Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi trăm triệu USD không còn mua được ngôi sao

Bóng đá châu Âu trải qua một kỷ nguyên chuyển nhượng đầy biến động, nơi tiền bạc - từng được xem là vũ khí tối thượng - dường như đánh mất quyền lực tuyệt đối.

ZNewsZNews19/07/2025

Liverpool là minh chứng rõ nét nhất trong mùa hè này. Dù đặt lên bàn tới 140 triệu euro để có được Alexander Isak, đội bóng vùng Merseyside vẫn nhận về cái lắc đầu lạnh lùng từ Newcastle. Trong bối cảnh các ông chủ đến từ Saudi Arabia và Qatar “thay đổi luật chơi”, hàng trăm triệu euro giờ đây không còn là lời mời gọi hấp dẫn như trước.

Kỷ nguyên mới của bóng đá

Trong hơn một thập kỷ qua, bóng đá châu Âu chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng điên rồ, nơi một cầu thủ trẻ mới nổi chỉ cần vài trận ra mắt ấn tượng cũng đủ khiến các ông lớn rút hầu bao vài chục triệu euro. Thế nhưng, làn sóng đầu tư từ Saudi Arabia và Qatar đang phá vỡ trật tự ấy. Khi quyền lực tài chính của họ vượt xa khái niệm lợi nhuận, việc giữ chân một ngôi sao không còn phụ thuộc vào giá bán.

Liverpool hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Mùa hè này, “Lữ đoàn đỏ” thực hiện một kỳ chuyển nhượng ấn tượng với Wirtz, Frimpong và Kerkez. Nhưng Isak - “mảnh ghép cuối” mà HLV Arne Slot muốn đưa về Anfield - lại trở thành thương vụ bất khả thi. Newcastle, dưới sự chống lưng của nguồn vốn dầu mỏ, không cần 140 triệu euro, thậm chí cũng chẳng cần cân nhắc việc bán Isak, người còn hợp đồng đến năm 2028.

Premier League lâu nay được xem là miền đất hứa, là “thỏi nam châm” thu hút những ngôi sao hàng đầu nhờ tiềm lực tài chính khủng khiếp. Chỉ cần nhìn vào kỳ chuyển nhượng hè 2025 là đủ thấy sự chênh lệch: Villarreal và Real Betis - hai đội đứng thứ 5 và 6 tại LaLiga - mới chỉ tiêu tổng cộng 17 triệu euro. Trong khi đó, ba tân binh Premier League là Sunderland, Burnley và Leeds đã chi tới 225 triệu euro (115,9 triệu cho Sunderland, 73,95 triệu cho Burnley và 35,6 triệu cho Leeds).

Isak anh 1

Liverpool bạo chi để có chữ ký Florian Wirtz.

Thế nhưng, ngay cả những “gã nhà giàu” tại Anh như Liverpool hay Man United vẫn có lúc bị chặn đứng, bởi một “bức tường” không thể xuyên thủng: quyền sở hữu của các tỷ phú đến từ Saudi Arabia và Qatar. Họ không cần bán cầu thủ để xoay vòng vốn, không cần thương lượng để kiếm lợi nhuận. Đôi khi, câu chuyện không còn là bao nhiêu tiền, mà là “Chúng tôi có muốn bán hay không?”.

Câu chuyện của Liverpool không phải là trường hợp hiếm hoi. Real Madrid từng trải qua tình huống tương tự với Kylian Mbappe. Dù sẵn sàng trả gần 200 triệu euro cho PSG, “Los Blancos” vẫn bị từ chối thẳng thừng. Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi và giới chủ Qatar thà để Mbappé đáo hạn hợp đồng, còn hơn chấp nhận bán anh với bất cứ giá nào.

Barca cũng “nếm mùi” cay đắng. Dù từng khiến cả thế giới rúng động với thương vụ Neymar (222 triệu euro từ PSG), vài năm sau, ngay cả mong muốn chiêu mộ Bernardo Silva từ Man City cũng trở nên bất lực. Một phần vì tình hình tài chính bết bát, phần khác vì Man City - với sức mạnh tài chính khủng khiếp - chẳng hề bị lung lay bởi tiền.

Những thương vụ đình trệ này cho thấy một thực tế mới: các ông chủ Trung Đông không coi cầu thủ đơn thuần là “tài sản kinh doanh” mà là biểu tượng của quyền lực, là công cụ để khẳng định vị thế của họ trong làng bóng đá. Newcastle từ chối bán Isak chẳng khác nào tuyên bố rằng họ không muốn chỉ là “bệ phóng” cho các đội bóng lớn hơn, mà muốn trở thành một thế lực thực thụ ở cả Premier League và châu Âu.

Isak anh 2

Isak nhiều khả năng tiếp tục ở lại Newcastle.

Liverpool vốn quen với tư duy “chi tiền để có tất cả” giờ đây buộc phải thay đổi cách tiếp cận. Kế hoạch B đang được tính đến, nhưng rõ ràng không dễ để tìm một chân sút toàn diện như Isak, người vừa sở hữu sức mạnh thể chất, khả năng dứt điểm đa dạng, vừa có tiềm năng trở thành trung phong hàng đầu châu Âu.

Bóng đá đang đi về đâu?

Khi tiền không còn là “quyền lực tối thượng”, các thương vụ chuyển nhượng đòi hỏi sự khôn ngoan và tầm nhìn dài hạn. Thời của những vụ “giải cứu” bằng cách bơm tiền khổng lồ có lẽ đang qua.

Ngay cả những đội bóng lắm tiền như PSG, Newcastle hay Man City cũng không mua bán chỉ để kiếm lời. Họ muốn xây dựng triều đại, muốn nâng tầm thương hiệu, và trên hết là muốn chiến thắng theo cách của riêng mình.

Câu chuyện Isak của Liverpool, Mbappe của Real Madrid hay Bernardo Silva của Barca là những lời nhắc nhở rõ ràng rằng bóng đá châu Âu đã thay đổi. Thị trường giờ đây không chỉ là cuộc chiến kinh tế, mà là sân khấu thể hiện quyền lực, tham vọng và tầm nhìn chiến lược.

Thị trường chuyển nhượng bóng đá đang ở một ngưỡng rẽ mới. Không phải lúc nào nhiều tiền cũng đồng nghĩa với nhiều lựa chọn.

Khi các ông chủ Trung Đông nắm quyền, giá trị của cầu thủ không chỉ nằm ở con số, mà còn ở những thông điệp quyền lực phía sau. Liverpool sẽ không dừng lại, Real Madrid hay Barca cũng vậy. Nhưng họ sẽ phải học cách thích nghi trong một thế giới nơi “140 triệu euro chỉ như một cái chớp mắt”.

Bóng đá không còn chỉ là trò chơi của những con số. Nó đã trở thành cuộc đấu trí - nơi tiền bạc chỉ là một phần, và khát vọng mới là yếu tố quyết định cuối cùng.

Nguồn: https://znews.vn/khi-tram-trieu-usd-khong-con-mua-duoc-ngoi-sao-post1569882.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm