Các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc sẽ được lan tỏa mạnh mẽ khi ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động văn hóa. |
Hiện nay, mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa đang chuyển động theo chiều hướng tích cực nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại. Chúng ta đã cơ bản xây dựng được nguồn dữ liệu số về di sản văn hóa, là cơ sở cho việc đánh giá, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa.
Lan tỏa mạnh mẽ
Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, ngày nay mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin, tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo văn hóa. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ quét 3D, công nghệ thực tế ảo (AR), thực tế ảo tăng cường (VR), thực tế ảo mở rộng (XR), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), công nghệ kết nối không dây tầm ngắn (NFC), dữ liệu lớn (Big data)... đều đã được ứng dụng mạnh mẽ trong văn hóa.
Thí dụ, gần đây các nhà khảo cổ đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để lưu trữ và tái hiện các hiện vật tại di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội). Trong không gian ba chiều từ hố khai quật mà công nghệ trợ giúp, đã thu thập được tối đa các dữ liệu chân thực phục vụ công tác nghiên cứu. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp làm sáng tỏ hơn nhận định của chuyên gia về thời kỳ tiền sử của dân tộc cách đây từ 3.500 đến 4.000 năm.
Dự án Định danh số và triển lãm các cổ vật triều Nguyễn được thực hiện tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sử dụng công nghệ Blockchain và NFC để quản lý và định danh các cổ vật. Khách tham quan bảo tàng khi sử dụng điện thoại thông minh quét chip gắn trên cổ vật có thể ngay lập tức tìm hiểu các thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa của cổ vật trên địa chỉ museehue.vn. Đại diện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết, mỗi ngày có hàng nghìn khách tham quan truy cập vào không gian trực tuyến, công nghệ đã giúp lan tỏa các hình ảnh và dữ liệu, kiến thức về hiện vật của bảo tàng đến đông đảo người xem.
Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), dự án “Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản” đã được triển khai với nhiều nội dung thiết thực. Dự án là sự chung tay của nhiều chuyên gia cùng tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, ứng dụng công nghệ định danh số Nomion (kết hợp giữa chíp NFC và Blockchain) để tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý, với mục đích lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa vào đời sống.
Thực tế hiện nay, hầu hết các ngành, các lĩnh vực trong văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, di sản, du lịch, nhiếp ảnh-triển lãm, âm nhạc, quảng cáo... đều đã hòa nhịp trong công tác chuyển đổi số.
Chiến dịch mở đầu của dự án mang tên “Tầm Chân” giúp tạo ra một cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”. Nhờ đó, hình ảnh Nghê - một linh thú thuần Việt trong không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám lan tỏa rộng rãi đến người dân và du khách quốc tế, giúp quảng bá văn hóa Việt. Để thưởng thức cuốn sách đặc biệt này, khách tham quan có thể sử dụng điện thoại thông minh tương tác với chíp RFID gắn trên tượng Nghê đúc bằng đồng thau ở Văn Miếu…
Thực tế hiện nay, hầu hết các ngành, các lĩnh vực trong văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, di sản, du lịch, nhiếp ảnh-triển lãm, âm nhạc, quảng cáo... đều đã hòa nhịp trong công tác chuyển đổi số, dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng vào việc ứng dụng công nghệ như một xu hướng tất yếu. Nhờ công nghệ, nhiều sản phẩm, giá trị văn hóa đã đến với bạn bè quốc tế, giới thiệu một Việt Nam độc đáo trong văn hóa và hiện đại trên con đường hội nhập.
Điểm tựa vững chắc cho bảo tồn và phát triển
Trong bối cảnh toàn xã hội chuyển đổi số, văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước càng cần thiết phải được ưu tiên đặc biệt để không những không bị đi sau, mà còn phải vượt lên trước một bước, như một ngọn đèn “soi đường”. Trong thế giới ngày nay, văn hóa, kinh tế, chính trị luôn đan xen với nhau, và văn hóa là một lĩnh vực quan trọng, có vị trí đặc biệt trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, các ngành công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa có giá trị xã hội, nhân văn.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, công nghiệp văn hóa dẫn lối cho phát triển kinh tế. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, việc ứng dụng công nghệ để biến các giá trị văn hóa thành sản phẩm tiêu dùng, mang lại lợi ích kinh tế cho từng địa phương và quốc gia là đòi hỏi tất yếu. Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp hình thành các ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường dịch vụ, lan tỏa sức mạnh văn hóa đến với mọi tầng lớp nhân dân và ra thế giới, nhờ đó thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế, tạo sức mạnh mềm quốc gia.
Công nghệ mang đến nhiều cơ hội, cung cấp nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy, lan tỏa văn hóa.
Công nghệ mang đến nhiều cơ hội, cung cấp nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy, lan tỏa văn hóa. Nếu biết tận dụng sức mạnh công nghệ trong khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa, chúng ta có thể tạo ra sức thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế từ những điểm đến du lịch, những di sản văn hóa, những món ăn ngon, các môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Khảo sát cho thấy, ở nhiều di tích văn hóa, điểm du lịch, bảo tàng..., việc ứng dụng công nghệ số tạo thêm nguồn thu đáng kể từ việc bán vé tham quan, sản xuất, phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực của các hiện vật di sản. Ông Huy Nguyễn, Tổng Giám đốc Phygital Lab, đơn vị đã phối hợp cung cấp giải pháp số cho nhiều đơn vị văn hóa cho biết, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong văn hóa hiện nay, chúng ta có thể tiến đến giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số trong tương lai gần.
Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo cho rằng, một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào văn hóa là giúp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo cơ hội bình đẳng cho người dân mọi vùng miền được tiếp cận, tìm hiểu, sáng tạo văn hóa. Nhờ công nghệ, người dân ở miền núi hay miền xuôi, thành phố hay nông thôn đều có thể truy cập vào các ứng dụng qua thiết bị thông minh để tìm kiếm tri thức văn hóa, nghiên cứu học hỏi, tương tác lựa chọn điểm đến...
Ở góc độ mở rộng giao lưu quốc tế, công nghệ với những tính năng ưu việt có thể giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa Việt ra thế giới. Từ đây các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam dễ dàng đến được với bạn bè quốc tế, tạo sức hút cho du lịch, giúp Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa được ưa chuộng. Với ý nghĩa đó, công nghệ đã giúp nâng tầm giá trị văn hóa Việt trên trường quốc tế, bởi vì muốn mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập sâu vào thế giới, ngoại giao văn hóa là câu chuyện cốt lõi.
Các sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam đi ra thị trường quốc tế vừa tăng cường sức mạnh mềm quốc gia vừa thúc đẩy phát triển thương mại, củng cố quan hệ hữu nghị, kiến tạo và bảo vệ an ninh quốc gia một cách tinh tế, sâu sắc. Khi công nghệ trở thành công cụ hiện đại đắc lực, các giá trị văn hóa kết tinh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc sẽ có cơ hội được bay cao, bay xa.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024 đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa có mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 7%, đóng góp 8% GDP cả nước.
Một trong những giải pháp đề ra để hoàn thành các mục tiêu là tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm số hóa các giá trị văn hóa, biến văn hóa thành một dòng chảy mạnh mẽ với những sản phẩm cụ thể, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế vừa giới thiệu quảng bá văn hóa vừa mang về nguồn lợi kinh tế cho đất nước.
Để thực hiện được điều này, trước tiên cần tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo, như mạng internet tốc độ cao, các nền tảng trực tuyến và các ứng dụng công nghệ hiện đại. Về nhân lực, cần thúc đẩy công tác đào tạo chuyên sâu cho nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà sáng tạo, để họ có thể sử dụng thành thạo công nghệ vào các hoạt động của mình, mang đến những vẻ đẹp mới cho các sản phẩm văn hóa.
Các nhà quản lý, nhân viên làm việc trong ngành văn hóa cần thay đổi tư duy, cập nhật các xu hướng mới trong công nghệ, bởi vì công nghệ là thứ luôn thay đổi và cải tiến. Nắm vững công nghệ sẽ giúp người làm công tác văn hóa chủ động đề xuất các phương án, chính sách đầu tư, ứng dụng, thúc đẩy văn hóa. Đây cũng là cơ sở để triển khai thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành.
Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Với sự quan tâm của toàn xã hội, với sự đầu tư thích đáng vào khoa học công nghệ như một công cụ hỗ trợ đắc lực, văn hóa sẽ ngày càng phát triển, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước mà còn khẳng định, lan tỏa một hình ảnh Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc ra thế giới.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/202507/giu-gin-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-0b05785/
Bình luận (0)