Sự ra đời của Hải quan Ninh Bình bắt đầu từ một nhu cầu thực tế: Tỉnh cần có cơ quan chuyên trách để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đang ngày một phát triển. Tháng 3/1995, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã làm việc với Cục Hải quan Thanh Hóa và đề xuất thành lập tổ chức Hải quan tại địa phương. Ngày 19/5/1995, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định thành lập Hải quan thị xã Ninh Bình, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa. Dù là đơn vị cấp cơ sở, nhưng đây là bước đi có ý nghĩa quan trọng.
Những ngày đầu, cán bộ, công chức chỉ có 6 người, làm việc trong hai phòng nhỏ đi mượn tại trụ sở Cục Thuế. Đến cuối năm 1996, Hải quan Ninh Bình mới được xây dựng trụ sở riêng và đưa vào hoạt động từ tháng 4/1998. Tuy còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng chính trong điều kiện ấy, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và kiên cường của cán bộ, công chức được hun đúc và trở thành nền tảng cho sự phát triển sau này.
Từ năm 2001, đơn vị được đổi tên thành Chi cục Hải quan Ninh Bình, có thêm các tổ nghiệp vụ tại cảng Ninh Phúc và ICD Phúc Lộc. Đặc biệt, giai đoạn 2004-2008, Chi cục còn được giao quản lý thêm địa bàn tỉnh Hà Nam, trước khi tỉnh này tách lập đơn vị hải quan riêng. Đến năm 2016, Chi cục Hải quan Ninh Bình chuyển về trực thuộc Cục Hải quan Hà Nam Ninh, và từ tháng 3/2025 được đổi tên là Hải quan Ninh Bình trực thuộc Chi cục Hải quan Khu vực X theo mô hình tổ chức mới của ngành.
30 năm, từ một đơn vị non trẻ, Hải quan Ninh Bình đã trở thành một trong những điểm sáng của hệ thống Hải quan ngoài cửa khẩu. Những ngày đầu mới thành lập chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục thì đến nay có gần 300 doanh nghiệp thường xuyên đăng ký làm thủ tục tại đơn vị với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trị giá gần 45.000 triệu USD; thu nộp ngân sách gần 37.000 tỷ đồng. Tính riêng từ năm 2011 đến quý I/2025, Hải quan Ninh Bình đã tiếp nhận đăng ký 591.568 tờ khai xuất nhập với trị giá 43.460 triệu USD, thu nộp ngân sách 35.155 tỷ đồng.
Những con số ấy không chỉ thể hiện khối lượng công việc mà còn phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Hải quan Ninh Bình trong việc hỗ trợ thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách, Hải quan Ninh Bình còn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng mô hình hải quan điện tử hiện đại. Đơn vị đã triển khai hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), cơ chế một cửa quốc gia và các phần mềm nghiệp vụ chuyên sâu nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong đơn vị thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng, tiếp nhận góp ý, từ đó cải tiến quy trình làm việc. Sự thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” là minh chứng cho một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Bên cạnh đó, đơn vị luôn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách, quy định mới. Nhờ vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Ninh Bình ngày càng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, có thể thấy, thành công của Hải quan Ninh Bình còn đến từ việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. Từ 6 cán bộ ban đầu, đến nay đơn vị gia tăng về số lượng cán bộ, với trình độ chuyên môn cao, làm chủ công nghệ hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Nội bộ đoàn kết, kỷ luật nghiêm minh, tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên hoạt động hiệu quả, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi cán bộ, công chức. Đi đôi với đó là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, như trụ sở khang trang, hệ thống máy soi, thiết bị kiểm tra chuyên dụng, phần mềm quản lý thông minh. Môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp chính là yếu tố giữ chân nhân lực và tạo động lực để mỗi người xác định cống hiến lâu dài.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, công chức Hải quan Ninh Bình còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như phụng dưỡng mẹ liệt sĩ, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, xây nhà tình nghĩa… Điều đó cho thấy bản lĩnh, trách nhiệm và tấm lòng của những người “gác cửa kinh tế quốc gia” không chỉ giới hạn trong khuôn viên trụ sở mà còn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Bước vào giai đoạn 2025-2035, Hải quan Ninh Bình xác định rõ mục tiêu: Không chỉ là một đơn vị hải quan địa phương, mà còn là đầu mối thúc đẩy thương mại, kết nối Ninh Bình với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đơn vị hướng tới xây dựng Hải quan số-Hải quan thông minh, với mô hình quản lý chủ động, rủi ro thấp, hiệu quả cao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Hải quan Ninh Bình xác định, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và chiến lược phát triển ngành; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ số hài lòng doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, bảo vệ an ninh kinh tế; phát triển đội ngũ cán bộ “đủ tâmđủ tầm”, tinh gọn, hiệu quả; chủ động hợp tác liên ngành, liên vùng để mở rộng dư địa phát triển. Hải quan Ninh Bình cũng đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân-những người trực tiếp thụ hưởng chất lượng dịch vụ công như là bạn đồng hành trong mọi cải cách, đổi mới.
Có thể khẳng định, ba thập kỷ là một quãng thời gian không quá dài so với lịch sử, nhưng đủ để nhìn lại và khẳng định: Hải quan Ninh Bình đã trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức, năng lực chuyên môn và vai trò trong phát triển địa phương. Những con số như gần 45 tỷ USD trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, gần 37.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước là minh chứng rõ ràng cho sự đóng góp thiết thực và bền bỉ ấy.
Trong giai đoạn sắp tới, khi sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình-Nam ĐịnhHà Nam, yêu cầu nhiệm vụ của ngành Hải quan đặt ra càng cao hơn. Trong đó, mỗi cán bộ, công chức không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn phải thích ứng với yêu cầu điều hành quy mô rộng hơn, khối lượng công việc lớn hơn, và đặc biệt là năng lực phối hợp, xử lý nghiệp vụ liên vùng hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, cần tiếp tục xây dựng Hải quan Ninh Bình trở thành một đơn vị đủ mạnh về tổ chức, đủ tầm về chuyên môn, và đủ bản lĩnh để đóng vai trò trung tâm, đầu tàu trong toàn khu vực. Hải quan không chỉ là lực lượng kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn là “người bạn đồng hành” tin cậy, thân thiện, chuyên nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, là động lực thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế tại địa phương.
Trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình đang hướng tới mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững của Vùng đồng bằng Sông Hồng, thì việc hiện đại hóa hải quan, chuyển đổi số toàn diện và xây dựng mô hình Hải quan thông minh là những nhiệm vụ sống còn. Hải quan Ninh Bình sẽ nỗ lực phát huy truyền thống 30 năm để tiếp tục tiên phong trong thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với nền tảng vững chắc đã có, với đội ngũ cán bộ ngày càng bản lĩnh, sáng tạo và với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân, Hải quan Ninh Bình chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới, góp phần hội nhập sâu rộng, phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hai-quan-ninh-binh-30-nam-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-557785.htm
Bình luận (0)