Không chỉ có cảnh quan kỳ vĩ, có hệ sinh thái đa dạng, Hạ Long còn là vịnh biển giàu tiềm năng kinh tế, là không gian văn hoá có chiều sâu và nhiều giá trị sáng tạo, đã sớm hình thành một số nền văn hoá biển nổi tiếng.
Vịnh Hạ Long là không gian hình thành nên các nền văn hóa biển: Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long thời tiền sử; là trung tâm kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Á, giữ vai trò kết nối Đông Bắc Á với Đông Nam Á và Tây Nam Á ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên; là đầu mối bang giao, giao thương quốc tế quan trọng hàng đầu của quốc gia Đại Việt. Theo các nhà khoa học, văn hoá Hạ Long thuộc hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí, có niên đại khoảng từ 6.000 đến 3.500 năm cách ngày nay. Địa bàn phân bố chủ yếu trên vùng đất Quảng Ninh và một số nơi thuộc Hải Phòng.
Văn hoá Hạ Long có nguồn gốc từ một nền văn hóa biển, có những đặc trưng rất độc đáo, thể hiện thông qua hệ thống di tích đa dạng, hệ thống di vật phong phú… và những phát triển mới trong kỹ thuật chế tác công cụ đồ đá, đồ trang sức, đồ gốm. Đặc biệt, gốm xốp được trang trí hoa văn đắp thêm, hoa văn khắc vạch hình chữ S, hình sóng nước, công cụ mài rãnh hình chữ U.
Hạ Long là tên gọi một nền văn hoá mang đậm màu sắc biển có tầm cỡ lớn nhất ở Việt Nam và có vị trí nằm trong gian đoạn bản lề từ tiền sử đến lịch sử. Đặc biệt, văn hoá Hạ Long là nguồn lực văn hoá lớn kết tụ, tạo thành bản sắc văn hoá Việt Nam. Văn hóa Hạ Long chính là cơ sở để tạo ra nguồn lực kết hợp với văn hoá biển và văn hoá lục địa tạo ra sự ra đời của các nhà nước sơ khai trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đó là giá trị cực lớn của nền văn hoá biển đầu tiên Việt Nam, tạo ra sức sống cho quốc gia dân tộc Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến bây giờ. Sự kết quyện giữa văn hoá biển và văn hoá lục địa, kết tinh sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam. Văn hoá biển Hạ Long năng động, có sức thu hút, lan tỏa, giao thoa rộng mở, có sức sống mãnh liệt và các giá trị đó càng được nhân lên trong những điều kiện mới.
Về văn hoá phi vật thể, cư dân Hạ Long còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian, các truyền thuyết đặc sắc về biển. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đó còn là các lễ hội dân gian miền biển, tục lệ thờ cá ông và các vị thần biển. Các tín ngưỡng đó thể hiện cảm thức của cư dân biển trước sức mạnh của tự nhiên.
Nhìn chung, không gian văn hoá biển Hạ Long đa dạng, đa tầng, có chiều sâu và đạt đến độ phổ quát cao về sức lan toả. Có thể coi đó là một phức hệ văn hoá về cả giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể được hình thành và lồng ghép trong cảnh quan di sản - kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ. Sự phong phú, đặc trưng tiêu biểu và có chiều sâu lịch sử của văn hóa Hạ Long, cả về vật thể và phi vật thể là minh chứng sinh động cho truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển của người Việt qua nhiều thế hệ. Các giá trị đó đã và đang góp phần làm gia tăng giá trị đặc sắc, chiều sâu, tính toàn vẹn, xác thực của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Huỳnh Đăng
Nguồn
Bình luận (0)