Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2019. Đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm được đánh giá, phân hạng (21 sản phẩm 4 sao, 210 sản phẩm 3 sao), trong đó có 72 sản phẩm đã hết hạn không đánh giá lại.
Chủ thể chưa mặn mà
Tuy nhiên, việc nâng hạng sao cho các sản phẩm này còn khiêm tốn, từ năm 2019 đến nay, chỉ có 2 sản phẩm được nâng từ 3 sao lên 4 sao, chưa có sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Riêng từ đầu năm 2025 đến hết tháng 6/2025, có 2 sản phẩm đăng ký nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao (đã trình hồ sơ Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh).
Ông Hứa Quốc Công, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Bành, xã Chi Lăng cho biết: Cuối năm 2021, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng (cũ), hợp tác xã đã đăng ký sản phẩm na tham gia chương trình OCOP và đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Nhận thấy việc nâng sao OCOP có vai trò quan trọng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi đã thực hiện các giải pháp như: cải tiến bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm... Đến năm 2022, qua đánh và phân hạng lại, sản phẩm của chúng tôi đã đạt 4 sao. Nhờ đó, giá thành sản phẩm tăng, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước và được đưa vào hệ thống siêu thị tại thành phố Hà Nội. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, sản lượng na của hợp tác xã đạt khoảng 200 tấn, giá trị đạt 7 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại sản phẩm Chương trình OCOP và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại sản phẩm Chương trình OCOP, việc phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng, trong đó: Hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu. Hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.
|
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc nâng sao OCOP còn nhiều khó khăn, hạn chế khiến các chủ thể OCOP chưa thực sự quan tâm, chủ động trong thực hiện nội dung này. Cụ thể, để nâng hạng sao, các chủ thể cần cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao. Đồng thời, cần có các tài liệu chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả thử nghiệm, giấy tờ truy xuất nguồn gốc, hồ sơ môi trường... Trong đó, để thực hiện các nội dung này cần số vốn tương đối lớn. Do đó, mặc dù hiểu được lợi ích từ việc nâng sao, song các chủ thể OCOP vẫn chưa mạnh dạn đầu tư.
Ông Hoàng Văn Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn, xã Tân Đoàn cho biết: Năm 2023, sản phẩm miến dong của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm rất tốt. Qua tìm hiểu, tôi được biết việc nâng sao cho sản phẩm OCOP sẽ giúp sản phẩm có sức cạnh tranh lớn hơn rất nhiều trên thị trường. Tuy vậy, để nâng sao, cơ sở cần cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao, quy mô sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thế nhưng việc sản xuất miến dong chủ yếu theo mùa vụ (chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán) nên không đáp ứng được yêu cầu, ngoài ra, chi phí để thực hiện các điều kiện về máy móc, tem truy xuất… tương đối cao nên công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Cần mạnh dạn đầu tư
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ, chưa có sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Do vậy, năng lực sản xuất không ổn định, khó đáp ứng các đơn hàng lớn, dài hạn; thiếu hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường lớn.
Thực hiện Chương trình OCOP, mỗi năm, ngành chuyên môn, UBND các huyện (cũ) đều duy trì tổ chức phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP. Trong đó, có các sản phẩm OCOP đăng ký đánh giá để nâng từ 3 sao lên 4 sao. Tuy nhiên, một số sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng về các tiêu chí như: tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng xuất khẩu…
Trước thực tế đó, ngành chuyên môn đã tích cực triển khai các giải pháp. Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để đáp ứng tốt các tiêu chí giúp nâng sao cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí nhãn mác, bao bì, tem truy xuất… Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền các chủ thể chủ động nâng sao OCOP, đồng thời, chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch rà soát các sản phẩm có tiềm năng nâng sao để tập trung hỗ trợ.
Theo đó, qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý nâng sao cho sản phẩm bột thạch đen lên 5 sao. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tư vấn, hỗ trợ công ty để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng tỉnh đánh giá và tiếp tục trình Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP Trung ương.
Để nâng được sao, yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở sự chủ động, quyết tâm và dám đầu tư của chính chủ thể. Việc nâng sao không chỉ để “đẹp về danh hiệu” mà còn giúp sản phẩm nâng tầm thương hiệu, chinh phục thị trường rộng hơn.
Nâng hạng sản phẩm OCOP không chỉ là việc “thêm sao” cho bảng đánh giá mà còn là thước đo sự phát triển toàn diện của sản phẩm từ chất lượng, mẫu mã, thương hiệu đến thị trường tiêu thụ. Để làm được điều này, ngoài sự đồng hành, định hướng từ ngành chuyên môn thì rất cần sự chủ động từ phía các chủ thể. Khi chất lượng và thương hiệu song hành, sản phẩm OCOP sẽ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Nguồn: https://baolangson.vn/bai-chinh-kho-nang-sao-ocop-5053399.html
Bình luận (0)