Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh

Những ngày tháng Tư lịch sử, bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được khởi chiếu trên toàn quốc đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của điện ảnh Việt Nam, gây sức hút mạnh mẽ khi đưa người xem trở về những năm tháng kháng chiến không thể nào quên của dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một số giáo viên đã triển khai mua vé tập thể cho học sinh cùng đi xem. Bộ phim mang đến cho nhiều học sinh cũng như giáo viên góc nhìn sống động hơn về lịch sử, bổ sung thêm nguồn tư liệu quý trong dạy và học. Thông qua hoạt động này, góp phần giúp học sinh thêm gần gũi, yêu thích và có cảm hứng tìm hiểu, học tập lịch sử dân tộc.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị29/04/2025

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh

Tổ chức cho học sinh xem phim về đề tài lịch sử mang lại cách tiếp cận mới những kiến thức lịch sử thông qua ngôn ngữ điện ảnh -Ảnh: H.N

Đầu tháng 4/2025, học sinh lớp 12 Sử - Địa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà được thầy giáo dẫn đi xem phim Địa đạo tại rạp phim Cinemax Quảng Trị. Đối với thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, đặc biệt là học sinh chuyên Sử - Địa thì đây là một cách tiếp cận kiến thức lịch sử sinh động, trực quan nhất thông qua ngôn ngữ điện ảnh. “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể về những người lính và du kích chiến đấu ở “đất thép thành đồng” Củ Chi.

Phim lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967 - chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân Giải phóng miền Nam. Sau trận càn, xóm làng bị thiêu cháy, khắp mặt đất chỉ còn là hố bom. Thế nhưng, sâu trong lòng đất vẫn là không khí chiến đấu, bám trụ của đội du kích địa phương do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy. Dù chỉ là lát cắt nhỏ trong toàn bộ chiều dài lịch sử địa đạo - một công trình kháng chiến mang tính biểu tượng của Nhân dân ta nhưng bộ phim cũng đã đủ sức khơi gợi, phản chiếu được đời sống chiến đấu, tinh thần của những du kích dưới lòng đất năm xưa.

Việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm xem những bộ phim lịch sử là một hình thức giáo dục sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của đa số giới trẻ hiện nay. Thông qua những thước phim, các em dễ dàng hình dung và tiếp cận với từng giai đoạn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ đó tích lũy thêm kiến thức, vốn sống, vốn từ, nuôi dưỡng cảm xúc yêu quê hương, đất nước, tinh thần trách nhiệm cống hiến vì cộng đồng bằng năng lực của bản thân. Đây cũng là hình thức đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử trong nhà trường theo hướng chú trọng phát huy năng lực, phẩm chất, tạo không gian mở cho học sinh tìm hiểu và trải nghiệm để ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Thầy Phan Đình Trình, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà cho biết: “Khi có thông tin về bộ phim Địa đạo, sau khi tìm hiểu bối cảnh, nội dung và cảm thấy đây sẽ là một tác phẩm hay về đề tài lịch sử Việt Nam, tôi quyết định bỏ tiền cá nhân để đặt vé đưa 56 học sinh lớp 12 Sử - Địa đi xem phim. Trước khi xem phim, tôi cho các em một số thông tin về giai đoạn kháng chiến của quân và dân miền Nam những năm 1965 - 1967, trao đổi sơ để các em nắm lịch sử hình thành địa đạo Củ Chi...

Sau khi xem phim, tôi cũng yêu cầu các em liên hệ với những kiến thức đã học, tổ chức cho các em trao đổi, tự đánh giá về bộ phim theo thang điểm như một buổi học nhóm. Tôi nghĩ, ngoài mục đích học tập, đây chính là hoạt động ý nghĩa mà các em được tham gia để hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025)”.

Năm ngoái, thầy Trình cùng các phụ huynh cũng đã tổ chức mua vé cho học sinh lớp Sử - Địa đi xem phim “Đào, Phở và Piano” - một bộ phim đề tài chiến tranh của đạo diễn Phi Tiến Sơn, lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của trận chiến bảo vệ Thủ đô Hà Nội vào năm 1946.

Với nhiều học sinh lớp 12 Sử - Địa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, những buổi xem phim giống như một tiết học ngoại khóa thú vị, không chỉ cung cấp kiến thức về lịch sử mà còn bổ trợ cho các em học các môn như: văn học, địa lý, giáo dục công dân...

Em Phạm Bá Thanh chia sẻ: “Xem xong phim Địa đạo, em hiểu rõ hơn khái niệm “chiến tranh nhân dân”. Hình tượng “người lính” trong em đã không còn bó hẹp chỉ là bộ đội chủ lực hay phải khoác lên mình bộ quân phục, vũ khí đầy đủ mà còn là những người dân chân chất.

Từ đồng ruộng, sông nước, họ quyết tâm chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương mà không màng gian khổ. Qua những hình ảnh chân thực, từ cuộc sống trong địa đạo, cảnh giáp mặt quân thù trong bom đạn ác liệt cho đến tình yêu, khát khao hòa bình giản dị của những người trẻ thời ấy đã hiện ra. Mỗi khoảnh khắc trong phim đều khiến em xúc động, giúp em cảm nhận rõ ràng tinh thần và ý chí kiên cường của thế hệ cha ông.

Với em, bộ phim không chỉ là một bài học lịch sử sống động mà còn là lời nhắc nhở rằng: tự do hôm nay được đánh đổi bằng máu, nước mắt và những mất mát của thế hệ cha ông; thế hệ trẻ phải biết trân trọng giá trị của hòa bình và cố gắng hơn nữa trong học tập để xứng đáng với sự hy sinh ấy. Việc trải nghiệm xem các bộ phim đề tài lịch sử còn giúp em có thêm nhiều tư liệu học tập, bổ sung thêm kiến thức để chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới”.

Ngoài lớp của thầy Trình, còn có lớp Văn của cô giáo Lê Nam Linh, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và nhiều thầy, cô giáo khác cũng mua vé tập thể cho học sinh đi xem phim để phục vụ dạy và học. Đây là mô hình cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả giáo dục trong nhà trường. “Điều phấn khởi là các em đều xem rất tập trung và cảm nhận được phần nào thông điệp của những nhà làm phim muốn gửi gắm; hình dung được những tháng ngày gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc ta.

Được xem những hình ảnh chân thật và xúc động, nhiều học sinh đã rơi nước mắt. Đây là minh chứng cho việc các em không hề thờ ơ với lịch sử mà điều quan trọng là cần thay đổi cách giáo dục, tìm cách truyền đạt mới lôi cuốn hơn giúp các em hứng thú và dễ tiếp thu hơn.

Sắp tới, khi Mưa đỏ - bộ phim về mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Quảng Trị được công chiếu, tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho các em đi xem để đổi mới phương pháp tiếp cận lịch sử, tạo hứng thú học tập cho các em hơn”, thầy Trình nói.

Hoài Nhung

Nguồn: https://baoquangtri.vn/giup-hoc-sinh-them-yeu-lich-su-qua-phim-anh-193326.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm