Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn

Sau khi đổ bộ đất liền Bắc bộ và Bắc Trung bộ, cơn bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại, hoàn lưu bão gây mưa lớn. Từ đêm 22 đến ngày 23-7, bão đi vào khu vực Thượng Lào và suy yếu thành vùng áp thấp.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng22/07/2025

Tâm bão vào Hưng Yên - Ninh Bình đến Thanh Hóa

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trưa 22-7, tâm bão số 3 đã đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh: Hưng Yên - Ninh Bình, suy giảm từ cấp 9 xuống còn cấp 8 rồi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Nam xuống tỉnh Thanh Hóa.

Đến 17 giờ ngày 22-7, bão số 3 vẫn chưa tan dù đã đi sâu vào đất liền và tồn tại ở cấp 8, giật cấp 10, tâm bão nằm trên khu vực đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Từ đêm 22 đến ngày 23-7, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, đi vào khu vực Thượng Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp.

Tại Hà Nội, người dân hạn chế ra đường vì lo sợ bão. Từ sáng đến trưa 22-7, thời tiết Hà Nội tương đối yên ả, mưa nhỏ, gió lặng; thậm chí đầu giờ chiều, nhiều nơi bất ngờ hửng nắng. Đến khoảng 15 giờ, mây đen kéo tới, gió bắt đầu rít mạnh trở lại, báo hiệu hoàn lưu bão vẫn còn rất phức tạp.

W7a.jpg
Sơ tán người dân tránh bão số 3 ở tỉnh Ninh Bình, ngày 22-7

Tại đặc khu Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), từ đêm 21 đến rạng sáng 22-7, bão số 3 kèm theo mưa lớn đã càn quét khu vực này, gây mất điện trên diện rộng. Các lực lượng chức năng ở đặc khu đã kịp thời triển khai máy phát điện dự phòng tại các địa điểm trọng yếu.

Nhờ sự chủ động ứng phó, đến 7 giờ sáng 22-7, Bí thư Đảng ủy đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân đã xúc động thông báo: “Cô Tô an toàn trong bão số 3”. Tại đặc khu Vân Đồn, trong đêm 21 và rạng sáng 22-7, bão số 3 đã gây mưa to và gió giật mạnh, có thời điểm giật cấp 9-10. Thống kê sơ bộ đến trưa 22-7 cho thấy, trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại về người; một số cây xanh bị bật gốc, gãy đổ tại một số tuyến đường và khu dân cư. Tại tỉnh Quảng Ninh, một tàu cá của ngư dân bị lật khi tránh trú bão vào sáng 22-7 tại khu vực sông Chanh (phường Quảng Yên), 4 thuyền viên trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn.

Miền Trung: Lũ dâng cao, hàng trăm hộ dân bị cô lập

Ngày 22-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, sau khi bão đi qua, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương triển khai công tác tiêu úng, chống ngập lụt kịp thời, hiệu quả cho khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp.

Đến khoảng 14 giờ ngày 22-7, các lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản xử lý xong sự cố sạt lở đê sông Cung, đoạn qua xã Hoằng Châu. Do mưa lớn kéo dài, đê sông Cung bị sạt lở tại 2 vị trí thuộc khu vực cống Đồng Đền 2. Tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và người dân khẩn trương sử dụng cọc tre, bao tải đất để gia cố thân đê, không để nước khoét sâu gây nguy cơ vỡ đê. Sau khi gia cố, các lực lượng tiếp tục tổ chức canh trực 24/24 giờ, theo dõi diễn biến.

Tại khu vực Đồng Song (xã Bá Thước, Thanh Hóa) nước lũ dâng cao bất ngờ cô lập 11 hộ dân với 57 nhân khẩu. Trong khi đó, tại xã Nguyệt Ấn, nước dâng khiến 88 hộ dân với 385 nhân khẩu bị chia cắt hoàn toàn. Tại phường Hạc Thành, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, một số khu vực nước đã tràn vào nhà dân.

Đồn Biên phòng Pù Nhi (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) phối hợp với chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 92 hộ dân với 496 nhân khẩu ở các bản Ún và Xì Lồ (xã Mường Lý) ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm.

chu de.jpg
Hiện trường lũ quét tại xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An

Tại tỉnh Nghệ An, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Típ, cho biết, trong lúc kiểm tra hiện trường sạt lở trên tỉnh lộ 543D đoạn qua bản Xốp Típ, một đoàn cán bộ công an xã đã gặp phải sạt lở bất ngờ, rất may mọi người đều an toàn. Ở xã Yên Hòa, đường vào 2 bản Tạt và Xốp Cốc bị ngập sâu nên khoảng 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu bị chia cắt tạm thời. Chính quyền các địa phương đã di dời khẩn cấp 70 hộ dân ở các xã Nhôn Mai, Hữu Kiệm, Tam Thái đến nơi an toàn.

Chiều 22-7, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai (tỉnh Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra lũ quét gây thiệt hại nặng về tài sản, chia cắt tạm thời một số bản. Do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về suối Khe Hỷ gây ra lũ quét kéo dài từ khoảng 11 giờ đến 14 giờ cùng ngày. Lũ quét cuốn trôi một cây cầu và một ngôi nhà. Rất may, đợt lũ quét không gây thiệt hại về người.

Đến tối 22-7, có 4 bản đang bị cô lập tạm thời do cây cầu vào các bản này bị cuốn trôi. Chính quyền xã đã di dời khẩn cấp 5 hộ dân vì nguy cơ sạt lở cao. Tất cả các lực lượng của xã Nhôn Mai ứng trực 24/24 giờ để đề phòng tình huống thiên tai xấu có thể xảy ra.

Tại tỉnh Quảng Trị, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh này cho biết, một trận lốc xoáy xảy ra vào sáng 22-7 khiến 24 ngôi nhà ở xã La Lay và Hướng Phùng bị sập hoặc tốc mái. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an xã và chính quyền địa phương đã đưa người dân bị sập nhà tới nơi ở mới. 23 ngôi nhà tốc mái đang được lực lượng chức năng khẩn cấp hỗ trợ khắc phục. Tại xã Khe Sanh, 12 nhà dân bị tốc mái hoặc sập một phần...

Chiều 22-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sau khi đổ bộ đất liền Bắc bộ và Bắc Trung bộ, cơn bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 79 nhà bị tốc mái. Có khoảng 107.000ha lúa bị ngập, riêng Ninh Bình ngập hơn 74.000ha, Hưng Yên 26.000ha và Thanh Hóa hơn 7.000ha. Tình trạng sạt lở, nứt đê đã xuất hiện ở một số nơi.

Sáng 22-7, cầu treo Pa Thơm tại xã Thanh Yên (tỉnh Điện Biên) bất ngờ bị đứt một bên cáp khiến một ô tô bán tải chở 3 cán bộ xã đi kiểm tra công tác phòng chống bão cùng một người dân đi xe máy đã rơi xuống sông Nậm Núa, đoạn qua bản Pa Xa Lào (xã Thanh Yên).

Theo ông Phan Văn Vượng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, trong 4 người gặp nạn có 2 người bị thương nhẹ, 2 người bị thương nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hoan-luu-bao-so-3-gay-mua-lon-post804978.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm