(QBĐT) - Liên kết sản xuất là chìa khóa để xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, huyện Quảng Ninh đã chú trọng lồng ghép các chính sách hỗ trợ nông nghiệp giúp người nông dân, hợp tác xã (HTX) xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tăng giá trị nông sản
Nhiều năm nay, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp thương mại du lịch Tả Phan đã đứng ra liên kết tiêu thụ sản phẩm sen cho người nông dân trên địa bàn xã Duy Ninh. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết (CLK) không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Giám đốc HTX Lê Duy Trinh cho biết, đơn vị đã xây dựng CLK sen từ năm 2023. Tham gia CLK, HTX trực tiếp cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trồng sen trên địa bàn với diện tích hơn 10ha. Mỗi năm, HTX thu mua và xuất bán ra thị trường hơn 30 tấn sen, đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng. HTX hiện cung ứng ra thị trường 4 sản phẩm từ sen, gồm: Hạt sen tươi, hạt sen khô, trà ướp bông sen và trà tim sen. Sản phẩm của HTX hiện được bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch trong tỉnh và cung ứng cho các thương lái đưa đi các tỉnh thành trong cả nước. Hiện, HTX có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là hạt sen tươi và hạt sen khô.
|
Mô hình CLK đang ngày càng được người dân quan tâm bởi hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại, nhất là tại các HTX, tổ hợp tác (THT). Nhằm giúp bà con an tâm sản xuất, tiết kiệm chi phí, đạt năng suất, chất lượng và thu được hiệu quả kinh tế cao, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, xã Gia Ninh đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm với diện tích trên 100ha. Các giống lúa chủ yếu là DV108 với P6…
Giám đốc HTX Trương Văn Lê cho biết, tham gia CLK, người dân chỉ tập trung sản xuất, HTX phối hợp với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trong quá trình sản xuất, người dân luôn tuân thủ sự quản lý điều hành và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn kỹ thuật nên cây trồng phát triển tốt, năng suất cao. Khi thu hoạch, doanh nghiệp liên kết tổ chức thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con đỡ công vận chuyển, phơi, bảo quản lúa. Tham gia sản xuất lúa theo chuỗi giá trị vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, vừa liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Phát triển bền vững
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Trong những năm qua, huyện Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả của các CLK trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện hiện có 50 HTX dịch vụ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Để hình thành CLK, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tích cực vận động các hộ thành viên tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất quy mô lớn; khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”… Nhiều HTX đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa cho thành viên.
|
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi Trường huyện Quảng Ninh Trần Văn Trung cho biết, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân góp phần thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, giảm chi phí và sức lao động, thuận tiện cho việc từng bước cơ giới hóa các khâu sản xuất, phù hợp với định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các CLK sản xuất được thực hiện trên địa bàn huyện ngày càng phát huy hiệu quả và được nhiều địa phương nhân rộng, nhất là các CLK lúa. Hàng năm, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã có các chính sách hỗ trợ cho các HTX xây dựng CLK sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Năm 2024, toàn huyện có trên 1.000ha lúa thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2025, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp Bắc Miền Trung, Công ty CP Nông nghiệp và xây dựng Thành Đạt, Công ty TNHH Công nghệ và Kỹ thuật Tuấn Phát thực hiện 8 CLK sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa với diện tích trên 185ha; tập trung ở các xã Vạn Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Gia Ninh, Duy Ninh, Vĩnh Ninh… |
Xác định việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, huyện Quảng Ninh khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX để tạo sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo chuỗi, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao; tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển các HTX trên lĩnh vực nông nghiệp.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các địa phương tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chương trình xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Trần Xuân Tình cho biết thêm.
Lan Chi
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/huong-den-nen-nong-nghiep-ben-vung-2225581/
Bình luận (0)