Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Tiến (tỉnh Hà Tĩnh), anh Nguyễn Duy Sinh (40 tuổi) từng bươn chải nhiều nghề ở các thành phố lớn. Nhưng sau khi lập gia đình, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp, mang theo khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất đồi bạc màu.
Vợ anh, chị Bùi Thị Mai (38 tuổi), người dân tộc Mường (quê Phú Thọ) cũng theo chồng về Hà Tĩnh và bắt đầu cuộc sống mới ở mảnh đất gió Lào vô cùng khó khăn. “Thời gian đầu, cuộc sống rất túng thiếu. Vợ chồng tôi sống dựa vào vài sào đất, trồng lạc, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu”, chị Mai chia sẻ.

Năm 2020, sau khi đi tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc và nghiên cứu kỹ lưỡng anh Sinh quyết định “đặt cược” tương lai vào giống ổi lê Đài Loan.
Anh dồn toàn bộ số tiền tích góp, cùng vay mượn với tổng vốn gần 100 triệu đồng để đầu tư giống, cải tạo lại hơn 1.500m2 ruộng vườn để trồng ổi. Không chọn lối canh tác truyền thống, vợ chồng anh chú trọng cải tạo đất bằng phân hữu cơ, vi sinh, thiết kế hệ thống thoát nước, tạo tán thấp để tiện chăm sóc, thu hái.
“Ban đầu chỉ mong có ít quả bán lấy tiền chợ, ai ngờ cây hợp đất, hợp khí hậu. Quả to, giòn ngọt, khách ăn thử đều khen. Vợ chồng tôi vui mừng và quyết tâm mở rộng diện tích”, anh Sinh chia sẻ.
Sau vụ đầu tiên thành công, năm 2021, vợ chồng anh Sinh tiếp tục mở rộng diện tích lên 3.000m². Đến năm 2023, anh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Sơn Tiến với 10 thành viên, vừa trồng ổi vừa cung ứng giống cây cho người dân trong vùng.

Hiện nay, hợp tác xã đã mở rộng quy mô lên 5ha, trong đó 2ha đang cho thu hoạch thường xuyên. Riêng gia đình anh Sinh canh tác 2ha với gần 700 gốc ổi. Trung bình mỗi năm, vườn ổi cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả, bán tại vườn với giá dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở bán quả tươi, anh chị còn tận dụng lá và búp ổi non để chế biến trà ổi, sản phẩm giá trị gia tăng đang được thử nghiệm và nhận phản hồi tích cực từ thị trường.
“Chúng tôi đang thiết kế bao bì, làm trà đóng gói, tiến tới xây dựng nhãn hiệu riêng. Trà từ búp non ổi có nhiều công dụng, gia đình đang hướng tới để mở rộng sản xuất mang tính lâu dài", chị Mai chia sẻ.
Cũng theo anh Sinh, để nâng cao kỹ thuật, anh thường xuyên tìm đến các nhà vườn lớn để học kinh nghiệm, theo dõi các kênh nông nghiệp trên mạng, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức.

Nhờ nắm vững kỹ thuật tạo tán, bấm ngọn, tỉa cành, cây ổi cho năng suất ổn định quanh năm. Cây 3–5 năm tuổi đạt sản lượng 30–50kg/cây/năm, cây non 1–2 năm cũng cho 5–10kg/cây. Khoảng cách trồng 2,5 – 3m giúp vườn thông thoáng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và thu hoạch.
Không giữ riêng kinh nghiệm cho mình, vợ chồng anh Sinh sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật, cung cấp giống cây và tư vấn cho nhiều hộ dân trong xã. Nhờ vậy, ngày càng nhiều hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ổi, từng bước hình thành vùng trồng ổi tập trung tại Sơn Tiến.
Hiện hợp tác xã của anh Sinh đang xây dựng mô hình vườn mẫu kết hợp du lịch trải nghiệm đưa du khách đến tham quan, hái ổi tại vườn, thưởng thức trà ổi sạch. Đây được xác định là hướng đi mới nhằm gắn kết nông nghiệp với dịch vụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông thôn.

Khởi công 3 căn nhà nhân ái giúp thanh niên khó khăn vươn lên thoát nghèo

Tìm cách 'thoát nghèo' cho tuồng - chèo - cải lương

'Chìa khoá' giúp người dân xã miền núi thoát nghèo

Niềm vui thoát nghèo từ căn nhà tình bạn
Nguồn: https://tienphong.vn/giup-nhieu-ho-dan-thoat-ngheo-nho-trong-oi-le-dai-loan-tren-dat-doi-nang-gio-post1759917.tpo
Bình luận (0)