Đây là Webinar thứ hai trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại do Thương vụ triển khai trong năm 2025, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ Công Thương về đa dạng hóa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối đầu tư – thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương đạt 20 tỷ USD.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại phát biểu
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ – nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, với kim ngạch đạt 43,57 tỷ USD năm 2024, tăng 10,18% so với năm 2023. Ngành dệt may tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc chiếm gần 60 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải mở rộng nguồn cung. Ông Thướng nhận định Ấn Độ, với lợi thế vượt trội trong sản xuất bông, sợi và máy móc thiết bị ngành dệt may, là đối tác chiến lược quan trọng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc, tiết kiệm chi phí đầu vào từ 22–27% thông qua ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA). Ở chiều ngược lại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại Ấn Độ đối với vải polyester cao cấp, xơ sợi nhân tạo, ước tính lên tới 1,2 tỷ USD/năm.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam - VITAS phát biểu
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời cho rằng quan hệ hợp tác hiện tại vẫn chưa tương xứng với quy mô và vị thế của hai bên. Ông kêu gọi doanh nghiệp tăng cường kết nối, trao đổi công nghệ và thúc đẩy sản xuất xanh, hướng tới một chuỗi cung ứng song phương phát triển bền vững.
Ông Shri Rakesh Mehra, Chủ tịch Hội đồng Dệt May Ấn Độ -CITI
Từ phía Ấn Độ, ông Shri Rakesh Mehra, Chủ tịch Hội đồng Dệt May Ấn Độ (CITI), chia sẻ: ngành dệt may nước này có quy mô 170 tỷ USD, xuất khẩu đạt 37 tỷ USD năm 2024, với chuỗi giá trị khép kín từ sợi đến thành phẩm. Việt Nam là đối tác lý tưởng để phối hợp phát triển chuỗi cung ứng giá trị cao và linh hoạt hơn trong bối cảnh chuỗi cung toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ sau đại dịch và các xung đột thương mại.
Ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch Worldex India
Ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch Worldex India, khuyến nghị doanh nghiệp hai nước tăng cường hiện diện tại các hội chợ chuyên để xây dựng cầu nối trực tiếp, thúc đẩy ký kết hợp đồng và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực máy móc, công nghệ và chuỗi cung ứng.
Ông Trần Bá Phước Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam
Đại diện ngành tơ lụa, ông Trần Bá Phước Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam – giới thiệu về khả năng cung ứng tơ tằm chất lượng cao của Việt Nam và tiềm năng xây dựng chuỗi giá trị tơ lụa với Ấn Độ – quốc gia có hệ sinh thái ngành lụa đa dạng, từ dệt, nhuộm đến hoàn thiện sản phẩm.
Trong phần chia sẻ từ doanh nghiệp, ông Lưu Tiến Chung – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May LGG Bắc Giang – đã giới thiệu về chiến lược đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại thị trường Ấn Độ, nhấn mạnh Ấn Độ là điểm đến tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu mà còn là nơi đầu tư sản xuất chiến lược.
Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực của toàn thể doanh nghiệp hai nước. Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi và thảo luận sâu về tiềm năng hợp tác, tập trung vào những vấn đề thiết thực như ứng phó với rủi ro từ chính sách áp thuế của Mỹ, mở rộng thị trường, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy chia sẻ công nghệ trong ngành dệt may.
Hội thảo Dệt may Việt Nam – Ấn Độ do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức đã kết thúc thành công tốt đẹp, không chỉ cung cấp thông tin cập nhật và toàn diện về thực trạng ngành, mà còn định hướng rõ ràng cho hợp tác song phương trong thời gian tới. Sự kiện đã góp phần quan trọng vào việc đặt nền móng cho một quan hệ đối tác chiến lược, thực chất và bền vững giữa hai cường quốc dệt may khu vực – Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc sâu rộng. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thời, Thương vụ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối, tháo gỡ khó khăn và mở rộng hợp tác song phương theo hướng ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hoi-thao-det-may-viet-nam-an-do-dat-nen-mong-cho-hop-tac-nganh-det-may-song-phuong-phat-trien-thuc-chat-va-ben-vung.html
Bình luận (0)