Làng Trai Trang, trước đây thuộc thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, nay là một phần của xã Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Nằm yên bình bên dòng sông Nghĩa Trụ lặng lờ trôi suốt bao mùa lúa chín, vùng đất này từ bao đời nay đã khắc sâu trong tâm trí người làng và cả những ai từng ghé qua bởi âm thanh quen thuộc của tiếng cối xay lúa rền vang mỗi sớm chiều.
Nơi ấy từng là cái nôi của nghề xay xát gạo truyền thống, một nghề không chỉ mưu sinh mà còn gắn với bao mồ hôi, công sức, và cả niềm tự hào của người dân quê lúa. Những bàn tay chai sạn, những đôi vai trĩu nặng gánh thóc từng ngày kiên nhẫn xoay guồng, sàng sảy từng mẻ gạo, chắt chiu từng hạt trắng ngần như gom góp cả tinh hoa đất trời hun đúc nên hương vị đặc trưng của vùng quê Hưng Yên.
Qua bao mùa mưa nắng, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, làng nghề vẫn không ngừng đổi thay. Trai Trang hôm nay vẫn giữ hồn nghề cũ nhưng đã khoác lên mình tấm áo mới, sôi động hơn, đa dạng hơn với nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường bê tông trải dài bóng nắng, minh chứng cho sự đi lên vững vàng của một làng quê giàu truyền thống và đầy khát vọng. Người Trai Trang hôm nay không chỉ sống no đủ mà còn sống sung túc, tự hào viết tiếp trang sử mới cho làng nghề từng vang danh một thuở.
Hơn bốn mươi năm về trước, mẹ tôi là một người phụ nữ tảo tần, lặng lẽ gánh cả gia đình trên đôi vai gầy guộc và đôi quang gánh mòn lối. Mỗi sớm mai, mẹ lại gồng gánh đi bộ qua biết bao con đường làng, ngõ xóm, khắp các vùng quê trong tỉnh để đong thóc về chế biến. Hè đến, như một lẽ thường, ba anh em tôi lại theo mẹ rong ruổi qua những cánh đồng nắng cháy, những làng quê xa gần, góp nhặt từng nhà để mua thóc cho đầy bao, đầy thúng. Anh em chúng tôi sinh ra ở làng nghề hàng xáo, sớm biết đến cái nhọc nhằn, lam lũ nhưng cũng đầy nghĩa tình của nghề xay xát gạo, nghề đã nuôi sống biết bao thế hệ ở thôn Trai Trang này. Cha tôi khi ấy là một giảng viên trường Cao đẳng sư phạm, mỗi tuần đạp xe về nhà một lần. Đồng lương ít ỏi không đủ nuôi ba đứa con ăn học, nên mọi gánh nặng cơm áo đè nặng trên đôi vai của mẹ.
Từ thuở còn bi bô, chúng tôi đã quen với âm thanh thân thuộc: Tiếng sàng sảy rào rào, tiếng cối xay lúa vang vọng, tiếng chày giã gạo thình thịch khắp thôn mỗi chiều buông. Những ngày nghỉ học, ba anh em tíu tít theo mẹ, đứa đội nón, đứa cầm chiếc đòn gánh nhỏ, bước sau đôi quang gánh trĩu nặng. Con đường làng rực nắng, bóng mẹ con tôi in dài trên mặt đất loang loáng ánh vàng, hình ảnh mộc mạc, mà đến giờ vẫn hằn sâu trong ký ức. Ngoài giờ học, anh em tôi lại tất bật phụ giúp mẹ. Đứa gánh thóc, đứa sàng sảy, rồi cùng nhau xay từng mẻ gạo trắng tinh, thơm lừng như mùi nắng mới. Mỗi khi vào vụ, làng Trai Trang lại rộn ràng như một bản nhạc quê hương - tiếng chân người gánh gồng vội vã, tiếng cối xay nghiến đều đều trong sân mỗi nhà. Mỗi sớm tinh mơ, hai bên đường cái quan, con đường 39A cũ chạy qua làng tôi đã tấp nập người người gánh gạo ra chợ. Gọi là “chợ ven đường”, nhưng đó chính là chợ của cả làng nghề, nơi gạo trắng được sàng sảy sạch sẽ, đóng bao gọn ghẽ bày ngay trên lề đường, dưới bóng cây, trước cổng đình cổ rêu phong và linh thiêng. Chợ chỉ họp chừng đôi ba tiếng, vừa đủ để những lái buôn quen mặt tìm đến, lựa chọn từng bao gạo ngon, rồi vội vã chất lên xe ngược xuôi khắp các tỉnh. Nghề hàng xáo đã gắn bó với làng tôi tự bao đời. Nó không thể nhanh giàu, nhưng lại nuôi nấng biết bao thế hệ nên người, bằng chính sự cần cù, chịu thương chịu khó của những người con đất Nhãn. Trong từng hạt gạo trắng ấy, là mồ hôi, là nắng gió, là bàn tay chai sần của mẹ, lặng lẽ mà bền bỉ như chính hồn quê hương. Những ngày mưa, đường làng lầy lội, đôi gánh nặng oằn xuống, có khi trượt chân, cả mẹ lẫn con lấm lem bùn đất. Thế mà vẫn có tiếng cười, tiếng mẹ động viên: “Không sao đâu con, còn thóc là còn lo được bữa.” Chính từ những ngày tháng gian nan ấy, chúng tôi lớn lên, không chỉ bằng cơm gạo mẹ nấu, mà bằng cả tình thương và nghị lực của mẹ trong từng bước chân âm thầm trên con đường làng năm ấy. Những đêm mùa hè oi bức, anh em tôi thay nhau đứng bên cối xay, tay nắm chặt hai đầu càng, cùng nhau đẩy đều theo vòng quay. Tiếng cối xay ầm ầm, tiếng thóc đổ rào rào vang lên trên thềm hè. Từng mẻ lúa sau khi xay xong được mẹ tôi sàng lọc cẩn thận rồi cho vào giã thành những hạt gạo trắng tinh được bán cho các hộ kinh doanh lớn trong làng, còn cám thì để nuôi lợn. Nhà tôi mỗi lứa nuôi từ ba đến năm con lợn thịt, nhờ vậy mà có thêm nguồn thu nhập. Trấu lúa không bỏ phí, được gom lại làm chất đốt để đun nấu và om cám lợn, nếu nhiều thì lại đóng vào bao đem đi bán.
Thời gian sau, một số hộ dân trong làng đầu tư máy xay xát chạy dầu, đỡ được phần nào công sức cho những hộ làm nghề hàng xáo. Nhưng thóc vẫn phải chở về bằng gánh, rồi dần dần, người ta chế ra xe đạp thồ, hai bánh xe cao, chở được cả bao lớn. Nhờ vậy mà công việc nhẹ nhàng hơn phần nào.
Làng Trai Trang giờ đã khác xưa nhiều lắm. Hơn chín nghìn nhân khẩu, gần hai nghìn sáu trăm hộ, trong đó có gần trăm hộ vẫn giữ nghề cũ, nghề xay xát gạo, hay người làng giờ quen gọi bằng cái tên mới: nghề chế biến nông sản, thực phẩm. Nghề hàng xáo từng một thời gồng gánh nhọc nhằn, giờ đã khoác lên mình tấm áo hiện đại hơn. Những gánh thóc trĩu vai năm nào đã nhường chỗ cho xe tải, xe container nối đuôi nhau chở gạo đi khắp mọi miền đất nước, vươn ra cả thị trường quốc tế. Làng tôi không còn chỉ xay xát đơn thuần, mà đã có cả nhà máy, dây chuyền, công nghệ, như một giấc mơ hóa thực giữa những ngôi nhà mái đỏ thân quen.
***
Nay, tôi đi công tác xa nhà, cuối tuần mới được trở về. Mỗi lần về lại, tôi thấy làng mình thay da đổi thịt từng ngày, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người làng làm ăn khấm khá, có người còn thành ông chủ, bà chủ doanh nghiệp lớn. Nhưng trong tất cả sự đổi thay đó, tôi thích nhất những khoảnh khắc yên bình ngồi bên cha mẹ, nhâm nhi chén trà, lắng nghe tiếng máy xay xát rì rầm đâu đó vang lên, âm thanh quen thuộc như nhịp thở của làng quê.Thỉnh thoảng, tôi lại thích dạo quanh làng, hít một hơi thật sâu mùi gạo mới thơm nức. Nghề cũ đã khác, người làm nghề cũng đã khác. Nhưng hồn cốt làng nghề thì vẫn còn nguyên, như mẹ tôi, một nắng hai sương chắt chiu từng hạt gạo trắng ngần. Và tôi hiểu, dẫu có đi xa đến đâu, dẫu thời gian có xoay vần đến mấy, thì cái nghề này, cái hồn của quê hương vẫn sẽ sống mãi, như một mạch ngầm không bao giờ cạn trong tâm hồn những người con làng Trai Trang.
Trí Dũng
Nguồn: https://baohungyen.vn/huong-gao-trai-trang-3182669.html
Bình luận (0)