức, mà là chuẩn mực đạo đức, là khuôn mẫu để con người tự điều chỉnh hành vi. Đọc cuốn Sách thánh hiền - Lễ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của lễ nghi trong việc duy trì trật tự xã hội và sự hòa thuận giữa người với người, đồng thời gắn bó chặt chẽ với đức “Nhân” như nội dung với hình thức.
Nghĩa - là điểm nhấn sâu sắc của bộ sách. Với văn phong phân tích thấu đáo, cuốn sách cho thấy “nghĩa” không chỉ là lý lẽ đúng đắn trong hành xử mà còn là sự hy sinh cái tôi cá nhân vì cộng đồng, vì công lý và đạo lý. Người có “Nghĩa” là người biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, biết hành xử đúng đạo lý chứ không mưu cầu danh lợi. “Nghĩa” không chỉ là đạo đức trong lời nói mà còn thể hiện qua hành vi, lối sống.
Dù là sách kinh điển có độ khó về ngôn ngữ và hàm lượng tri thức cao, nhưng bộ Sách thánh hiền - Nhân, Lễ, Nghĩa vẫn giữ nguyên vẹn giá trị nguyên bản, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về một hệ giá trị từng chi phối tư tưởng Á Đông trong suốt nhiều thế kỷ.
Bộ sách không chỉ dành cho những người nghiên cứu học thuật mà còn là tài liệu quý cho bất kỳ ai mong muốn trau dồi đạo đức, tu dưỡng bản thân, và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đọc Sách thánh hiền cũng chính là hành trình đi tìm chính mình trong những giá trị đã từng làm nên cốt cách của cả một nền văn hiến phương Đông.
Nghỉ lễ là để tái tạo năng lượng, nhưng cũng là dịp để tái khẳng định những giá trị sống cốt lõi. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và biến động, việc đọc và suy ngẫm lại những chữ Nhân, Lễ, Nghĩa - ba trụ cột đạo đức của Nho giáo - có thể chính là cách để mỗi người tìm lại sự thăng bằng giữa đời sống hiện đại.
Nguồn: https://nhandan.vn/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-dao-duc-phuong-dong-qua-bo-sach-sach-thanh-hien-post876258.html
Bình luận (0)