Bệnh nhân đợi lĩnh thuốc BHYT tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Ngay sau khi đăng bài viết: "Kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần: Nhiều bệnh nhân mãn tính nói chỉ được cấp thuốc như cũ", Tuổi Trẻ Online đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc.
Trong đó nhiều bạn đọc cho rằng sở dĩ nhiều bệnh nhân mãn tính chỉ được cấp thuốc 28 ngày như cũ là có lý do: nếu các bác sĩ kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần cho nhiều bệnh nhân, các bệnh viện sẽ thất thu, giảm thu nhập.
Kê đơn thuốc 28 ngày để thu tiền khám của bệnh nhân?
Bạn đọc có email manh****@gmail.com cho rằng: "Cấp thuốc như vậy bệnh viện sẽ giảm thu nhập, vì bệnh nhân đến có được khám đâu. Bác sĩ chỉ hỏi mấy câu rồi cấp thuốc thôi mà vẫn bị mất tiền".
Đồng tình, bạn đọc lehu****@gmail.com viết: "Ngay cả những bệnh viện tư, mỗi lần đi khám bảo hiểm y tế (BHYT) phụ thu thêm gần 200.000 đồng. Nếu kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần bệnh viện sẽ mất doanh thu".
Theo phân tích của bạn đọc Tùng Thanh, "lý do cơ bản nhất bệnh viện hoặc bác sĩ không kê thuốc 3 tháng/lần là sợ giảm nguồn thu nhập của viện. Một tháng đến 1 lần thì mỗi lần đều thu tiền khám, giờ 3 tháng mới đến 1 lần thì mất 2 lần tiền khám bệnh".
"Quy định đã có nhưng các bệnh viện thực thi hay không lại là chuyện khác. Người bệnh bức xúc nhưng sao nói với bác sĩ và dược sĩ được", bạn đọc Quang Bang đặt vấn đề.
Trước bàn luận sôi nổi về vấn đề này, bạn đọc Húc Nguyễn kể câu chuyện của chính mình: "Tôi bị bệnh cao huyết áp, suy thận mãn, điều trị ổn định nhiều năm nay, tháng nào cũng cho toa thuốc 28 ngày như nhau.
Tôi hỏi bác sĩ theo quy định mới bác sĩ có thể cho tôi 2 tháng thuốc được không? Bác sĩ trả lời cho thuốc 2-3 tháng chỉ trên báo thôi chú".
"Từ khi Bộ Y tế lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn về cấp thuốc trên 30 ngày cho người bệnh mãn tính, tôi nghĩ có thể khó thực hiện. Lý do không phải do bệnh lý, cái gốc là nguồn thu BHYT từ người bệnh là một khoản tiền rất lớn đối với các bệnh viện.
Nếu cấp thuốc 90 ngày, bệnh viện mất đi 2 lần tiền BHYT do người bệnh không đi khám. Nếu cấp 60 ngày, họ mất 1 lần. Như vậy mỗi tháng mất đi hàng mấy nghìn lượt khám là mất đi bao nhiêu tiền...", bạn đọc Lê Tùng nêu quan điểm.
Theo bạn đọc có email ngan****@gmail.com: "Đã có quy định thì cứ cấp thuốc 90 ngày cho bệnh nhân. Nếu có biến chứng thì đến khám đột xuất không cần đến thời hạn chứ có gì đâu mà phải giải thích này nọ. Ai có đi khám rồi cũng biết thuốc hầu như tháng nào cũng giống tháng nào".
"Vừa rồi tôi tái khám ở một bệnh viện, qua trao đổi trực tiếp với bác sĩ tôi hiểu có lý do kín đáo nào đó mà bệnh viện không muốn thay đổi thời gian cấp thuốc dài ngày hơn, dù tới khám cũng chỉ đo huyết áp rồi cho thuốc y như toa cũ", bạn đọc Tiểu Tuyết đặt nghi vấn.
Nhiều bạn đọc cho biết bị mắc bệnh mãn tính đã ổn định, nhưng khi đến bệnh viện khám có không ít bác sĩ nói chưa nhận được thông tin về việc bác sĩ kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần.
Lý do vướng cơ chế nên chưa triển khai được (?). Nhiều bác sĩ còn nói việc cấp đơn thuốc 2-3 tháng cho những người mắc bệnh mãn tính đã ổn định "chỉ trên báo thôi...".
Tuy nhiên một số bạn đọc như Ngoc An đã chỉ ra cái khó của các bác sĩ. "Nếu những bệnh trên không may xảy ra biến chứng trong 2 - 3 tháng thì bệnh nhân có trách bác sĩ không? Cho đơn thuốc 2 - 3 tháng thì bác sĩ còn dựa vào thể trạng, tuổi tác từng bệnh nhân để quyết định. Đừng nghĩ bác sĩ sợ thiếu tiền khám mỗi tháng của bệnh nhân mà không dám cho thuốc".
Bộ Y tế kiểm tra việc thực hiện, đừng để "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Bàn giải pháp để thực hiện quy định trên, bạn đọc có số điện thoại 0916******11 gợi ý: "Có thể bác sĩ chưa kê toa thuốc 2-3 tháng cho nhiều bệnh nhân, nhưng kê toa thuốc 6 tuần có được không?".
"Thiết nghĩ việc cấp thuốc 2 - 3 tháng nên tự động gửi đến nhà sau toa ngắn ngày. Hết thời hạn đó thì bệnh nhân đến gặp bác sĩ để thêm một toa mới", bạn đọc Linh đề xuất.
Bạn đọc Đỗ Đức Hiếu đồng tình: "Bởi vì những bệnh dùng thuốc điều trị cho các bệnh mãn tính thường ổn định. Trong thời gian đang điều trị ngoại trú, nếu có bất cứ triệu chứng gì bất thường, bệnh nhân tới khám ngay. Tôi cũng là bác sĩ trong ngành, tôi hiểu".
Tương tự, bạn đọc Hạnh Le kể câu chuyện đi khám của chính mình và đề xuất giải pháp với ngành y tế: "Ngày 9-7, tôi đi khám bệnh, lấy thuốc BHYT tại bệnh viện. Lượng bệnh nhân vẫn đông như mọi lần. Đơn thuốc huyết áp, đau khớp vẫn như mọi kỳ 21 ngày. Hỏi bác sĩ, được trả lời còn nhiều vướng mắc trách nhiệm lắm. Ngành y tế nên có chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể".
Theo bạn đọc Dam Chi Cuong, "các cơ quan chức năng rất cần kiểm tra, theo dõi trực tiếp thực tế tất cả các bệnh viện thực hiện ra sao trong thời gian này, thì mới mong có sự thay đổi thật sự. Người dân chúng tôi rất mong đợi".
"Bộ Y tế cần kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện để đánh giá những vướng mắc, khó khăn, đồng thời hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện được đồng bộ. Không để trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", bạn đọc Vô Kỵ đề nghị.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-ke-don-thuoc-2-3-thang-lan-co-ly-do-nao-an-giau-sau-toa-thuoc-28-ngay-20250714180234249.htm
Bình luận (0)