Ngày 10/5, tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình phối hợp với chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569-Dương lịch 2025 với chủ đề “Lan tỏa tuệ giác-Kết nối nhân sinh," nhằm góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương, hòa bình và đoàn kết dân tộc.
Dự Đại lễ có đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng hơn 4.500 tăng ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569-Dương lịch 2025 là dịp để cộng đồng phật tử và nhân dân cùng khơi dậy ánh sáng của trí tuệ, nuôi dưỡng tâm từ bi, gắn kết con người bằng yêu thương và hiểu biết, hướng đến một thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững.
Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2569 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Bái Đính tuyên đọc diễn văn Phật đản và ý nghĩa Phật đản.
Đại lễ Phật đản tại chùa Bái Đính năm nay có ý nghĩa sâu sắc khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sự kiện là dịp để khẳng định tinh thần “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc," góp phần củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng xã hội nhân ái, văn minh, phát triển.
Tại Đại lễ, bà Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định Đại lễ Phật đản - Vesak là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất đối với mỗi tăng ni, phật tử; kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn. Đại lễ là dịp để khẳng định sự trong sáng của giáo lý đạo Phật và sự đóng góp của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại.

Ninh Bình là một trong những địa phương được tiếp nhận nền văn hóa Phật giáo từ rất sớm; là một trong những nơi còn lưu giữ rất nhiều dấu tích về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," giáo hội các cấp trong tỉnh đã quan tâm củng cố tổ chức, chú trọng đào tạo tăng ni, hoằng dương chính pháp; hướng dẫn tăng ni, phật tử sống theo đạo lý Phật giáo, chấp hành pháp luật nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo...
Với truyền thống đoàn kết, hòa hợp, tinh tiến tu hành Phật pháp, phục vụ chúng sinh, bà Bùi Mai Hoa tin tưởng các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, tín đồ Phật tử và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân," gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam; tăng cường đoàn kết hòa hợp, lấy việc phục vụ chúng sinh, lợi đạo, ích đời làm phương tiện để tu hành đạt giác ngộ, khẳng định những giá trị ưu việt của Phật giáo - tôn giáo của hòa bình.
Tham dự Đại lễ Phật đản, các đại biểu, tăng ni, phật tử đã thực hiện các nghi thức dâng hương cầu nguyện và nghi thức tắm Phật.
Dịp này, Ban tổ chức đã trao quà từ thiện tới 200 học sinh vượt khó trên địa bàn huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan, trị giá 200 triệu đồng; tổ chức Khóa tu sinh viên với chủ đề “Tìm về cội giác-Nương bóng Từ bi”; thiền trà với chủ đề "Hương trà mùa Phật-Vị ngọt Từ Bi" và tổ chức triển lãm Phật giáo với chủ đề “Văn hóa Phật giáo-Kết nối đạo đời” kể về cuộc đời Đức Phật và những giáo pháp của Ngài./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hon-4500-tang-ni-phat-tu-va-nguoi-dan-du-dai-le-phat-dan-tai-chua-bai-dinh-post1037749.vnp
Bình luận (0)