Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khám phá những "đôi mắt" trên cửa nhà cổ tại Hội An

(Dân trí) - Đi dọc các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An, du khách không khỏi tò mò với những khối gỗ đủ hình dáng trước cửa của các căn nhà cổ, người dân địa phương gọi là "mắt cửa" hay "môn thần".

Báo Dân tríBáo Dân trí25/05/2025

Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi hội tụ những thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII-XVIII.

Trải qua biến thiên lịch sử, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An đã dần được giới học giả và du khách chú ý, biến nơi đây thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.

Khám phá những đôi mắt trên cửa nhà cổ tại Hội An - 1
Du khách thường tò mò với các đôi "mắt cửa" khi khám phá nhà cổ Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Du khách đến với Hội An thường bị cuốn hút bởi những đôi mắt cửa trên mặt tiền của các ngôi nhà cổ. Những đôi mắt này như dõi theo từng bước chân, nhắc nhở về phép ứng xử và là cơ quan giám sát vô hình như lời răn dạy của người xưa.

Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phố cổ hiện có hơn 200 đôi mắt cửa với 20 loại khác nhau. Chúng có thể có dạng hình tròn, lục giác, bát giác hoặc khắc thành 6-8 cánh hoa cúc, một số ít có dạng hình vuông, hình nửa khối cầu dẹt…

Đa số mắt cửa thể hiện bên trong cánh hoa hình âm dương hoặc bát quái, hình bát quái bao lấy vòng tròn âm dương.

Ngoài ra, có mắt cửa bên ngoài khắc 5 con dơi với ý nghĩa "ngũ phúc lâm môn". Riêng mắt cửa Chùa Cầu chạm vòng tròn âm dương được bao bởi 4 bông hoa sen 4 phía.

Khám phá những đôi mắt trên cửa nhà cổ tại Hội An - 2
Phố cổ Hội An hiện có hơn 200 đôi "mắt cửa", với 20 loại khác nhau (Ảnh: Ngô Linh).

Đến nay, vẫn có nhiều cách lý giải về tục trang trí mắt cửa ở phố cổ Hội An. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những người Hoa đến Hội An từ thế kỷ XVII-XVIII là chủ nhân của những "đôi mắt phố cổ".

Theo nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, tục thờ mắt cửa và trang trí, chạm khắc mắt cửa là biểu hiện của giao lưu và kết biến văn hóa, đặc biệt là văn hóa với Trung Hoa ở Việt Nam do những thương nhân Trung Hoa đến định cư và lập nghiệp ở Hội An.

Người Hội An cho rằng, mắt cửa trước nhà được coi như "mắt thần" canh giữ cho ngôi nhà, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, không cho tà ma xâm phạm vào nhà.

Khám phá những đôi mắt trên cửa nhà cổ tại Hội An - 3

Mắt cửa Chùa Cầu chạm vòng tròn âm dương được bao bởi 4 bông hoa sen 4 phía (Ảnh: Ngô Linh).

Trước cửa nhà cổ Quân Thắng trên đường Trần Phú cũng có đôi mắt cửa. Nhà cổ này có niên đại hơn 300 năm, là một trong những nhà cổ đẹp nhất Hội An hiện nay. Theo chủ nhân ngôi nhà, mắt cửa ở đây được điêu khắc theo hình hoa cúc, trang trí thêm vải đỏ bắt mắt và được giữ gìn nguyên vẹn hàng trăm năm nay.

Bà Diệp Ái Phương, thế hệ thứ 7 của nhà cổ Quân Thắng, cho hay, đôi mắt cửa là linh hồn của ngôi nhà, trừ bỏ những điều xấu trong gia đình. Quan niệm rằng con người có mắt nên ngôi nhà cũng phải có mắt.

Trải qua những biến thiên thăng trầm, những đôi mắt của phố cổ vẫn còn đó, là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của Hội An. Đôi mắt cửa giúp cư dân phố Hội nhìn mình, nhìn đời, răn dạy con cháu trong ứng xử, lối sống.

Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/kham-pha-nhung-doi-mat-tren-cua-nha-co-tai-hoi-an-20250523102306973.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm