Tự phát chọn giống bất chấp khuyến cáo
Vụ xuân năm nay Nghệ An có hơn 2.800 ha lúa bị thoái hóa đầu bông, tỷ lệ hạt lép cao hoặc không kết hạt. Trong 34 giống lúa bị hiện tượng này, có 10 giống lúa ngoài cơ cấu sản xuất vẫn được người dân đưa vào sản xuất trong vụ xuân năm nay, bị ảnh hưởng dẫn đến thoái hóa đầu bông, tỷ lệ hạt lép cao hoặc không kết hạt.

Là giống lúa không được huyện Yên Thành đưa vào cơ cấu sản xuất, nhưng D ưu 725 (Hà Xuyên 1425) lại được nhiều nông dân ở địa phương này sử dụng. Tại xóm Đông Yên (xã Đông Thành), vụ xuân năm nay rất nhiều hộ gia đình đua nhau gieo cấy giống lúa D ưu 725.
Bà Nguyễn Thị Hải - một nông dân ở đây cho biết: Năm ngoái, một số hộ cấy cho năng suất rất cao, sâu bệnh cũng sạch mà gạo ngon nên năm nay phần đa bà con mua giống lúa này về gieo cấy, chứ không để ý là huyện, xã có đưa vào cơ cấu khuyến cáo sản xuất hay không. Năm nay rất nhiều gia đình đã mất trắng.

Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Là giống lúa đã được công nhận và một số hộ dân đã đưa vào sản xuất từ vụ xuân năm ngoái, tuy nhiên giống lúa D ưu 725 không được xã Diễn Đồng (Diễn Châu) đưa vào cơ cấu sản xuất vụ xuân.
“Trong Đề án sản xuất của huyện không cơ cấu giống lúa này, và nó cũng chưa được chứng minh về hiệu quả ổn định cũng như tính phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nên chúng tôi không đưa vào cơ cấu”, cán bộ nông nghiệp xã Diễn Nguyên cho biết.
Thế nhưng, cũng như ở Yên Thành, nông dân Diễn Đồng đua nhau, ồ ạt sử dụng. Và thực tế, toàn bộ diện tích này đều bị mất năng suất nặng nề. “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường, một số giống bị ảnh hưởng nặng nề hơn do có thời gian sinh trưởng ngắn, giai đoạn phân hóa đòng trùng đúng đợt rét sâu. Các giống lúa mới chưa được đánh giá đầy đủ về khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, nhất là khả năng chống chịu lạnh nên bị mẫn cảm”, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường cho hay.

Lợi bất cập hại
Hiện nay, tại một số địa phương, tình trạng nông dân tự ý gieo cấy các giống lúa ngoài cơ cấu ngày càng phổ biến. Đặc biệt, không chỉ là những giống lúa không có trong cơ cấu của từng địa phương huyện, xã, mà theo điều tra của ngành Nông nghiệp, trong vụ xuân vừa qua đã có tới 28 giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh được bà con đưa vào sản xuất, bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và các địa phương.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế, mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý giống và xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết.

Người dân có thể sản xuất theo kinh nghiệm, “truyền tai” nhau, thấy người này làm tốt, năng suất cao thì mình cũng làm, tuy nhiên việc sử dụng các giống lúa ngoài cơ cấu của ngành chuyên môn là hành động mạo hiểm. Những giống lúa chưa được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất dễ phải đối mặt với nguy cơ sâu bệnh hại, năng suất thấp hoặc chất lượng gạo kém, thậm chí có thể trổ sai vụ, giảm năng suất, đặc biệt nếu gặp thời tiết bất lợi, thiệt hại có thể là rất lớn.
Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Có một số giống lúa mới mặc dù đã được công nhận, được phép lưu hành thậm chí được tỉnh đưa vào cơ cấu sản xuất, nhưng địa phương không khuyến cáo sử dụng.
Chúng tôi chỉ đưa vào cơ cấu những giống lúa đã chứng tỏ được hiệu quả ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương ít nhất 3 năm.
Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thành

Vụ xuân năm nay, theo kết quả điều tra, tổng hợp của ngành Nông nghiệp, có 102 giống lúa được người dân sản xuất (trong đó có 33 giống lúa lai, 69 giống lúa thuần). Trong khi ngành chỉ đưa vào cơ cấu tại đề án sản xuất 74 giống lúa (27 giống lúa lai, 47 giống lúa thuần). Như vậy, có đến 28 giống sản xuất nằm ngoài các giống cơ cấu. Việc tự ý sử dụng giống lúa không nằm trong khuyến cáo đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về sâu bệnh, năng suất và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại.
Nguồn: https://baonghean.vn/he-luy-tu-viec-tu-y-su-dung-giong-lua-ngoai-co-cau-10298333.html
Bình luận (0)