Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hơn 1,1 triệu thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương, so với năm trước, số thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân03/04/2025

Thông tin trên được GS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh tại Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, diễn ra ngày 3.4.

Thí sinh có 4 ngày để đăng ký thử

Chia sẻ về một số điểm mới chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, kỳ thi năm nay sẽ giảm số buổi thi từ 4 buổi thi như những năm trước xuống còn 3 buổi thi. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Kỳ thi năm 2025 cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, 100% thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến. Đồng thời, tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, từ 30% lên 50%. Thay đổi về chứng chỉ và điểm khuyến khích đối với Ngoại ngữ, Tiếng Việt, chứng chỉ nghề.

Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.

So với năm trước, số thí sinh tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu. Từ ngày 21 - 28.4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trước đó thí sinh có 4 ngày để đăng ký thử. Thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNEID để đăng ký trực tuyến tại trường THPT, không cần cung cấp thêm giấy tờ khác.

z64685935667231e13783103f83d95472a748a5b7b64c6.jpg
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Bộ GD-ĐT

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý các Sở GD-ĐT, trường THPT cần hướng dẫn thí sinh kiểm tra, đối chiếu chéo thông tin đăng ký dự thi. Khi đăng ký, thí sinh phải chọn chương trình. Đây là thông tin quan trọng, làm căn cứ sắp xếp địa điểm, bố trí phòng, đề thi cho các thí sinh.

Ngoài ra, vì kỳ thi năm nay có hai nhóm thí sinh với lịch thi, số môn khác nhau nên các địa phương không bố trí hai nhóm ở cùng một điểm thi.

Trao đổi về phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi theo thẩm quyền.

UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ (nếu có) và các quy định pháp luật, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.

Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Sở GD-ĐT, cơ sở đào tạo trong công tác tổ chức, tham gia thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

nth-4884-2.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Trần Hiệp

“4 đúng”, “3 không”, “2 phát huy” trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm trước là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.

Từ yêu cầu chung này, Thứ trưởng chỉ đạo cần tập trung làm tốt 8 nhóm vấn đề cả cho công tác chuẩn bị và trong chỉ đạo triển khai. Trong đó, trước hết cần làm tốt việc tổ chức dạy học, ôn thi.

Theo Thứ trưởng, muốn thi tốt phải dạy và học tốt. Từ đầu năm học cho tới lúc chuẩn bị thi, đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT, các phòng chuyên môn chỉ đạo việc dạy học tốt đối với lớp 12. Dạy đúng giờ chính khoá, đổi mới phương pháp.

z6468593615382b782468aa8dc8bd3354e18e02ed36f88.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Bộ GD-ĐT

Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu thầy cô hàng ngày, hàng kỳ, cả năm học dạy học tốt rồi thì kỳ thi sẽ không còn áp lực. Đồng thời cho biết dự kiến sang năm sau khi hoàn thành chương trình học sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT sớm hơn, để việc ôn thi không phải kéo dài.

Cùng với quá trình dạy học, ôn tập, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD-ĐT quan tâm tới nhóm vấn đề thứ hai, đó là tổ chức thi thử đối với 100% học sinh, với tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc tập dượt cũng giúp cho giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng là nhóm vấn đề thứ ba. Theo Thứ trưởng, qua thực tiễn, công tác chuẩn bị cần kỹ lưỡng, toàn diện từ cơ sở vật chất, con người, đến phương án dự phòng… trong đó chuẩn bị về nhân lực, con người là quan trọng nhất. Trong công tác chuẩn bị cần dự báo được tình huống và dự báo đúng tình hình.

Các nhóm vấn đề tiếp theo được Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung thực hiện, gồm: khâu chỉ đạo sâu sát, toàn diện, trọng tâm trọng điểm; công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các các ngành, địa phương, trong đó ngành Giáo dục phải chủ động đề nghị phối hợp. Bên cạnh đó là yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ tinh thông và đúng quy chế; làm tốt công tác truyền thông, truyền thông chủ động, kịp thời và hiệu quả; dự báo những vấn đề khó khăn, phức tạp, những vấn đề dễ xảy ra sai sót, rủi ro nhất để có phương án phù hợp.

4 nội dung về công tác ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi cũng được Thứ trưởng lưu ý cụ thể với nguyên tắc, làm thi không có vấn đề nhỏ hay lớn mà tất cả đều quan trọng và tuyệt đối không lơ là.

Nhắc lại quan điểm “4 đúng”, “3 không” (“4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường) đã được quán triệt quyết liệt trong trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây vẫn là tinh thần của kỳ thi năm 2025.

Đồng thời, Thứ trưởng đề cập thêm “2 phát huy” cần được làm tốt trong kỳ thi năm nay là phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chỉ đạo, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi và phát huy ý thức tự giác, tuân thủ quy chế của thí sinh.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hon-11-trieu-thi-sinh-se-tham-gia-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post409248.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm