Các giải pháp và vật liệu xây dựng xanh cần được khuyến khích áp dụng rộng rãi. TRONG ẢNH: Gạch thấm nước được sử dụng lát vỉa hè tại một tuyến đường ở quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Sở Xây dựng, hiện trên thị trường Đà Nẵng sẵn có các chủng loại vật liệu xây dựng từ thông thường đến những sản phẩm vật liệu xây dựng mới và cao cấp, có nhiều tính năng kỹ thuật, tính năng sử dụng và giá cả hợp lý. Các loại vật liệu như clinker làm xi-măng, tấm thạch cao, kính xây dựng... được cung ứng từ các địa phương trong cả nước hoặc từ các nguồn nhập khẩu. Để bảo đảm môi trường và tài nguyên thiên nhiên, từ năm 2010, thành phố xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch...
Từ năm 2013, các công trình đầu tư công trên địa bàn đều được thiết kế, thẩm định, phê duyệt sử dụng gạch xây không nung; thành phố khuyến khích sử dụng tối đa vật liệu xây không nung và các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Thành phố phối hợp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai đề tài nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý và mô hình tái chế chất thải rắn xây dựng. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp phép doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Công ty CP Bê-tông nhẹ Đà Nẵng có giải pháp hữu ích tạo hơn 20 sản phẩm chi tiết về gạch bê-tông (để lát vỉa hè) và bó vỉa có tính năng cao e-brick.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 69 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tích cực cải thiện môi trường làm việc và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh như: các nhà máy sản xuất xi-măng (trạm nghiền xi-măng), nhà máy sản xuất gạch ốp lát, cơ sở sản xuất bê-tông, cơ sở sản xuất tấm lợp... Tuy nhiên, tại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thủ công vẫn còn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như: các cơ sở sản xuất đá chẻ, các cơ sở khai thác và chế biến đá xây dựng...
UBND thành phố ban hành chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 với định hướng phát triển bảo đảm tính bền vững, phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và năng lượng, bảo vệ môi trường; phát triển chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng từ các địa phương lân cận cũng như liên kết phát triển vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng.
Đà Nẵng cũng sẽ tích cực nghiên cứu, tận dụng các phế thải và nguyên liệu tái chế được để sản xuất vật liệu xây dựng... Định hướng đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của thành phố được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho biết, thành phố gặp khó khăn về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nguyên liệu để sản xuất các loại vật liệu xây dựng, nhiều loại phải nhập từ các địa phương. Sắp đến, khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thành phố sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển vật liệu xây dựng dựa trên tiềm năng, lợi thế mới để phát triển vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng xanh nói riêng.
Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ một số sản phẩm vật liệu xây dựng có thành phần nguyên liệu tái chế gặp khó khăn, trong đó có sản phẩm gạch làm từ tro sau khi đốt chất thải rắn, đòi hỏi phải có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, chẳng hạn sử dụng gạch nói trên để xây dựng các công trình đê, kè... Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ bù lãi suất, xây dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng xanh để các tổ chức, cá nhân có điều kiện thuận lợi sản xuất, sử dụng sản phẩm.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Chi hội vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên Nguyễn Cửu Loan cho rằng, cần tạo điều kiện phát triển vật liệu xanh thông qua các dự án, chương trình hỗ trợ ưu đãi về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; có các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng.
Đồng thời, nên bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm để có chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; xây dựng định mức, đơn giá, suất đầu tư để đưa các sản phẩm này vào sử dụng trong các dự án đầu tư công...
HOÀNG HIỆP
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/khuyen-khich-san-xuat-su-dung-vat-lieu-xay-dung-xanh-4006750/
Bình luận (0)