Nhu cầu sử dụng vật liệu cát san lấp trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 70 triệu mét khối. Trong ảnh: Sa bàn giới thiệu về cơ sở hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh, giai đoạn 1 (KCN VSIP Cần Thơ).
Theo đó, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến các bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng nghiên cứu nội dung và kiến nghị tại văn bản số 1376/UBND-XDÐT ngày 27-3-2025, của UBND TP Cần Thơ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) trên địa bàn TP Cần Thơ để hướng dẫn UBND Cần Thơ thực hiện theo thẩm quyền và quy định.
Trước đó, ngày 27-3-2025, UBND TP Cần Thơ đã có Công văn số 1375/UBND-XDÐT, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án KCN Vĩnh Thạnh, giai đoạn 1 trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo trình bày tại Công văn số 1375/UBND-XDÐT, trong giai đoạn hiện nay một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ đang triển khai: dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; 2 tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ngoài ra, còn có một số dự án, công trình do thành phố đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: công trình KCN VSIP Vĩnh Thạnh, KCN Phú Mỹ... Qua đó cho thấy nhu cầu sử dụng vật liệu cát san lấp trên địa bàn thành phố rất lớn, khoảng 70 triệu mét khối, dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình dự án đầu tư.
Chính phủ cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp điều phối và cung ứng nhu cầu về vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm, như: điều phối cát từ các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Tiền Giang,... và thí điểm việc sử dụng cát biển cho công trình giao thông trọng điểm, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc điều phối và cung ứng cát từ các địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu và việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các công trình khác (như khu công nghiệp, khu đô thị,...) hay sử dụng cho các khu vực vùng nước ngọt như TP Cần Thơ chưa được nghiên cứu thí điểm để có thể mở rộng áp dụng trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án KCN, UBND TP Cần Thơ báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ địa phương. Cụ thể, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẩm định về việc thay đổi, bổ sung vật liệu san lấp bằng cát biển trong Báo cáo Ðánh giá tác động môi trường của Dự án “Ðầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1)” đã được phê duyệt tại Quyết định số 1527/QÐ-BTNMT ngày 9-6-2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), làm cơ sở để chủ dự án triển khai các giải pháp thi công và bảo vệ môi trường trong quá trình thí điểm. Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn cát nhiễm mặn dùng làm vật liệu san lấp các công trình KCN. Kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn giải pháp kỹ thuật cho địa phương, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các công trình KCN.
MINH HUYỀN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/huong-dan-tp-can-tho-thi-diem-su-dung-cat-bien-lam-vat-lieu-san-lap-cho-du-an-khu-cong-nghiep-a185075.html
Bình luận (0)