Năm học tới, Học viện Ngân hàng dự kiến áp dụng mức học phí chương trình chuẩn từ 26,5 - 28 triệu đồng (tăng 1,5 triệu đồng so với năm học trước) và chương trình chất lượng cao là 40 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái).
Với các chương trình cử nhân song bằng trường áp dụng mức học phí từ 340 - 380 triệu/khóa học (50 - 230 triệu đồng/năm). Trường hợp sinh viên học năm cuối tại Anh hoặc Mỹ, học phí sẽ căn cứ theo học phí của trường đối tác. Thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0-6.5 (tùy yêu cầu của từng chương trình) sẽ vào thẳng năm thứ 2 và học phí được giảm 50 triệu đồng.

Học phí các trường ngành Kinh tế, cao nhất 230 triệu đồng/năm học.
Năm nay, học viện tuyển sinh 3.644 chỉ tiêu (tăng 144 sinh viên so với năm ngoái) cho cả trụ sở chính Hà Nội và hai phân viện tại Bắc Ninh và Phú Yên.
Trường áp dụng 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, xét tuyển chứng chỉ quốc tế, xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (V-SAT, HSA).
Năm học 2025 - 2026, Đại học Thương mại áp dụng mức học phí 24 - 27,9 triệu đồng/năm (tăng 1,9 triệu đồng tùy ngành) với các chương trình đào tạo chuẩn và 38,5 triệu đồng với chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu quốc tế (IPOP)
Ngoài ra, các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo song bằng quốc tế học phí thu từ 195 - 260 triệu đồng/khóa học. Nhà trường cho biết, mức thu học phí hàng năm tăng không quá 12,5% so với năm trước liền kề.
Năm nay, Đại học Thương mại tuyển hơn 5.320 (tăng 370 chỉ tiêu) sinh viên cho 45 chương trình đào tạo đa ngành. Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế, xét kết hợp giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.
Theo đề án tuyển sinh 2025, Đại học Ngoại thương dự kiến áp dụng mức học phí từ 25,5 - 27,5 triệu đồng/năm học (tăng 2,5 - 3,5 triệu đồng so với năm trước) đối với chương trình tiêu chuẩn. Chương trình chất lượng cao từ 49 - 51 triệu đồng/năm học (tăng 3 - 4 triệu đồng so với năm ngoái). Chương trình tiên tiến từ 73 - 85 triệu đồng/năm học. Các chương trình còn lại từ 31,5 - 65 triệu đồng/năm học.
Nhà trường ghi chú rõ lộ trình tăng học phí trong các năm của một khóa điều chỉnh không quá 10%.
Năm nay, Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.180 chỉ tiêu (tăng 50 chỉ tiêu so với năm ngoái) bằng 4 phương thức, trong đó tăng điểm xét chứng chỉ quốc tế SAT và ACT. 4 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, xét học bạ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực.
Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí với sinh viên đại học chính quy là 46 triệu đồng/năm (từ các năm sau mỗi năm tăng 2 triệu đồng).
Trong khi đó, mức học phí với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao là 31,5 triệu đồng/năm (990.000 đồng/tín chỉ). Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, học phí khoảng 362 - 369 triệu đồng/khóa học.
Đại học Công Thương TP.HCM điều chỉnh tăng 10% so với mức học phí của khóa 2024 - 2028. Cụ thể, mức học phí cho khóa 2025 - 2029 dự kiến khoảng 132 triệu đồng cho toàn khóa (các khoa có thể ít hơn, do số tín chỉ thực hành ít) tăng khoảng 12 triệu đồng so với khóa trước.
Đại học Mở TP.HCM cũng điều chỉnh học phí năm 2025, với mức tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/năm tùy ngành.
- Nhóm ngành Công nghệ và kỹ thuật: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, học phí 28,5 triệu đồng/năm (tăng 1,5 triệu đồng).
- Nhóm ngành Kinh tế, quản lý, ngôn ngữ: Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Logistics, Luật,Ngôn ngữ Anh, Nhật, Trung, Hàn, học phí 27,5 triệu đồng/năm (tăng 1,5 triệu đồng).
- Nhóm ngành Khoa học xã hội: Kinh tế, công tác xã hội, Đông Nam Á học, tâm lý học, học phí 24 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng). Các chương trình chất lượng cao hầu hết thu học phí 46,5 triệu đồng.
- Các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, học phí lên đến 49,5 triệu đồng.
Hiện, Học viện Tài chính chưa công bố mức học phí năm nay. Năm ngoái, học phí chương trình chuẩn của trường là 25 triệu đồng/năm học. Học phí chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế là 50 triệu đồng/năm học. Với diện tuyển sinh theo đặt hàng, mức học phí là 43 triệu đồng/năm học.
Với các chương trình liên kết đào tạo, học phí từ 57 - 70 triệu đồng/năm nếu học trong nước, 490 triệu đồng/năm nếu học ở nước ngoài.
Năm 2025, học viện sử dụng 4 phương thức tuyển sinh cho 44 chương trình đào tạo, trong đó có 14 chương trình mới gồm: Xét tuyển thẳng, Xét thí sinh có năng lực vượt trội, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, xét kết hợp.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hoc-phi-cac-truong-kinh-te-cao-nhat-230-trieu-dong-nam-ar942744.html
Bình luận (0)