Suýt "bỏ" nghề vì thất bại
Sinh ra từ làng quê nghèo, ước mơ làm giàu của anh Nguyễn Quốc Vượng được ấp ủ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp cao đẳng ngành Điện lực nhưng anh Vượng không theo đuổi nghề mình học mà lại về quê cùng bố mở trang trại chăn nuôi gà thương phẩm và gà giống. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng rủi ro lớn, vì thế anh quyết định tìm hiểu các vật nuôi khác để làm giàu. Tình cờ thấy trên tivi giới thiệu về mô hình nuôi chồn hương ít tốn chi phí, nhàn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao nên anh Vượng đã quyết tâm học hỏi để thực hiện.
Năm 2018, với số vốn ban đầu, anh vào miền Nam mua 5 cặp chồn hương về nuôi thử nghiệm. Nhờ có tìm hiểu, học hỏi cách nuôi từ trước nên mô hình nuôi chồn hương ban đầu khá thuận lợi, chồn sinh sản và phát triển rất tốt. Năm 2021, đàn chồn hương của anh nhân giống lên đến gần 70 con.
Khu vực chuồng nuôi chồn hương cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. |
Thế nhưng, vì nôn nóng nâng số lượng đàn nên anh Vượng đã mua nguồn giống trôi nổi, giá rẻ, thậm chí mua chồn trong tự nhiên về thuần hóa. Vì thế nên cuối năm 2021, sau khi mua về 1 cặp chồn sinh sản không rõ nguồn gốc, đàn chồn của gia đình anh bị lây nhiễm bệnh, chết gần hết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Anh Vượng chia sẻ: “Lúc đó tôi nghĩ sẽ bỏ nghề vì không còn vốn nhưng may mắn là nhờ một người bạn giới thiệu bác sĩ thú y chuyên điều trị bệnh cho chồn hương nên đã cứu được hơn 10 con còn lại. Từ số chồn hương này, anh kiên nhẫn gây đàn. Đến năm 2024, tổng đàn chồn hương tăng lên 150 con, gia đình anh đã xuất bán được 70 con, sau khi trừ chi phí thu về gần 500 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Vượng đang duy trì 40 chồn cái sinh sản, 10 chồn đực, 30 con chồn hậu bị và thương phẩm.
Đặc biệt, sau nhiều năm nuôi, không những nắm bắt được đặc tính, cách ăn uống, sinh sản, môi trường sống của loài chồn ở vùng khí hậu khắc nghiệt Quảng Bình, anh Vượng còn biết cách phòng ngừa hiệu quả các bệnh thường gặp ở chồn hương... Nhiều người dân trong huyện đã đến lấy giống chồn hương về nuôi và được anh tư vấn, hướng dẫn cách nuôi, cách phòng bệnh kỹ càng nên hầu hết các mô hình đều thành công.
Mô hình mới, hiệu quả cao
Theo anh Vượng, nuôi chồn hương mà biết cách thì rất dễ, lại nhàn bởi chúng ăn rất ít thức ăn, mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa, các thức ăn chính, như: Cháo cá, chuối, mít chín…, chi phí thức ăn mỗi ngày 3.000 đồng/con. Tuy nhiên, nếu nuôi chồn sinh sản thì khi cho ăn phải cân đối liều lượng cho từng con, hạn chế để chồn quá béo, vì chồn béo sẽ khó sinh sản hơn so với những con vừa đủ cân. Ngoài ra, với đặc tính nhút nhát, ngủ ngày, ăn đêm nên khu chuồng trại phải làm nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn, luôn sạch sẽ, thường xuyên khử trùng để hạn chế dịch bệnh...
Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Quốc Vượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Chồn hương sau 12-14 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Trong thời gian này, người nuôi phải nhận biết được biểu hiện động đực của con cái để cho phối giống; khi mang bầu, chồn sinh sản phải được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh trường hợp chồn mẹ ăn con non khi bị thiếu chất. Mỗi năm chồn thường đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 3-4 con. Chồn giống sau 4 tháng có thể xuất bán (trọng khoảng 1,5kg), mỗi cặp chồn giống giá bình quân khoảng 10-12 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, bên cạnh việc nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi, người dân cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp; trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. |
Cũng theo anh Vượng, tiêu chí quan trọng nhất để nuôi chồn hương là con giống, không nên mua các nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ vì chất lượng con giống sẽ không cao. Trong khi nuôi, không nên để chồn nuôi tiếp xúc với chồn tự nhiên, bản thân người chăn nuôi cũng không nên đến các trang trại chăn nuôi khác vì có thể lây dịch bệnh.
Chồn hương là loài động vật hoang dã quý hiếm đang giảm dần trong môi trường tự nhiên. Vì thế hiện nay, các ngành chức năng đang khuyến khích người dân nuôi chồn hương để phát triển kinh tế. Hiện, trên thị trường, thịt chồn hương có giá khoảng 1,4 triệu đồng/kg, giá khá cao nhưng trang trại của anh Vượng vẫn chưa đủ nguồn chồn thương phẩm để cung cấp cho thị trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, mô hình nuôi chồn hương của anh Vượng là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, khi có kinh phí, địa phương sẽ tổ chức tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên Hội Nông dân để nhân rộng mô hình.
Thanh Hoa
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-chon-huong-2225375/
Bình luận (0)