Nhằm bảo đảm tính ổn định, liên tục trong mọi tình huống, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn công tác chấm thi và phúc khảo năm 2025. Trong đó, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh nguyên tắc "4 tại chỗ" (lãnh đạo chỉ đạo tại chỗ, nhân sự tại chỗ, thiết bị cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần - tài chính tại chỗ). Các hội đồng thi được yêu cầu xây dựng phương án chấm thi phù hợp với điều kiện địa phương sau sáp nhập, bao gồm việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo trên cơ sở đơn vị hành chính mới. Trong đó, mô hình "một hội đồng, nhiều ban chấm thi" đang được vận dụng linh hoạt ở nhiều tỉnh, thành.
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, cho biết sở đã chủ động rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống phòng cháy - chữa cháy, an ninh, an toàn phục vụ khâu làm phách bài thi, chấm thi..., bảo đảm an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng theo quy định của quy chế thi. Đối với việc chấm thi trắc nghiệm, sở đã bố trí 2 hệ thống máy chủ, máy trạm riêng biệt để chấm bài theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình 2018…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu trong việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không được ép tiến độ, đặc biệt là chấm bài tự luận, vì sẽ kéo theo nguy cơ sai sót hoặc nhầm điểm. Khâu chấm thi phải đúng quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. Đối với việc chấm thi môn ngữ văn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh dù cảm nhận của mỗi thầy cô khác nhau nhưng cũng không chênh lệch quá xa so với barem hướng dẫn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra việc chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NHUNG NHUNG
Tại Bắc Ninh, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp vừa hoạt động từ ngày 1-7, sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và Hội đồng Chấm thi tỉnh, trên cơ sở tận dụng nguồn lực từ Ban Chỉ đạo thi của tỉnh Bắc Giang (cũ) và Bắc Ninh (cũ). Theo đó, 2 ban chấm thi vẫn tiếp tục được tổ chức tại 2 địa điểm như trước. "Khâu chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thí sinh" - ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, cho hay.
Tại TP Hà Nội, để bảo đảm quy trình chấm thi diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp vừa hoạt động, Sở GD-ĐT đã huy động hơn 800 cán bộ, giáo viên tham gia. Khu vực chấm thi được bố trí biệt lập, được công an bảo vệ 24/24 giờ, có camera giám sát và phương tiện phòng cháy - chữa cháy bảo đảm. Cán bộ chấm thi không được mang thiết bị điện tử, bút xóa hay bất kỳ vật dụng trái quy định nào vào phòng.
Theo Bộ GD-ĐT, đáp án và thang điểm chính thức của các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được công bố sau ngày 5-7. Các hội đồng thi sẽ hoàn tất chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 13-7. Kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 16-7. Sau đó, các sở GD-ĐT sẽ xét công nhận thí sinh tốt nghiệp THPT trước ngày 18-7.
Nguồn: https://nld.com.vn/khong-ep-tien-do-cham-thi-tot-nghiep-thpt-196250703212618057.htm
Bình luận (0)