Tại các điểm đến du lịch của Đồng Nai, du lịch xanh không chỉ mang lại cho du khách những giá trị về thiên nhiên, mà còn góp phần nâng tầm nhận thức, nêu cao trách nhiệm của người làm du lịch cũng như khách tham quan trong bảo vệ thiên nhiên, phát huy những giá trị bền vững về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử trong cộng đồng.
Du khách tham quan rừng ngập mặn Long Thành. Ảnh: Ngọc Liên |
Những điểm đến xanh
Với diện tích trên 83 ngàn hécta cùng với hệ thống động, thực vật đa dạng và phong phú, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là một trong những điểm đến xanh ấn tượng, mỗi năm thu hút cả trăm ngàn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về sự phát triển du lịch xanh tại vườn, Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh cho biết, dù đặc thù là điểm đến với những trải nghiệm hoàn toàn giữa không gian thiên nhiên rừng xanh mát nhưng khái niệm du lịch xanh không chỉ nói về đặc điểm tự nhiên của điểm đến, mà còn mang những giá trị bền vững khác như trách nhiệm gìn giữ môi trường, tài sản thiên nhiên. Lượng khách du lịch đến VQG Cát Tiên luôn tăng trưởng khá cao trong 3 năm gần đây. Một số du khách khi đến VQG Cát Tiên có sự e ngại về những tác động đến môi trường, không gian thiên nhiên khi đón khách du lịch vào tham quan rừng. Tuy nhiên, so sánh với những VQG lớn khác trên thế giới có diện tích tương đương VQG Cát Tiên nhưng đón lượng khách hàng năm cao gấp 10 lần, thậm chí trên 20 lần VQG Cát Tiên thì việc đón khách vào rừng tham quan không gây ảnh hưởng gì đến môi trường tự nhiên của rừng.
Tại Đồng Nai, với lợi thế sở hữu khoảng 350 ngàn hécta rừng, cùng với những thành quả trong xây dựng nông thôn mới, cũng như nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các sản phẩm du lịch của Đồng Nai hướng tới tiêu chí xanh, bền vững. |
Không chỉ bảo vệ rừng, khi đến VQG Cát Tiên, du khách sẽ được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã với những bài học, câu chuyện do những hướng dẫn viên tại vườn truyền tải đến du khách trong hành trình khám phá rừng. Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, năm 2023, Khu Bàu Sấu của VQG Cát Tiên được công nhận tốp 7 điểm du lịch sinh thái năm 2023. Đặc biệt hơn, năm 2024, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chính thức công nhận VQG Cát Tiên là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục xanh IUCN. Đây là VQG đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu này.
Sự công nhận này thể hiện cam kết của VQG Cát Tiên nói riêng và Việt Nam nói chung về việc luôn chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Ông Thịnh nhấn mạnh: “Đồng Nai là tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp. Do đó, việc giữ gìn môi trường, không gian thiên nhiên xanh sẽ là cơ sở để Đồng Nai cân bằng lượng phát thải trong các khu công nghiệp thông qua việc mua các tín chỉ carbon từ VQG Cát Tiên”.
VQG Bù Gia Mập thuộc địa bàn xã Bù Gia Mập có diện tích gần 26 ngàn hécta. Thông tin từ VQG Bù Gia Mập, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, VQG Bù Gia Mập còn có hệ thống động, thực vật đa dạng với hơn 1,5 ngàn loài động, thực vật. Trong đó có một số loài quý hiếm như: trầm hương, giáng hương, sao đen, trà rừng, lan hổ bì, các loài nấm và phong lan rừng; voọc ngũ sắc, vượn má vàng, vàng anh… Cùng với khu vực rừng nguyên sinh, vùng đệm của VQG Bù Gia Mập là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc bản địa S’tiêng, M’nông với các giá trị văn hóa truyền thống và những lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn bản địa.
Không gian thiên nhiên tại Khu du lịch Bò Cạp Vàng (đóng tại xã Đại Phước). |
Ngoài ra, Đồng Nai còn có những điểm đến thiên nhiên nổi tiếng như: hồ Đa Tôn, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng Gia Canh, rừng ngập mặn Long Thành… đang là những điểm đến du lịch sinh thái kết hợp về nguồn thu hút du khách.
Cơ hội cho du lịch xanh, bền vững
Bên cạnh những điểm đến thiên nhiên hoang dã, Đồng Nai còn có các khu du lịch (KDL), điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như: Suối Mơ (xã Tân Phú), Bò Cạp Vàng (xã Đại Phước), Sơn Tiên (phường Long Hưng), Mỹ Lệ (xã Bình Tân)… Đây là những điểm đến được các doanh nghiệp đầu tư trên những không gian xanh mát.
Giám đốc KDL sinh thái Bò Cạp Vàng Nguyễn Thanh Sang cho biết, KDL đã đạt các danh hiệu: Điểm đến sinh thái được yêu thích nhất năm 2024 tại sự kiện The Best of Việt Nam do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo phối hợp với Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Ngoài ra, năm 2023, KDL sinh thái Bò Cạp Vàng được Công an tỉnh Đồng Nai công nhận là Điểm du lịch an toàn về an ninh trật tự, đảm bảo mang lại sự an tâm cho mọi du khách khi đến đây tham dự các sự kiện. Đây là những thành quả mà KDL sinh thái Bò Cạp Vàng xứng đáng đạt được sau thời gian theo đuổi hướng du lịch sinh thái bền vững.
Là một trong những điểm đến sinh thái nổi tiếng của tỉnh Bình Phước (cũ), KDL sinh thái Mỹ Lệ nằm trong danh sách những điểm đến xanh của tỉnh Đồng Nai.
Giám đốc Công ty CP Mỹ Lệ (KDL sinh thái Mỹ Lệ) Trần Hồng Hải chia sẻ, thế mạnh của KDL là không gian thiên nhiên xanh mát với diện tích gần 50 hécta. Hình thành từ những năm 2000, KDL sinh thái Mỹ Lệ thu hút khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Đến với KDL sinh thái Mỹ Lệ, du khách sẽ cảm nhận được sự thư thái, sự va chạm với thiên nhiên khi lạc lối trên những con đường rợp bóng cây, đi qua những vườn điều, vườn trà ô long xanh mướt. Cùng với những dịch vụ ẩm thực, lưu trú tiện nghi giữa chốn thiên nhiên, KDL sinh thái Mỹ Lệ xứng đáng là một trong những điểm đến xanh nằm giữa “thủ phủ” điều của Việt Nam.
Ghi nhận từ một số điểm đến trên địa bàn tỉnh, hiện nay, một số địa phương của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm du lịch liên quan đến các vấn đề về đất đai.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Phước Phạm Hương Sơn chia sẻ, bên cạnh những lợi thế, điểm sáng về du lịch sinh thái, du lịch xanh mà Đồng Nai đang hướng tới, nhiều điểm đến du lịch hiện nay vẫn còn những “chênh vênh” về vấn đề pháp lý trong quá trình xây dựng điểm đến, nhất là những mô hình du lịch liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng… Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với những quyết sách chỉ đạo đột phá từ Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo ông Phạm Hương Sơn, đây là cơ hội lớn để doanh nhân, doanh nghiệp mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, khó khăn đối với lĩnh vực hoạt động của mình. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu các nội dung chi tiết về pháp lý đối với du lịch xanh. Đã đến lúc cần tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch xanh an tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Ông Sơn kỳ vọng đây sẽ là khởi nguồn để du lịch Đồng Nai bước vào kỷ nguyên mới với những sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Ngọc Liên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/hieu-hon-ve-du-lich-xanh-o-dong-nai-c113ed5/
Bình luận (0)