Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hé lộ hình ảnh đầu tiên về một ngôi sao sơ sinh 'chào đời'

Các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát được khoảnh khắc các hành tinh bắt đầu hình thành xung quanh một ngôi sao, sự ra đời của hệ Mặt Trời đang dần hé lộ.

VTC NewsVTC News18/07/2025

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện những "hạt giống" sớm nhất của các hành tinh đá đang hình thành trong lớp khí bao quanh một ngôi sao sơ sinh giống Mặt Trời. Điều này mang đến cái nhìn quý giá về sự ra đời của Hệ Mặt Trời.

Bức ảnh chụp chưa từng có về “thời điểm số 0” (time zero) – khoảnh khắc các thế giới mới bắt đầu kết tụ. (Nguồn: AP)

Bức ảnh chụp chưa từng có về “thời điểm số 0” (time zero) – khoảnh khắc các thế giới mới bắt đầu kết tụ. (Nguồn: AP)

“Chúng tôi đã ghi lại trực tiếp vùng nóng nơi các hành tinh đá như Trái Đất được sinh ra xung quanh các sao tiền chủ,” bà Melissa McClure từ Đại học Leiden (Hà Lan), trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế chia sẻ, “Lần đầu tiên, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng những bước đầu tiên của quá trình hình thành hành tinh đang thực sự diễn ra ngay lúc này.”

Giáo sư Fred Ciesla từ Đại học Chicago đánh giá các quan sát này mang lại một cái nhìn độc đáo về cơ chế hoạt động bên trong của một hệ hành tinh đang hình thành.

Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA cùng với Đài quan sát Nam Âu (ESO) tại Chile đã phối hợp để lần đầu tiên tiết lộ các dấu hiệu nguyên thủy của quá trình hình thành hành tinh quanh ngôi sao trẻ HOPS-315. Đây là một ngôi sao vàng nhỏ đang trong quá trình hình thành, giống như Mặt Trời, nhưng trẻ hơn rất nhiều, mới chỉ 100.000 đến 200.000 năm tuổi và nằm cách Trái Đất khoảng 1.370 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng tương đương 6.000 tỷ dặm).

Hệ hành tinh đang hình thành trông như một con đom đóm phát sáng giữa khoảng không vũ trụ đen thẳm. (Nguồn: AP)

Hệ hành tinh đang hình thành trông như một con đom đóm phát sáng giữa khoảng không vũ trụ đen thẳm. (Nguồn: AP)

Trong một kỳ tích thiên văn học, Melissa McClure và nhóm của bà đã quan sát sâu vào đĩa khí bao quanh ngôi sao sơ sinh và phát hiện các hạt rắn đang ngưng tụ, dấu hiệu cho thấy quá trình hình thành hành tinh đã bắt đầu. Một khoảng trống ở phần ngoài của đĩa, nhờ sự kết hợp với góc nghiêng thuận lợi của ngôi sao hướng về Trái Đất đã cho phép nhóm nghiên cứu nhìn thẳng vào vùng trung tâm đĩa.

Họ đã phát hiện khí silicon monoxide cùng với khoáng chất silicat dạng tinh thể, những thành phần được cho là vật chất rắn đầu tiên hình thành trong Hệ Mặt Trời của chúng ta cách đây hơn 4,5 tỷ năm. Quá trình này diễn ra ở vị trí tương đương với vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, nơi chứa các khoáng chất tinh thể còn sót lại từ thời kỳ đầu hình thành các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Các tia silic monoxit được phun ra từ ngôi sao sơ sinh HOPS-315. (Nguồn: AP)

Các tia silic monoxit được phun ra từ ngôi sao sơ sinh HOPS-315. (Nguồn: AP)

Trước đây, việc ngưng tụ khoáng chất nóng chưa từng được phát hiện xung quanh bất kỳ ngôi sao trẻ nào khác. “Vì vậy, chúng tôi không biết đó là một đặc điểm phổ quát của quá trình hình thành hành tinh hay chỉ là điều gì đó đặc biệt kỳ lạ của Hệ Mặt Trời chúng ta,” McClure cho biết qua email. “Nghiên cứu này cho thấy đây có thể là một quá trình phổ biến trong giai đoạn sơ khai nhất của sự hình thành hành tinh.”

Trong khi các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các đĩa khí trẻ hơn hoặc các đĩa đã trưởng thành với các cấu trúc được cho là “hạt nhân hành tinh”, thì đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên về thời điểm khởi đầu quá trình hình thành hành tinh.

Hiện vẫn không thể biết chính xác sẽ có bao nhiêu hành tinh được hình thành quanh HOPS-315. Tuy nhiên, theo bà Melissa McClure, với khối lượng đĩa khí xung quanh tương đương với khối lượng Mặt Trời thời kỳ đầu, hệ này hoàn toàn có thể tạo ra tới tám hành tinh trong vòng một triệu năm hoặc hơn nữa, tương tự Hệ Mặt Trời.

Merel van ’t Hoff từ Đại học Purdue, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết bà rất háo hức tìm thêm nhiều hệ hành tinh đang trong giai đoạn sơ khai. Việc mở rộng phạm vi quan sát sẽ giúp các nhà thiên văn tìm kiếm các điểm tương đồng và từ đó xác định những yếu tố nào là then chốt để hình thành Trái Đất.

Minh Hoàn

Nguồn: https://vtcnews.vn/he-lo-hinh-anh-dau-tien-ve-mot-ngoi-sao-so-sinh-chao-doi-ar954973.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm