Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm

(Dân trí) - Từ sữa cho người bị suy thận, đến chai dầu ăn, gói hạt nêm trong gian bếp... đều xuất hiện trong các đường dây sản xuất hàng giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện trong một thời gian ngắn vừa qua.

Báo Dân tríBáo Dân trí29/04/2025

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc liên quan đến thuốc, thực phẩm giả bị phát hiện trên phạm vi cả nước, gây lo ngại lớn trong dư luận.

Đầu tháng 4, Bộ Công an phát hiện đường dây sữa giả liên quan đến 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai... Nhiều sản phẩm có chất lượng thực tế chỉ đạt dưới 70% so với công bố.

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 1

Vụ việc gần 600 nhãn hiệu trong đường dây sữa giả gây rúng động dư luận (Ảnh: VTV).

Kết quả điều tra cho thấy toàn bộ số sản phẩm này do hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group đứng sau sản xuất, phân phối. Bằng thủ đoạn quảng cáo sai lệch và đánh vào tâm lý người bệnh, các doanh nghiệp này đã lừa đảo người tiêu dùng và chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng từ tháng 8/2021 đến nay.

Câu chuyện bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 16/4, tại Thanh Hóa, công an tỉnh đã triệt phá một đường dây buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn với tổng khối lượng lên đến 10 tấn, thu lợi bất chính khoảng gần 200 tỷ đồng.

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 2

Lực lượng công an kiểm tra số thuốc giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Tiếp nối chuỗi vụ việc, ngày 25/4, tại Hà Nội, Công ty TNHH Công nghệ Herbitech bị phát hiện sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả dành cho trẻ em. Hai sản phẩm được xác định là hàng giả và phân phối trên thị trường gồm "BABY SHARK" và "Medi Kid Calcium K2".

Ngay sau đó, ngày 26/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã khởi tố một vụ án có quy mô đặc biệt lớn, liên quan đến hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả. Các đối tượng lập nhiều công ty để che giấu hoạt động, sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc nhưng dán nhãn hàng nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu.

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 3
Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 4

Chưa hết bàng hoàng, mới đây nhất, tại Phú Thọ, lực lượng chức năng phát hiện một kho hàng thực phẩm giả với số lượng lớn do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam quản lý. Tang vật bị thu giữ gồm hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh và gần 84 tấn phụ gia, cùng hơn 1,5 triệu vỏ bao bì, can nhựa.

Người dân mua thuốc, sữa giả có được bồi thường?

Sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán sữa giả quy mô lớn, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh nhiều người dân tập trung tại một đại lý sữa ở Phú Thọ để trả hàng, đòi lại tiền. Họ cho rằng sản phẩm mình đã mua nằm trong danh sách hàng giả vừa được cơ quan chức năng công bố.

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 5

Theo nội dung video được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người dân ở Phú Thọ mang sữa đã mua của đại lý đến trả và đòi hoàn tiền (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều người không giấu được sự bức xúc và lo lắng khi phát hiện bản thân và gia đình, trong đó có cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, từng sử dụng loại sữa nghi là giả. Một số người cho biết đã từng gặp dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng nhưng không hề nghi ngờ cho đến khi có thông tin chính thức.

Theo nội dung trong video, dù người dân chủ động mang sản phẩm đi trả và yêu cầu hoàn tiền, đại lý đã từ chối tiếp nhận, dẫn đến tranh cãi.

Vậy câu hỏi đặt ra, khi người dân mua phải sữa giả hay rộng hơn là các sản phẩm thực phẩm/thực phẩm chức năng/thuốc giả như trong các vụ việc nêu trên thì trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lưu Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Hãng luật La Défense cho biết: "Tùy từng trường hợp cụ thể mà trách nhiệm giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và đại lý bán lẻ sẽ được xác định khác nhau. Nhưng về bản chất, để hàng giả có thể lưu thông trên thị trường phải bắt đầu từ khâu sản xuất".

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 6

Luật sư Lưu Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Hãng luật La Défense (Ảnh: CTV).

Theo luật sư Dũng, nhiều nhà sản xuất đã tự ý thay đổi định lượng các thành phần chính trong sản phẩm, giảm dưới mức 70% so với tiêu chuẩn công bố, khiến sản phẩm không còn đúng với thông tin ghi trên bao bì. Đây là hành vi làm giả hàng hóa ngay từ chính doanh nghiệp sản xuất với mục đích trục lợi.

"Tuy nhiên, nếu nhà phân phối hoặc đại lý biết rõ sản phẩm là giả mà vẫn tiếp tục phân phối, họ cũng phải chịu trách nhiệm tương tự như bên sản xuất. Vì đó là hành vi tiếp tay cho sản xuất hàng giả", luật sư Dũng nhấn mạnh.

Trong trường hợp không xác định được đại lý biết rõ nguồn gốc hàng hóa, việc trả hàng hay hoàn tiền sẽ không thể áp đặt theo quy định pháp luật mà chỉ là một thỏa thuận dân sự.

Từ góc nhìn y tế, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cảnh báo: "Sử dụng thuốc giả, thực phẩm là hành vi nguy hiểm, chẳng khác nào đánh cược mạng sống của chính mình".

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 7

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (Ảnh: CTV).

BS Mạnh dẫn chứng một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất khi dùng thuốc giả là việc các triệu chứng thật bị che lấp, khiến người bệnh nhầm tưởng đang điều trị hiệu quả. Trong khi đó, bệnh tiếp tục tiến triển âm thầm, dẫn đến biến chứng nặng nề mà không được phát hiện kịp thời.

"Người bệnh nghĩ rằng mình đang được điều trị, nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt chất nào tác động. Trong thời gian đó, các tổn thương ở mô, cơ, khớp vẫn âm thầm gia tăng. Đến khi quay lại bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, rất khó can thiệp", BS Mạnh chia sẻ.

BSCKII Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) nhấn mạnh, mức độ nguy hiểm của sữa giả không chỉ nằm ở hình thức bao bì mà chính là nội dung bên trong sản phẩm, tức chất lượng dinh dưỡng.

"Khi sản phẩm này được tiêu thụ bởi những nhóm dân số dễ tổn thương như trẻ sinh non, thiếu tháng; phụ nữ có thai; người cao tuổi hoặc bệnh nhân mạn tính, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn, thậm chí có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu sử dụng kéo dài", BS Mai cho biết.

Theo BS Mai, điều đáng lo ngại nhất của sữa giả là sản phẩm này có thể không gây triệu chứng cấp tính, khiến nhiều người dùng tưởng là "vẫn ổn". Tuy nhiên, bên trong, thiếu vi chất kéo dài có thể gây ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, thần kinh, chuyển hóa.

"Trẻ nhỏ có thể bị thiếu máu mạn tính, chậm tăng trưởng, rối loạn phát triển hành vi, học kém. Phụ nữ mang thai dễ mệt mỏi, suy kiệt, sinh non, dị dạng thai, thậm chí lưu thai. Bệnh nhân có bệnh lý nền dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, biến chứng đột ngột", BS Mai liệt kê.

Luật sư Dũng khẳng định, dưới góc độ pháp lý, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu hoàn tiền, đổi sản phẩm hoặc bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại.

"Người dân sẽ được bồi thường về sức khỏe nếu có cơ sở cho rằng sữa giả là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý phải điều trị hoặc trực tiếp gây ra các thương tật có thể giám định được.

Ngoài ra người mua sữa giả cũng có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần nếu chứng minh được đời sống của mình hay người thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc mua, sử dụng sữa giả. Tuy nhiên, trên thực tế khó định lượng được con số cụ thể", luật sư Dũng thông tin.

Với vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực tiếp thụ lý, người tiêu dùng có thể tập hợp bằng chứng và gửi yêu cầu giải quyết bồi thường dân sự trong khuôn khổ vụ án hình sự, thay vì khởi kiện độc lập theo thủ tục dân sự.

Tránh cảnh "bên này nhìn bên kia"

Trên thực tế việc kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm thực phẩm/thuốc được lưu thông trên thị trường thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định chính xác cơ quan nào đã chậm trễ, để hàng giả lọt lưới ra thị trường lại là điều không hề dễ dàng.

Hàng giả đổ bộ từ giường bệnh đến mâm cơm - 8

Dòng sữa giả có tên Cilonmum được quảng cáo rộng rãi trên các nền tảng (Ảnh: Chụp màn hình).

Nguyên nhân không chỉ vì sự phân tán thẩm quyền, mà còn bởi thủ đoạn của các đối tượng sản xuất và phân phối hàng giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường xuyên thay đổi mặt hàng, phương thức, ngoài ra còn có nhiều hình ảnh quảng cáo, truyền thông rầm rộ để che mắt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Thời gian gần đây nhờ có sự vào cuộc ráo riết của lực lượng công an và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ nên các đường dây sản xuất, phân phối hàng giả không chỉ thực phẩm mà còn thuốc giả đã được phát hiện, phơi bày.

Luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 hiện hành đã có nhiều điểm tiến bộ, khắc phục được không ít kẽ hở pháp lý trước đây. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, điểm nghẽn lại nằm ở khâu thực thi.

"Việc tuyên truyền, áp dụng và triển khai các quy định của luật vẫn chưa thực sự hiệu quả. Khi thẩm quyền được giao cho nhiều cơ quan rất dễ xảy ra tình trạng "bên này nhìn bên kia", hoặc "dẫm chân" nên chưa ai thực sự vào cuộc", luật sư Dũng đánh giá.

Theo ông, để bảo vệ người tiêu dùng một cách thực chất, điều tiên quyết là phải xác định rõ một cơ quan đầu mối có trách nhiệm chính trong quản lý và xử lý vi phạm. Khi thẩm quyền vẫn bị phân tán và chồng chéo giữa nhiều đơn vị, tình trạng sản xuất, lưu hành hàng giả sẽ còn kéo dài, khiến việc phát hiện và xử lý hàng giả tiếp tục kém hiệu quả.

"Không thể trông chờ vào việc "chạy theo để dọn dẹp hậu quả". Muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hệ thống pháp lý và quản lý phải đi trước một bước để chủ động ngăn chặn thay vì chỉ xử lý sau khi thiệt hại đã xảy ra", luật sư Dũng nhận định.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/hang-gia-do-bo-tu-giuong-benh-den-mam-com-20250429090510269.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm