Huế - thành phố di sản giàu bản sắc. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Những dấu ấn vàng son
Năm 2025 là tròn 50 năm Ngày Giải phóng Huế (26/3/1975 - 26/3/2025). Có thể khẳng định, Huế là mảnh đất mang đến nhiều sự thay đổi lớn lao đối với dân tộc.
Huế chính là nơi hình thành ý chí xuất dương tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.
Bước ngoặt lịch sử tiếp theo của Huế chính là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi nơi đây trở thành một trong ba trọng điểm đấu tranh trên cả nước. Cuộc khởi nghĩa đã chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài gần một nghìn năm, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Huế tiếp tục lập nên những chiến công hiển hách, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau 26 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Huế trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng quật cường. Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam đã trao tặng quân và dân Huế tám chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Đặc biệt, chiến công của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương trong Tết Mậu Thân 1968 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Ngày 10-2-1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch tác chiến năm 1975 của Quân khu Trị Thiên, với mục tiêu trọng tâm: “Tập trung toàn bộ lực lượng Quân khu và Quân đoàn II, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại kế hoạch bình định của địch tại Trị - Thiên, giành lại 35 vạn dân ở nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị tại thành phố, đánh mạnh vào kho tàng, hậu cứ, triệt phá giao thông; chủ động tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ để giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế”.
Sau những ngày chiến đấu kiên cường, vào 6h30 phút ngày 26-3-1975, quân Giải phóng chính thức kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh Cột cờ Đại Nội, đánh dấu một mốc son lịch sử: Huế hoàn toàn giải phóng.
Thắng lợi này không chỉ đập tan tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch ở phía Bắc mà còn giáng đòn mạnh vào chiến lược “Phòng ngự co cụm” của địch tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Chiến thắng Huế đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo thế tiến công thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoàn thiện hạ tầng, mở lối cho phát triển bền vững
Sáng ngày 26-3-2025, cầu Nguyễn Hoàng đã chính thức thông xe kỹ thuật, đánh dấu cột mốc quan trọng nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Huế. Công trình với tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng hứa hẹn tạo bước đột phá cho hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Huế.
Cùng với đó, cầu vượt Thuận An (quận Thuận Hóa, thành phố Huế) - công trình giao thông vượt cửa biển dài nhất khu vực miền Trung - sau hơn hai năm thi công, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ kết nối giao thông thuận lợi hơn, mở ra động lực mới cho sự phát triển đô thị và kinh tế biển.
Trước đó, năm 2023, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Phú Bài với công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm đã được khánh thành, góp phần quan trọng trong chiến lược đưa thành phố Huế trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và giao thương quốc tế. Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đây là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng và nền tảng số nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mới đây, thành phố Huế đã chính thức khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” vào tối 25-3-2025, đánh dấu sự khởi đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trên cả nước. Là kinh đô xưa của triều Nguyễn, Huế sở hữu kho tàng di sản vô giá với 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh, 89 di tích quốc gia và 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, Huế còn lưu giữ hàng trăm lễ hội dân gian và cung đình, một nền văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo cùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ. Chính những giá trị này đã giúp Huế trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, đồng thời vinh dự nhận các danh hiệu như Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Xanh Quốc gia, Thành phố Du lịch sạch ASEAN...
Không dừng lại ở đó, Huế đang triển khai các đề án quan trọng như “Huế - Kinh đô của Ẩm thực”, “Huế - Kinh đô của Áo dài”, tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo và sức hút riêng biệt. Đặc biệt, Huế đã trở thành Thành phố Festival của cả nước với sự kiện Festival Huế - một lễ hội văn hóa mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Qua từng kỳ tổ chức, Festival Huế ngày càng hoành tráng, chuyên nghiệp hơn với sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật danh tiếng, nâng tầm vị thế của Huế trên bản đồ du lịch và văn hóa toàn cầu.
Theo Sở Du lịch thành phố Huế, trong năm 2024, địa phương đã đón gần 3,9 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,45 triệu lượt, tăng 16,6%, còn khách nội địa đạt gần 2,5 triệu lượt, tăng 25%. Đáng chú ý, tỉ trọng khách quốc tế chiếm gần 36% tổng lượng khách đến Huế, với các thị trường chính đến từ ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ và Australia. Tổng thu từ du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2023, cho thấy du lịch Huế đang trên đà phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
Vững bước đến tương lai tươi sáng
Từ ngày 1-1-2025, Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển. Với vị thế mới, Huế bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị di sản thông minh, giàu bản sắc, tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, Huế cũng khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước.
Theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, đồng thời giữ vững vai trò là một trong những trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Quốc phòng, an ninh cũng sẽ được đảm bảo vững chắc, tạo nền tảng phát triển bền vững cho thành phố.
Năm 2025, với việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia và tổ chức Festival Huế, thành phố được kỳ vọng thu hút 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 38 - 40%. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 10.800 - 11.200 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định Huế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Với bề dày lịch sử, văn hóa và những giá trị di sản độc đáo, Huế đang bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn, khẳng định vị thế của một đô thị di sản thông minh, giàu bản sắc và đầy sức hút.
Nguồn:https://hanoimoi.vn/hue-tu-co-do-lich-su-den-do-thi-di-san-hien-dai-699745.html
Bình luận (0)