Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoa Kỳ áp mức thuế cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Căn cứ Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp kinh tế quốc tế (IEEPA), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại, áp dụng từ ngày 5/4. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng áp dụng các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với 50 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ; trong đó có Việt Nam từ ngày 9/4.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp05/04/2025

Chú thích ảnh
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Với việc Mỹ công bố thuế nhập khẩu cơ bản 10% và thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam, hàng loạt ngành hàng như đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, thủy sản… đối mặt với ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, cũng có nhiều mặt hàng của Việt Nam không phải chịu thuế đối ứng của Hoa Kỳ, do đó các doanh nghiệp, ngành hàng cần nghiên cứu chi tiết và có những giải pháp thích hợp.

Theo ông Đặng Minh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần tiếp vận hàng hóa ĐMH, việc Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa tác động đáng kể đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Lý giải về vấn đề này ông Đặng Minh Hiếu phân tích về mặt tiêu cực sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá khi mà thuế nhập khẩu tăng làm giá bán sản phẩm của Việt Nam tại Mỹ cao hơn, khiến sản phẩm kém hấp dẫn so với hàng nội địa Hoa Kỳ hoặc hàng từ các nước được ưu đãi thuế (như Mexico, Canada…). Doanh nghiệp có thể mất thị phần nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Do áp mức thuế cao cũng làm thu hẹp biên lợi nhuận, nếu doanh nghiệp tự chịu phần tăng thuế thay vì chuyển sang khách hàng, lợi nhuận sẽ giảm, đặc biệt với các ngành hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may, giày dép.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp rủi ro với các mặt hàng bị áp thuế cao như thép, nhôm, điện tử, đồ gỗ. Nếu Việt Nam xuất khẩu nhiều những mặt hàng này, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiêu cực do Hoa Kỳ áp mức thuế cao, thì cũng có những mặt tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại, thúc đẩy nâng cấp các chuỗi giá trị, nhất là cơ hội thay thế hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Cụ thể, nếu Hoa Kỳ tăng thuế với hàng Trung Quốc, doanh nghiệp Việt có thể hưởng lợi nhờ chuyển dịch đơn hàng như ngành điện tử, đồ gỗ. Xuất khẩu sang Mỹ vẫn có thể tăng dù thuế cao. Chính vì mức thuế cao cũng là áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi nâng cao chất lượng, chuyển sang sản phẩm có giá trị cao hơn (như từ gia công dệt may sang thiết kế thời trang) để bù đắp chi phí. Cuối cùng tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại: Nếu doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ từ EVFTA (Hiệp định Việt Nam - EU) hoặc CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương), có thể giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa thị trường.

Để ứng phó với mức áp thuế cao của Hoa Kỳ, ông Đặng Minh Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường như giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách tăng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường có ưu đãi thuế quan từ các FTA. Tối ưu hóa chi phí bằng cách áp dụng công nghệ, tự động hóa để giảm giá thành, hoặc tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn trong khối FTA như nguyên phụ liệu dệt may từ ASEAN. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ chế "Made in Vietnam" để tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại bằng cách chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, không phải là hàng Trung Quốc tái xuất đồng thời thực hiện vận động chính sách hiệp hội ngành hàng (như VITAS, VASEP) có thể đàm phán để Mỹ giảm thuế hoặc loại trừ một số mặt hàng.

Đồng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, lúc này các doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh, chủ động để chuẩn bị cho các giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam, tăng cường mua những sản phẩm phía Mỹ có thể sản xuất được nhằm tạo vị thế tốt hơn khi thương lượng về thuế quan giữa hai nước.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, điều mà doanh nghiệp quan tâm là mức độ chênh lệch của tăng thuế Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh khác, chứ không chỉ là con số tuyệt đối về phần trăm tăng thuế của riêng Việt Nam. Đơn cử như trong bảng danh sách thuế mà Mỹ công bố, Việt Nam phải chịu mức 46%, có nghĩa là từ mức hiện dệt may đang bị đánh thuế là 18%, sẽ tăng khoảng 28%.

Nhưng ngược lại có những quốc gia nhìn thuế suất % thấp hơn của Việt Nam, song xuất phát điểm hiện nay của họ đang là các nước nghèo hưởng thuế suất GSP bằng 0, thì thực tế mức thuế phần trăm của họ lớn hơn của Việt Nam rất nhiều, thậm chí tăng đến 30 - 36%. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến việc dịch chuyển đơn hàng phụ thuộc vào sự chênh lệch trong việc tăng thuế suất giữa các quốc gia.

Ở đây các quốc gia có ngành dệt may lớn tương đương Việt Nam là Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Myanmar… Mức độ thay đổi thuế sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối dòng chảy của thương mại quốc tế về dệt may, nơi sản xuất, nơi đặt hàng. Vì vậy, khó có thể kết luận ngay mức ảnh hưởng của việc này.

Chỉ có một điểm có thể đánh giá được ngay đó là với thuế suất tăng lên thì có khả năng tâm lý người tiêu dùng, người mua hàng sẽ có sự chững lại nhất định. Và có khả năng trong ngắn hạn làm giảm tổng cầu, rồi giá bán lẻ có thể tăng, làm số lượng đơn hàng có thể ít hơn dự kiến. Còn dự báo về sự dịch chuyển dòng chảy của chuỗi cung ứng thì tại thời điểm này chưa đủ thông tin để đánh giá, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt (Phố Nối, Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trước vấn đề Hoa Kỳ áp mức thuế cao, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 - CTCP kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nhiều hơn về các chính sách thuế và hải quan. Đối với Tổng công ty May 10 - CTCP, 60% lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhưng trước khi có chính sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ, doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung để giảm sự phụ thuộc từ Trung Quốc. Cùng với đó, May 10 thực hiện giải pháp tiết kiệm trên mọi hoạt động từ năng lượng, điện, nước, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất để có giá thành cạnh tranh nhất. Mặt khác, tăng cường phát triển thị trường nội địa nhằm cân bằng cán cân xuất khẩu và nội địa; theo dõi sát nguồn gốc, xuất xứ của nguyên phụ liệu và các chính sách của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Mỹ để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cơ hội ký kết đơn hàng sang nhiều khu vực khác nhau. Hiện, May 10 duy trì xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Australia và một số thị trường lớn… và sẽ nỗ lực để tận dụng tốt các cơ hội này. Mặt khác, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có động thái giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp. Với mức thuế cao như phía Mỹ công bố, dự kiến lạm phát tăng, giá cả tăng, sức mua giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đơn hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thông tin.

Để ứng phó với mức thuế cao của Hoa Kỳ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, cần có những chính sách ưu đãi tốt hơn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất.

Việc Mỹ áp thuế tới 46% với hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam, ngành da giày đang đứng trước thách thức cực kỳ lớn trong giai đoạn sắp tới. Ngành da giày chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với giá trị hơn 10 tỷ USD, nên mức thuế cao chắc chắn sẽ khiến tình hình xuất khẩu bị chững lại. Tuy nhiên, cũng không nên quá hoang mang, vì thực tế nhìn vào tổng thể chuỗi cung ứng, mặt hàng da giày là mặt hàng hiện không còn tiếp tục sản xuất tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nguồn cung khá tin cậy và ăn sâu vào chuỗi cung ứng của thị trường Hoa Kỳ. Với chi phí tăng cao, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải có giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, cũng như tối ưu hóa hơn nữa quy trình sản xuất, giúp cân bằng lại chi phí về thuế bị tăng trong thời gian sắp tới.

Để ứng phó, trước mắt, không chỉ có thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam có tới 16 hiệp định thương mại tự do với các nước; trong đó, hai hiệp định rất lớn là EVFTA và CPTPP, cũng như thị trường Anh. Vì vậy, việc tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của thị trường có hiệp định thương mại tự do vẫn là ưu tiên của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thách thức trên có lẽ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc quá trình sản xuất, tăng hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí đầu vào.

Qua đây, bà Thanh Xuân cũng kiến nghị các bộ, ngành cần có chính sách tốt hơn, đặc biệt là những chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp doanh nghiệp hoàn thuế nhanh hơn, các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất. Với việc đàm phán sắp tới, có thể nghĩ đến những giải pháp như nhập khẩu nguyên liệu có sẵn ở thị trường Mỹ, như sản phẩm da thuộc đang có thế mạnh, hay các công nghệ cao của Hoa Kỳ đối với ngành sản xuất da giày. Đây là giải pháp giúp ngành da giày - túi xách cân bằng lại cán cân thương mại, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Mặt khác, cũng do ảnh hưởng của việc áp thuế cao dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Người lao động có nguy cơ bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập, khả năng tích cóp tài chính để mua nhà, kể cả nhà ở xã hội cũng thêm khó.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/hoa-ky-ap-muc-thue-cao-co-hoi-va-thach-thuc-voi-doanh-nghiep-xuat-khau-viet-nam/20250405012737044


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm