Mất 25 năm cuộc đời chỉ để dùng điện thoại
Nghiên cứu do tổ chức Fluid Focus (Anh) thực hiện trong 5 tháng đầu năm nay, đã theo dõi thời gian sử dụng thiết bị của 1.346 học sinh trung học, 198 sinh viên đại học và 1.296 học viên tại các cơ sở giáo dục khác.
Theo đó, trung bình, mỗi thanh thiếu niên tham gia cuộc khảo sát dành ra khoảng 5,5 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Tính trên quãng thời gian từ năm 11 tuổi đến năm 83 tuổi, tức 72 năm cuộc đời, thời lượng sử dụng điện thoại của một cá nhân có thể lên tới... 25 năm.

Phần lớn học sinh và sinh viên thừa nhận điện thoại là thứ các em nhìn vào đầu tiên khi thức dậy (Ảnh minh họa: DM).
Đáng chú ý, 4% trong số các thanh thiếu niên tham gia khảo sát dành ra hơn 9 tiếng mỗi ngày chỉ để dùng điện thoại. Nhóm thanh thiếu niên này sẽ mất tới 41 năm cuộc đời chỉ để nhìn vào màn hình.
Các ứng dụng chiếm nhiều thời gian sử dụng nhất thuộc nhóm mạng xã hội, nhắn tin và xem video trực tuyến. Thời lượng sử dụng thiết bị cũng tăng theo độ tuổi, trung bình từ 5 giờ 12 phút ở học sinh phổ thông lên 6 giờ 12 phút đối với sinh viên đại học.
Phần lớn học sinh và sinh viên thừa nhận điện thoại là thứ các em nhìn vào đầu tiên khi thức dậy, và là thứ cuối cùng các em tương tác, sử dụng trước khi đi ngủ.
68% cho biết việc học tập của các em bị ảnh hưởng tiêu cực một phần do các em sử dụng điện thoại quá nhiều. Tuy nhận thức được điều này, nhưng khoảng 40% thanh thiếu niên vẫn thường xuyên kiểm tra điện thoại trong khi đang học, các em không thể từ bỏ thói quen này.
Một số nghiên cứu tâm lý từng chỉ ra rằng, sau khi kiểm tra điện thoại, người dùng sẽ cần khoảng 20 phút để có thể lấy lại sự tập trung ban đầu. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra điện thoại thực sự gây phân tâm, ảnh hưởng tới sự tập trung trong học tập.
Tiến sĩ Paul Redmond - chuyên gia nghiên cứu về sự khác biệt giữa các thế hệ, đồng thời là giám đốc phụ trách vấn đề nâng cao trải nghiệm của sinh viên Đại học Liverpool (Anh) - nhận định: “Những con số này rất đáng lo ngại. Dù vậy, chính các sinh viên cũng đã cảm nhận được tác động tiêu cực. Nhiều em mong muốn bản thân kiểm soát tốt hơn, để kết quả học tập được cải thiện”.
47% học sinh tham gia khảo sát cho biết chất lượng giấc ngủ của các em cũng bị ảnh hưởng do sử dụng điện thoại về đêm. Ở nhóm sinh viên đại học, con số này tăng lên 66%.
Tiến sĩ Redmond chia sẻ một giải pháp đã thử nghiệm và đưa lại hiệu quả trong việc kiểm soát sử dụng điện thoại, đó là quấn dây chun quanh điện thoại, mỗi lần muốn sử dụng, người dùng phải tháo dây ra. Từ đó, việc sử dụng điện thoại bị chậm lại, buộc người dùng phải dừng lại và suy nghĩ về lý do khiến mình phải cầm máy lên.
Mất kết nối xã hội, gia tăng rối loạn lo âu
Bà Lisa Humphries - hiệu phó của nhóm trường Cao đẳng Chichester (Anh) - cho biết nhiều sinh viên hiện nay bị nghiện điện thoại. Nhiều em bị rối loạn lo âu, kém các kỹ năng tương tác xã hội một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các em thiếu tương tác, trải nghiệm thực tế.
Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị các trường học nên đưa nội dung về sức khỏe số vào chương trình giảng dạy, cũng như chiến lược phát triển. Nhóm cũng đề xuất rút ngắn độ dài mỗi tiết học xuống còn 30 phút/tiết, nhằm phù hợp hơn với khả năng tập trung của thế hệ trẻ đương đại.

Trong bối cảnh hiện nay, nội dung về sức khỏe số nên được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học (Ảnh minh họa: DM).
Ngoài ra, học sinh - sinh viên nên để điện thoại bên ngoài phòng ngủ ít nhất 45 phút trước khi đi ngủ. Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ Anh nhìn nhận việc lạm dụng công nghệ là một vấn đề mới trong sức khỏe tinh thần của cộng đồng.
Ông Glenn Stephenson - người đồng sáng lập ứng dụng Fluid Focus, một ứng dụng giám sát thói quen sử dụng thiết bị công nghệ - cho rằng, xã hội đang phải đối mặt với một sự thật khó chấp nhận: “Chúng ta đã vô tình trao cho trẻ em những công nghệ đầy sức hút trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ, mà không lường trước hậu quả lâu dài.
Điều đáng mừng là các em không thờ ơ. Chúng tôi thấy nhiều học sinh nhận thức rõ vấn đề các em đang gặp phải và thực sự muốn thay đổi. Điều các em cần là sự hỗ trợ đúng cách, công cụ phù hợp và niềm tin rằng sự thay đổi là hoàn toàn có thể”.
Một khảo sát được Fluid Focus tiến hành với 2.000 người Anh ở độ tuổi từ 18 đến 28 tuổi cũng cho thấy, 75% trong số này đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung chú ý khi giao tiếp, 39% thường xuyên bị thôi thúc phải kiểm tra điện thoại.
Các tình huống hay bị mất tập trung nhất bao gồm các sự kiện xã hội (28%), các cuộc trò chuyện với bạn bè (18%), các cuộc trò chuyện với cha mẹ (17%). Đáng nói, 28% người tham gia khảo sát cho biết họ thậm chí cũng không tập trung nổi trong khi làm việc.
Trung bình, thế hệ Z tại Anh (những thanh niên sinh từ năm 1997 đến năm 2012) sẽ cầm điện thoại chỉ sau 2 phút 15 giây tương tác với người khác. Những hành động phổ biến là kiểm tra tin nhắn (48%), lướt mạng xã hội (44%) và mở YouTube (18%).
Báo cáo cũng cho thấy cuộc gọi (32%), tin nhắn (23%) và thông báo từ mạng xã hội (14%) là các yếu tố gây xao nhãng mạnh nhất. Có tới 77% người được hỏi thừa nhận họ dùng điện thoại như một cách để thoát ly thực tại.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-co-the-mat-toi-25-nam-cuoc-doi-chi-de-nhin-dien-thoai-20250710085737933.htm
Bình luận (0)