Hương trà xưa - Báo Thái Nguyên điện tử

Việt NamViệt Nam16/02/2025


Chiều nào bố tôi cũng ngồi bên cái ấm nhỏ, bảo đó là song ẩm. Có lẽ lúc nào cũng mong có bạn đối ẩm nên bố chọn bộ song ẩm này.

hương trà xưa, truyện ngắn, đào việt hải
 

Mẹ tôi mất đã hai chục năm. Bố cứ vậy nuôi anh em tôi. Càng lớn tôi càng hiểu đó chính là những tháng năm vô cùng gian nan, khổ hạnh của bất cứ một người đàn ông nào. Bởi vậy tôi luôn mong những năm tháng tuổi xế chiều, bố được sống nhàn nhã bình an.

Tôi rất vui vì bố có thú thưởng trà. Tôi thường tìm tới những địa chỉ bán loại chè hảo hạng nhất như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… để mua chè về cho bố. Không một địa chỉ chè nổi tiếng nào của xứ Thái Nguyên mà tôi không tìm đến. Thỉnh thoảng tôi cũng dành thời gian ngồi thưởng trà cùng bố.

Có lần, tôi hỏi:

- Trà con mua bố có vừa lòng không?

Bố ngẫm ngợi rồi chậm rãi:

- Ngon lắm con ạ... Nhưng…

Chưa nói hết câu, cặp mắt ông chợt dõi về phương xa như muốn tìm trong kí ức một điều gì đó.

Tôi lo lắng:

- Nhưng sao hả bố?

Như thấy lỡ lời, ông vội nói:

- Ồ… Không! Trà ngon lắm, con đừng nghĩ ngợi gì…

Tôi không dám hỏi thêm. Chữ “nhưng” của bố làm tôi băn khoăn. Trà tôi mua bố chưa ưng ý chăng?

Những ngày sau đó, tôi thấy cứ sau mỗi tuần trà bố lại dõi ánh mắt về phía có những ngọn núi mờ xanh tận chân trời. Ánh mắt thoảng một chút buồn.

Tôi dò hỏi:

- Bố thấy gì khi nhìn về phía xa ấy?

Bố cười, trả lời bằng một câu giống như một triết lý:

- Con ạ, những gì nhìn thấy thì đâu có quan trọng. Ở đời, chính những gì không nhìn thấy mới là những điều đáng quan tâm.

Bố không nói ra nhưng tôi đoán được có lẽ trong quá khứ của bố hẳn có một nỗi niềm nào đó thật sâu kín.

Nhưng rồi điều bí mật của bố cũng được hé mở. Chiều hôm ấy, ông từ phố về, tay cầm quyển tạp chí, phấn khích nói với tôi:

- Bố tìm thấy rồi. Đó chính là chè hoa vàng!

Tôi ngạc nhiên, đoán rằng bố đã tìm thấy loại trà mà bấy lâu nay tôi chưa sưu tầm được. Tôi vội hỏi:

- Tìm thấy loại trà ưng ý bố cứ cho địa chỉ, con sẽ đến tận nơi mua về.

Bố lắc đầu:

- Không! Các loại trà con mua đã là tuyệt đỉnh rồi. Đây là chuyện hoàn toàn khác.

Tôi cầm cuốn tạp chí. Một hàng chữ tít in đậm: “Chè hoa vàng quí hiếm ở Thái Nguyên”. Đó là một bài viết về giống chè hoa vàng vô cùng quý, một vị thuốc nam rất công hiệu. Ngày trước, loài chè này mọc nhiều ở sườn phía đông dãy Tam Đảo thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nhưng rất tiếc là gần như đã tuyệt chủng.

Tôi đặt cuốn tạp chí xuống:

- Bài báo có gì quá đặc biệt mà… bố phải…

Không để tôi chờ lâu, bố kể lại mọi chuyện.

… Năm 1954, quân ta chiến thắng Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô. Trên đường hành quân qua một bản vắng nằm ở sườn phía đông dãy núi Tam Đảo thì bố bị căn bệnh đau đầu khủng khiếp. Đơn vị đành để bố ở lại gia đình một thày lang người dân tộc Tày nổi tiếng trong vùng để chữa trị. Ở đây, bố đã được hai bố con thày lang hết lòng cứu chữa.

Cô con gái hồi ấy mới tròn mười bảy tuổi, đẹp như một nàng tiên núi. Ngày ngày cô lên rừng hái thuốc về sắc cho anh lính trẻ. Ngoài các vị thuốc gia truyền được uống đều đặn thì ngày nào sau bữa ăn, cô gái cũng pha một ấm chè trong cái ấm nhỏ, rồi ngồi cùng uống với người bệnh. Cô gái cho biết đó là chè hoa vàng hái từ rừng về, cũng là một vị thuốc chữa căn bệnh của bố.

Một tháng sau, bố khỏe lại hoàn toàn. Nhưng từ đấy, bố nghiện chè. Trước khi trở về đơn vị, bố được cô gái gói tặng mấy cân chè khô nhưng đến khi chè hết, bố bỗng thấy trong người dấy lên một nỗi cồn cào khó tả. Sau này, thưởng thức rất nhiều loại trà nhưng bố không thấy có loại nào giống loại chè hoa vàng ấy. Cho nên dù các loại trà con mang về toàn là loại đặc biệt, nhưng  bố vẫn thấy thiếu thiếu một hương vị nào đó rất khó gọi tên…

Tôi đùa:

- Có lẽ đó là hương vị của mối tình đầu phải không bố?

Bố lừ mắt:

- Cánh nhà văn các anh chỉ hay tưởng tượng. Bây giờ qua bài báo này, bố đã nhớ rõ hơn về loại chè mà trước đây được cô gái bản cho uống chính là loại chè hoa vàng mà tác giả bài báo đã miêu tả. Chỉ tiếc rằng loài chè này đang tuyệt chủng.

Bố quay sang tôi:

- Con có thể đưa bố về thăm cái bản ấy một lần không?                                                      

* * *

Đó đúng là vùng đất nằm ở sườn phía đông Tam Đảo, nơi xuất xứ của loài chè hoa vàng.

Nghe tôi nhắc lại chuyện ngày trước bố đã được gia đình chữa bệnh, cậu con trai nuôi của bà lang (là cô gái trẻ ngày xưa) tiếp đón bố con tôi thân thiện như người nhà. Có lẽ cậu đã được mẹ nuôi kể lại mọi chuyện. Cậu bảo:

- Mẹ cháu đẹp nhất bản nhưng không lấy chồng. Cháu là đứa trẻ mồ côi được mẹ nuôi từ thuở lọt lòng.

Mắt bố tôi thoảng buồn. Tôi vội hỏi:

- Gia đình em có thường lên núi hái chè hoa vàng về uống không?

Cậu trai khẽ lắc đầu:

- Còn đâu chè hoa vàng trên núi để hái nữa hả anh.

Thấy vẻ thất vọng của bố con tôi, cậu vội nói:

- Nhưng bác và anh yên tâm. Mấy chục năm trước, ngày nào mẹ em cũng leo lên núi cao kiếm từng cây chè hoa vàng về trồng đầy một vườn. Vì thế, cả tỉnh này chỉ có nhà em là giữ được giống chè này. Lát nữa, em dẫn bác và anh ra vườn chè.

Bố tôi đứng lặng người trước hàng trăm cây chè đang vào mùa trổ hoa, những cánh vàng âm thầm núp trong tán lá. Bố lén lau nước mắt.

Trước lúc chia tay, tôi đề nghị được mua mấy cây chè hoa vàng về trồng, cậu con nuôi hơi phật ý:

- Sao lại mua? Em nghĩ, mẹ em trồng vườn chè này chính là vì bác đây. Anh mang về trồng và cố giữ đừng để nó tuyệt chủng.

* * *

Hơn nửa năm, trong khu đất nhỏ nhà tôi mấy chục cây chè hoa vàng đã bước vào thời kỳ ra búp. Bố hái chè và tự tay sao tẩm, nâng niu từng cánh chè.

Ông nói với giọng sảng khoái:

- Vậy là giống chè hoa vàng không tuyệt chủng. Bố rất vui con ạ.

Tôi cũng buông một câu hoa mỹ:

- Chính là nhờ hương vị của mối tình đầu mà nó không tuyệt chủng đấy bố ạ.

Bố lại lừ mắt:

- Đó là chuyện của nhà văn các anh.

Vài năm sau bố mất.

Vườn chè hoa vàng sau nhà tôi cứ mỗi mùa giá rét lại trổ hoa, cánh vàng âm thầm núp trong tán lá.

Lòng tôi bỗng thư thái khi nghĩ rằng có lẽ ở chốn cửu tuyền, bố tôi lại có dịp song ẩm với người xưa.



Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202502/huong-tra-xua-06f1c5c/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available