Theo báo cáo của WHO năm 2021, sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam, với hơn 100.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Trong đó, 84.500 người tử vong/năm do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.
Bên cạnh đó, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do sử dụng thuốc lá rất lớn (108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022). Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ảnh hưởng tiêu cực đối với phát triển kinh tế và xã hội, khó đạt được các mục tiêu y tế quốc gia của Việt Nam, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.
Để tiếp tục giảm các gánh nặng về bệnh tật và tử vong do việc sử dụng thuốc lá, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, theo đó một trong mục tiêu quan trọng là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới (từ 15 tuổi trở lên) xuống dưới 36% vào 2030.
Theo Quỹ phòng, chống tác hại của Thuốc lá (Bộ Y tế), tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách, giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của nước ta. Chính vì vậy tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp cùng thắng: vừa bảo vệ sức khỏe, vừa giúp tăng thu ngân sách cho chính phủ và giúp cho phát triển.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Phương án 1 giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tuyệt đối đối với sản phẩm thuốc lá. Cụ thể, từ năm 2026, mỗi bao thuốc lá sẽ phải chịu thêm thuế TTĐB tuyệt đối 2.000 đồng và mức thuế này sẽ tăng dần mỗi năm, đạt 10.000 đồng vào năm 2030. Như vậy số thu thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng từ 17,6 nghìn tỉ đồng năm 2022 lên 23,7 nghìn tỉ đồng năm 2026 và 39,1 nghìn tỉ đồng năm 2030.
Phương án 2, cũng giữ nguyên thuế suất 75%, nhưng ngay từ năm 2026 sẽ áp dụng thuế TTĐB tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao. Số thu thuế TTĐB với thuốc lá tăng từ 17,6 nghìn tỉ đồng năm 2022 lên 30 nghìn tỉ đồng năm 2026 và 39,2 nghìn tỉ đồng năm 2030.
Quỹ phòng, chống tác hại của Thuốc lá nhận định, hai phương án trên của Bộ Tài chính đều có thể giúp giảm khoảng 9% tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020. Tuy nhiên, phương án 2 sẽ dẫn đến tỷ lệ hút thuốc giảm sớm do mức tăng khởi điểm cao hơn từ 2026, qua đó mang lại lợi ích lớn hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù vậy, cả hai phương án này vẫn chưa giúp đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030. Hai phương án này dự báo sẽ làm giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới tại Việt Nam xuống còn 37,5% vào năm 2030, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá (là dưới 36%) và cũng còn cách xa so với mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và Mục tiêu SDGs, là cần giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới xuống dưới 32% vào năm 2030.
Như vậy, dù cả hai phương án đều có điểm tích cực là bao gồm áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp với mức tăng định kỳ để giảm khả năng chi trả thuốc lá, nhưng mức tăng thuế vẫn chưa đủ mạnh để đạt được các mục tiêu y tế đề ra.
Phương án của WHO và Bộ Y tế đề xuất
Theo khuyến nghị của WHO, để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, Việt Nam cần áp dụng phương án tăng thuế mạnh hơn so với các phương án của Bộ Tài chính. Cụ thể, WHO và Bộ Y tế đề xuất áp dụng thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% hiện nay.
Phương án này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành. Giúp giảm 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với kịch bản không tăng thuế. Mức giảm này cao hơn phương án của Bộ Tài chính hiện nay là một triệu người hút thuốc. Tăng số thu thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) lên 169%, tăng từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 46,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 (tăng thêm 29 nghìn tỷ đồng). Mức tăng này cao hơn so với mức tăng theo phương án của Bộ Tài chính là gần 10 nghìn tỷ đồng.
"Khi so sánh với phương án 2 của Bộ Tài chính, phương án cải cách thuế mạnh mẽ của WHO và Bộ Y tế đề xuất có thể mang lại kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc đáng kể hơn, giúp đạt mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá", Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá thông tin.
Minh Trang
Nguồn: https://baophapluat.vn/kich-ban-nao-vua-giup-dat-muc-tieu-quoc-gia-ve-kiem-soat-thuoc-la-vua-tang-thu-ngan-sach-post547615.html
Bình luận (0)