Toàn tỉnh hiện có khoảng 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho gần 600 nghìn lao động và đóng góp đến 90% tổng thu ngân sách của tỉnh. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 533 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,65% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan về thị trường tiêu thụ và sự trợ giúp đắc lực nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu, phục hồi và phát triển sản xuất.
Để tiếp sức nguồn vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực 4 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở chính về tăng trưởng tín dụng, cân đối nguồn vốn thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2025 an toàn, hiệu quả.
Trong đó, tập trung cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đến 31/3, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 146 nghìn tỷ đồng, tăng 1,61% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 57.400 tỷ đồng, với hơn 3.000 khách hàng vay vốn, tăng 0,09% so với năm 2024. Riêng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,64% so với cuối năm 2024.
Khi nói về hành trình lập nghiệp tại Vĩnh Phúc, ông Tommy Yance Manawan, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam khẳng định: Sự lớn mạnh của Japfa Comfeed luôn có VietinBank Vĩnh Phúc đồng hành. Đặc biệt, cuối tháng 3/2025, công ty và VietinBank đã ký kết triển khai giải pháp tài chính tích hợp hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Đây cũng là cột mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của công ty, góp phần nâng cao độ chính xác trong quản lý tài chính, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, tiết kiệm chi phí vận hành và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tham gia vào thị trường thức ăn chăn nuôi tại tỉnh từ năm 1996. Thời điểm đó, công ty đang loay hoay về thị trường tiêu thụ và nguồn vốn đầu tư thì VietinBank Vĩnh Phúc đã chủ động tìm đến công ty, đưa ra những cơ chế, chính sách giúp công ty tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.
Đặc biệt, năm 2003, đứng trước những khó khăn do thiệt hại từ dịch cúm gia cầm, công ty lại nhận được sự giúp sức của VietinBank Vĩnh Phúc bằng việc thay đổi các điều khoản và thời hạn vay, giúp công ty phục hồi sản xuất và không ngừng phát triển lớn mạnh.
Đến nay, công ty có 8 nhà máy với mạng lưới phân phối rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; cung ứng gần 300 sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Đầu năm 2025, công ty vinh dự được nhận giải thưởng Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín do Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức.
Với quyết tâm không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn, tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị các sở, ban, ngành chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, mục tiêu quốc gia.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, bảo đảm số liệu khách quan, thực chất.
Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt, chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; khơi thông vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay; triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh đối với khách hàng gặp khó khăn.
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126420/Go-nut-that-ve-von-cho-doanh-nghiep
Bình luận (0)