Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ chỗ vào lớp 10 trường tư và khoảng trống chính sách

Việc thu phí giữ chỗ vào lớp 10 đang dần trở thành thông lệ tại nhiều trường ngoài công lập ở các đô thị lớn, trong bối cảnh trường công chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Giờ đây, câu chuyện giữ chỗ không chỉ là vấn đề chi phí...

Báo Nhân dânBáo Nhân dân29/04/2025

Cuộc đua tuyển sinh lớp 10 tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này đang trở nên sôi động trong khối trường ngoài công lập. Các trường này đồng loạt tung ra nhiều hình thức tuyển sinh linh hoạt: Từ tuyển thẳng dựa trên thành tích học tập, xét tuyển hồ sơ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đến các kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức riêng biệt.

Cùng với đó là các ưu đãi đi kèm ngày càng hấp dẫn: Học bổng toàn phần, giảm học phí theo từng mức điểm IELTS, miễn phí nhập học cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố… Tất cả tạo nên một sự cạnh tranh sôi động, nơi nhà trường chủ động xây dựng thương hiệu như một “sản phẩm” giáo dục đẳng cấp.

Tuy nhiên, phía sau sự sôi động ấy là một thực tế khiến nhiều phụ huynh e ngại: Khoản phí nhập học - một dạng đặt cọc giữ chỗ - đang ngày càng cao và mang tính “rào chắn” không chính thức.

Tại các đô thị lớn, nhiều trường tư thục chất lượng cao yêu cầu phụ huynh đóng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng ngay khi đăng ký nhập học, và hầu hết là không hoàn lại nếu học sinh không theo học. Chẳng hạn, Trường THPT Archimedes (Hà Nội) thu phí nhập học là 23 triệu đồng, Trường THPT Lương Thế Vinh thu 15 triệu đồng , Hệ thống trường Newton niêm yết 12 triệu đồng cho mọi hệ đào tạo ...

Tại nhiều trường liên cấp, song ngữ hoặc dạy theo chương trình quốc tế có mức phí nhập học cao hơn: Trường Ngôi Sao Hoàng Mai thu 24 triệu đồng (không hoàn lại) ; Trường Song ngữ Horizon thu 25 triệu đồng; Trường Quốc tế Nhật Bản yêu cầu đóng phí 5 triệu đồng ngay khi nộp đơn tuyển sinh, 25 triệu đồng phí nhập học - cả hai khoản đều không hoàn lại, không chuyển nhượng và 20 triệu tiền cọc (sẽ hoàn lại nếu học sinh học hết cấp tại trường).

Riêng Trường Dwight Hà Nội thu nhiều khoản đầu vào gồm: Phí đăng ký (9,8 triệu đồng), phí nhập học (28,8 triệu đồng), tiền đặt cọc học phí (30 triệu đồng) và phí bảo đảm (45 triệu đồng), tổng cộng lên tới 113,6 triệu đồng; trong đó ba khoản đầu không hoàn lại nếu học sinh không nhập học .

Nhiều trường tư ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng áp dụng thu phí đầu vào tương tự. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) phí nhập học 40 triệu đồng, phí hồ sơ đầu vào 5,6 triệu đồng; Trường TH-THCS-THPT Nam Úc thu phí hồ sơ một triệu đồng; phí nhập học 25 triệu đồng; phí giữ chỗ 25 triệu đồng.. . Dù mang danh nghĩa hành chính, nhưng những khoản phí này thực chất là hình thức cam kết một chiều, trong đó phụ huynh buộc phải trả giá cho sự an tâm, còn nhà trường hưởng lợi từ mỗi ca “bỏ cọc”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khoản phí giữ chỗ với mức cao như hiện nay không còn là giải pháp chống hồ sơ ảo, mà đã trở thành công cụ kinh doanh, khai thác tâm lý lo lắng của phụ huynh - những người buộc phải dự phòng nếu con không trúng tuyển trường công. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh không có suất vào lớp 10 công lập, khiến phụ huynh phải “chạy trường” sớm và chấp nhận đặt cọc như một hình thức mua sự yên tâm, dù chi phí không nhỏ so với thu nhập của nhiều gia đình.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: Việc một số trường tư thu phí giữ chỗ, đặt cọc với phụ huynh khi tuyển sinh đầu cấp là thiếu nhân văn và mất đi tính mô phạm trong nhà trường. Các trường không nên thu phí giữ chỗ và tạo điều kiện cao nhất cho cha mẹ nếu muốn rút hồ sơ của học sinh.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: Trong môi trường giáo dục không nên có những khoản phí mang tính “thương mại hóa” như vậy, bởi sẽ ít nhiều làm mất đi tính nhân văn của ngành giáo dục.

Về pháp lý, loại phí này chưa được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục, cũng không có cơ chế kiểm soát mức thu hay điều kiện hoàn trả. Các chỉ đạo từ cơ quan quản lý chủ yếu mang tính khuyến cáo, do mối quan hệ giữa phụ huynh và trường ngoài công lập là dân sự. Hệ quả là một khoảng trống pháp lý tồn tại, nơi quyền lợi của người học chưa được bảo vệ đầy đủ.

Mỗi kỳ tuyển sinh lớp 10, hàng chục nghìn học sinh tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại rơi vào trạng thái bất an vì không đủ điểm vào trường công và không đủ điều kiện tài chính học trường tư.

Phần lớn là học sinh trung bình-khá, không tiếp tục được theo học hệ thống giáo dục phổ thông công lập, trong khi phân luồng sau cấp THCS vẫn thiếu hấp dẫn để tạo lối đi thực chất. Hệ quả là nhiều em chỉ còn ba lựa chọn: Giáo dục thường xuyên, trường tư giá rẻ hoặc trường nghề - đều là những nơi mà chất lượng giáo dục và môi trường sư phạm vẫn còn khiến phụ huynh chưa an tâm.

Đáng lo ngại, nhóm này lại thuộc diện dễ tổn thương nhất khi chính sách chưa có hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình khó khăn, đặc biệt là lao động nhập cư, chi phí hàng triệu đồng để giữ chỗ vào lớp 10 tư thục là một rào cản không thể vượt qua. Không ít học sinh đành nghỉ học sớm hoặc học nghề trong tâm thế bị ép buộc.

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đang gia tăng. Khi học sinh khá giả có nhiều lựa chọn thì học sinh trung bình, gia đình thu nhập thấp gần như lối đi còn rất hẹp nếu rớt khỏi trường công. Nếu không mở rộng hệ thống công lập và điều tiết trường tư hợp lý, hệ thống giáo dục sẽ tiếp tục đào thải nhóm yếu thế. Điều này đặt ra thách thức lớn cho định hướng công bằng và phát triển bền vững.

Việc thu phí giữ chỗ có thể được chấp nhận để ổn định tuyển sinh và hạn chế thí sinh ảo, nhưng mức thu cần hợp lý để không gây khó khăn cho phụ huynh. Phụ huynh cần chia sẻ với nhà trường nhưng ngược lại, nhà trường cần thông cảm với phụ huynh và đưa ra mức thu phù hợp tình hình kinh tế nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Việc thu phí giữ chỗ có thể được chấp nhận để ổn định tuyển sinh và hạn chế thí sinh ảo, nhưng mức thu cần hợp lý để không gây khó khăn cho phụ huynh. Phụ huynh cần chia sẻ với nhà trường nhưng ngược lại, nhà trường cần thông cảm với phụ huynh và đưa ra mức thu phù hợp tình hình kinh tế nói chung.

Hiện nay, ngành giáo dục chưa có quy định cụ thể về mức phí giữ chỗ, điều kiện hoàn trả hay giới hạn thu phí tuyển sinh đầu cấp. Áp lực giữ chỗ và phân hóa sau THCS là tín hiệu cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Định hướng 30% số học sinh học nghề, 70% số học sinh học THPT chỉ khả thi khi giáo dục nghề nghiệp thật sự đủ hấp dẫn từ chất lượng, lộ trình học cho đến cơ hội việc làm. Nếu không, rất nhiều phụ huynh vẫn tìm đủ mọi cách cho con vào THPT, tạo áp lực lên trường công và mở rộng khoảng trống khó kiểm soát ở khối trường tư.

Để từng bước bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, cần xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch và phù hợp hơn cho hoạt động tuyển sinh ở khối trường ngoài công lập, đặc biệt trong các khoản thu đầu vào. Việc nghiên cứu cơ chế hỗ trợ một phần học phí cho học sinh ngoài công lập, nhất là những em thuộc diện khó khăn, cũng là hướng đi đáng cân nhắc trong quá trình xã hội hóa giáo dục.

Giáo dục phổ thông sẽ thật sự bao trùm và nhân văn khi mọi học sinh đều có cơ hội học tập tiếp nối trong một hệ thống được thiết kế hợp lý, đồng đều và thân thiện. Khi “giữ chỗ” không còn là lựa chọn bất đắc dĩ, mà là một phần trong lộ trình minh bạch, đó cũng là lúc chính sách giáo dục thật sự lan tỏa đến từng gia đình và từng cá nhân.

Nguồn: https://nhandan.vn/giu-cho-vao-lop-10-truong-tu-va-khoang-trong-chinh-sach-post876119.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm