Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Từ metro đến kết nối vùng chiến lược

Nhìn lại chặng đường gần 5 năm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, có thể khẳng định, ngành giao thông TP.HCM đã thật sự đóng vai trò đi trước mở đường, đạt nhiều cột mốc mới, làm tiền đề để hạ tầng đô thị TP.HCM tiến lên một cột mốc mới.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng20/07/2025


Metro 1 nâng tầm giao thông đô thị với lối ra TOD

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 22/12/2024, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi vào hoạt động thương mại trong sự hân hoan của nhân dân; chính thức mở ra điểm đột phá của giao thông đô thị hiện đại TP.HCM.

Phát biểu tại lễ khánh thành tuyến metro này vào ngày 9/3/2025, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP là một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước… và đang gặp nhiều áp lực về an sinh xã hội, ngập nước, môi trường và nhất là tình trạng ùn tắc giao thông… Việc đưa metro 1 vào hoạt động là minh chứng cho chủ trương quyết định đầu tư vào các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả như đường sắt đô thị kết hợp với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 1
Người dân trải nghiệm metro trong ngày khánh thành

Đây là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, hướng đến xây dựng đô thị văn minh, thân thiện, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuyến Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

“Lễ khánh thành tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngày hôm nay, không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là sự khởi nguồn cho một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Tôi cũng mong rằng mỗi người dân Thành phố sẽ tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, đồng hành với Chính quyền Thành phố trong triển khai các định hướng phát triển trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 2
Tuyến Metro số 1 là khởi nguồn cho một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại

Tuyến Metro số 1 hoạt động từ 5h đến 22h hằng ngày với công suất sử dụng khá cao. Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), từ ngày 1/1 đến nay đã thực hiện hơn 40.000 lượt tàu (đạt 100% kế hoạch) với tổng lượng khách đạt hơn 10,4 triệu lượt, đạt 134%. Trung bình mỗi ngày phục vụ hơn 52.000 lượt hành khách; trong đó thành phần sử dụng metro trong sinh hoạt, đi làm hằng ngày ngày càng tăng cho thấy hiệu quả rõ rệt của tuyến metro đầu tiên của TP.HCM. Từ đó mở ra kỳ vọng về mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM trong thời gian tới và thuận lợi là Nghị quyết 188.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: "Nghị quyết 188 về các cơ chế đặc thù đặc biệt đặc thù để phát triển đường sắt đô thị TP.HCM. Đây là cơ chế chính sách rất lớn để chúng ta có cơ hội phát triển đường sắt đô thị tại TP.HCM nhanh hơn, có nhiều đột phá phát triển thuận lợi hơn".

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035, vận tải công cộng đảm nhận 40 – 50%, đến 2045 là 50 – 60% nhu cầu đi lại của người dân thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh hệ thống metro mà mục tiêu cụ thể là đến 2035 hoàn thành 355 km đường sắt đô thị. Ngoài việc giải bài toán huy động nguồn vốn cực lớn thì cần phải thay đổi tư duy, hướng đến phát triển đô thị theo mô hình TOD.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tư duy giao thông vận tải vẫn đang có xu hướng dựa trên nền giao thông sẵn có, các tuyến metro phát triển theo các tuyến đó. Nhưng… hiện nay, cần phải tư duy TOD -giao thông vận tải và đô thị cùng một lúc, đổi mới hoàn toàn cách tiếp cận.

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 3
KTS Ngô Viết Nam Sơn

"Tức là tuyến metro không cần thiết phải bám giao thông mà có thể mở ra tuyến giao thông mới, mở ra các đoạn đi qua khu vực không ai ở. Nhưng khu không ai ở đó là quỹ đất phát triển TOD. Thành ra tư duy hoàn toàn khác, chúng ta phải có sự can đảm để đổi mới. Nếu không đổi mới sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

TP.HCM sau hợp nhất thêm cơ hội bứt phá

Có thể nhận thấy, giai đoạn 2020 – 2025, TP.HCM đã được Trung ương quan tâm và có nhiều chính sách để hỗ trợ cho TP.HCM mở rộng kết nối với các địa phương xung quanh. Từ chỗ TP.HCM chỉ có 2 tuyến cao tốc ở cửa ngõ là TP.HCM – Trung Lương và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (vốn đã sớm quá tải ngay sau khi đưa vào hoạt động) thì đến nay, TP đang triển khai loạt dự án Vành đai và cao tốc hướng tâm như Vành đai 2 (sắp khép kín), Vành đai 3 (đã khởi công một số đoạn) và Vành đai 4 (chuẩn bị đầu tư đoạn qua TP).

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 4
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua khu vực TP Thủ Đức (cũ)

Các tuyến cao tốc hướng tâm mới như TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, hay mở rộng các tuyến hiện hữu như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận cũng được đẩy mạnh để kết nối hiệu quả với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ở các cửa ngõ của TP.HCM, 4 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22 và trục Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 57.000 tỷ đồng đã được HĐND TP thông qua cũng được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn mạch máu giao thông.

Đặc biệt, sau ngày 1/7/2025, khi TP.HCM hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu hình thành một siêu đô thị, TP.HCM mới với dân số hơn 14 triệu người.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Võ Hoàng Ngân, cùng với quy mô mở rộng, thành phố cũng đối mặt với những thách thức lớn hơn trong lĩnh vực giao thông đô thị, bao gồm ùn tắc giao thông, tính bền vững môi trường và nhu cầu hiện đại hóa hạ tầng trên một địa bàn rộng lớn hơn.

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 5
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Võ Hoàng Ngân

Do đó yêu cầu đặt ra cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị thông minh là cấp bách và đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.

"Đây là cơ hội phát triển rất lớn cho sự phát triển của miền Đông Nam bộ và Việt Nam. Để vận hành quản lý một đô thị lớn như TP.HCM thì có nhiều thách thức lớn sắp tới, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Những thách thức đó ngoài những công cụ quản lý truyền thống cần phải có công cụ quản lý mới thông minh hơn, hiện đại hơn và có sự hợp tác trong cũng như ngoài nước", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Võ Hoàng Ngân cho hay.

Còn ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đánh giá, sau hợp nhất, nhu cầu các dự án giao thông liên vùng sẽ rất cao.

Trước mắt, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc về các hệ thống giao thông nối kết giữa ba địa phương để tạo không gian phát triển, tạo động lực, tiền đề để TP.HCM mới phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Giao thông đang cùng với Sở Xây dựng cũng như các đơn vị của các địa phương tập trung để chuẩn bị việc triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe Vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm 2025 và khởi công dự án Vành đai 4 vào năm 2026.

Ngoài ra, 5 cao tốc hướng tâm gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Mộc Bài và TP.HCM – Chơn Thành cũng đồng loạt triển khai mở rộng hoặc xây dựng mới.

"Cùng với 2 vành đai và 5 cao tốc hướng tâm và một loạt các dự án nối kết liên vùng sẽ tạo ra một không gian phát triển mới, một động lực mới, nguồn lực mới cho TP.HCM mới. Và một điều rất là thuận lợi là khi các địa phương hợp nhất lại thì ranh giới địa chính sẽ không trở thành một trở ngại trong việc bổ sung vốn, điều chỉnh dự án hay là phối hợp thi công như trước đây. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một điều kiện rất là thuận lợi, một sự đột phá về cơ chế để đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm và có thêm được nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển trong thời gian tới", ông Lương Minh Phúc cho biết.

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 6
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được

Một thuận lợi nữa để tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của giao thông TP.HCM là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Trung ương cũng như TP. Ông Nguyễn Văn Được khi mới nhậm chức Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chọn ngành giao thông vận tải là đơn vị làm việc đầu tiên với quan điểm rõ ràng là “lộ thông thì tài thông”. Từ đó, đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị phải tập trung quan tâm, phát triển cho giao thông; đổi mới tư duy theo hướng chủ động, năng động, sáng tạo và linh hoạt để làm sao cho lĩnh vực giao thông nhanh nhất, hiệu quả nhất.

"Giao thông là mạch của kinh tế, mở ra dư địa phát triển, khơi thông nguồn lực của địa phương đất nước. Và giao thông cũng là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia, một địa phương nên vị trí vai trò của ngành giao thông rất quan trọng. Cho nên toàn bộ sự lãnh đạo, hệ thống chính trị phải tập trung quan tâm cho giao thông", ông Nguyễn Văn Được khẳng định.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, giai đoạn 2020 – 2025, “TP.HCM sẽ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ”. Trong đó có các mục tiêu cụ thể là “xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai…”.

Và chặng đường đã qua của TP.HCM đã góp phần tạo nên một "chân đế" vững chắc để TP.HCM mới có được những động lực mạnh mẽ để bứt phá về hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Trong bối cảnh TP.HCM mới được mở rộng về địa giới hành chính, cùng với đó là mô hình chính quyền địa phương hai cấp với nhiều điểm ưu việt hơn chắc chắn sẽ giúp TP.HCM thực hiện các mục tiêu đề ra với tầm nhìn phấn đấu vào Top 100 thành phố đáng sống trên thế giới.

ha tang giao thong tp.hcm tu metro den ket noi vung chien luoc hinh anh 7
TP.HCM đang phát triển vượt bật về hạ tầng giao thông

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM (nay là Sở Xây dựng), những năm 2000, TP.HCM đã hoàn thiện 1.915km đường bộ, mật độ đường giao thông đạt 0,91km/km2, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 3,6%. Đến nay, TP.HCM đã đạt được con số ấn tượng lên đến 5.153km (mật độ đường giao thông đạt 2,44km/km2, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%).

So với mục tiêu Đại hội XI là “đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2” thì mục tiêu trên đã gần tiệm cận, trong bối cảnh mà dân số TP.HCM tăng cao.

Nếu như giai đoạn 2006-2015 nguồn vốn dành cho giao thông là khoảng 67.000 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2016-2025 tăng lên khoảng 176.220 tỷ đồng, tăng khoảng 2,63 lần so với giai đoạn trước. Và con số này trong giai đoạn 2026 – 2030 dự kiến lên đến hơn 992.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so giai đoạn trước (số liệu với TP.HCM cũ).

Nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/ha-tang-giao-thong-tp-hcm-tu-metro-den-ket-noi-vung-chien-luoc-1019185.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm