Những hệ lụy
Ông Nguyễn Văn Hiểu, phường Vân Hà rất phấn khởi vì có cháu đích tôn khi chưa đầy 50 tuổi. Theo ông Hiểu, con trai là lao động trong doanh nghiệp nước ngoài, thường xuyên đi công tác nhiều nơi, các con lại xác định chỉ sinh 2 con nên ông cảm thấy yên tâm khi cháu đầu là con trai.
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tân Hưng (xã Lạng Giang). |
Chị Nguyễn Thị Ngoan, phường Võ Cường sinh con trai vào năm Nhâm Thìn 2012, ai cũng chúc mừng vì quan niệm “con trai sinh năm Rồng sẽ may mắn, có tương lai tốt đẹp”. Giờ đây, khi nhìn lại, chị Ngoan không khỏi lo lắng: “Năm ấy số lượng trẻ sinh ra rất lớn. Tôi thấy tại nhiều lớp có học sinh sinh năm 2012, bé trai chiếm đa số. Sau này con tôi sẽ phải cạnh tranh căng thẳng trong thi cử, tìm việc làm và có thể gặp khó khăn cả khi tìm bạn đời”.
Không chỉ là câu chuyện của từng gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành thực trạng đáng báo động. Thành phố Từ Sơn (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) là một ví dụ điển hình. Từ năm 2021 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì quanh mức 130 bé trai/100 bé gái, đặc biệt, năm 2024 đã chạm mốc 135,5/100.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế Từ Sơn lý giải rằng kinh tế địa phương phát triển nhanh, mức sống của người dân ngày càng cao nên nhiều gia đình có điều kiện lựa chọn giới tính thai nhi. “Không ít gia đình chưa có con trai thì mong có “đủ nếp, đủ tẻ”, một số gia đình đã có con trai rồi lại muốn thêm một bé trai nữa” - bà Hiền nhận xét.
Tại tỉnh Bắc Giang (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính), trong 10 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh biến động quanh ngưỡng 114-116 bé trai/100 bé gái. Đáng chú ý, tỷ số này thay đổi rõ rệt theo thứ tự sinh. Trong giai đoạn 2017-2019, nếu ở lần sinh thứ nhất là 103-107 bé trai/100 bé gái, lần sinh thứ hai tăng lên 110,5 bé trai thì ở lần sinh thứ ba là 148,8 bé trai và ở lần sinh thứ tư trở lên lên tới 186 bé trai/100 bé gái. Điều này phản ánh rõ rệt tâm lý cố đẻ cho được con trai vẫn đang tồn tại ở rất nhiều gia đình.
Bắc Ninh (cũ) thuộc vùng có mức sinh cao (tổng tỷ suất sinh hơn 2,5 con/phụ nữ) và tỷ số giới tính khi sinh cũng luôn ở mức rất cao, với hơn 120 bé trai/100 bé gái. Năm 2016 chỉ có 2/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh hơn 120 bé trai/100 bé gái nhưng đến năm 2021, số địa bàn đã tăng lên 6/8 và đến năm 2024 là 7/8 đơn vị, trong đó 3 địa phương có tỷ lệ hơn 130 bé trai/100 bé gái.
Một nghiên cứu năm 2022 do nhóm chuyên gia thuộc Chương trình Đối tác chiến lược Úc - Ngân hàng Thế giới đưa ra hai kịch bản đáng suy ngẫm. Kịch bản thứ nhất, nếu tỷ số giới tính khi sinh dần quay về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2039 và ổn định trong các năm sau thì đến năm 2044, Việt Nam vẫn sẽ có khoảng 1,3 triệu nam giới trong độ tuổi 20-39 bị “dư thừa” và năm 2049 sẽ tăng lên 1,7 triệu. Kịch bản thứ hai, nếu tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức 111/100 thì đến năm 2054, sẽ có khoảng 2 triệu nam giới trong độ tuổi 20-49 không thể tìm được bạn đời. Hệ lụy là hàng triệu nam giới sẽ kết hôn muộn hoặc không thể kết hôn, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Cần những giải pháp căn cơ
Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Ninh, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích bốn nhóm yếu tố tác động mạnh mẽ đến tỷ số giới tính khi sinh gồm: Các chuẩn mực và giá trị truyền thống, gia đình; các thay đổi về kinh tế - xã hội; chính sách; sự tiếp cận công nghệ. “Hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ không thể kết hôn, sống độc thân cả đời. Hệ quả về kinh tế, tinh thần, sức khỏe, an ninh xã hội… chắc chắn sẽ rất nặng nề. Vấn đề này trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội” - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cảnh báo.
Khám sức khỏe cho học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Bắc Giang. Ảnh: Minh Thái. |
Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không thể chỉ dừng ở các chế tài hành chính hay khuyến nghị. Bởi gốc rễ sâu xa của vấn đề nằm ở định kiến giới, niềm tin rằng chỉ có con trai mới nối dõi và lo được cho cha mẹ lúc về già. Chính tâm lý này khiến nhiều người dù hiểu về hậu quả lâu dài nhưng vẫn cố gắng lựa chọn giới tính thai nhi.
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và phân biệt đối xử giới trong gia đình đòi hỏi một hệ thống giải pháp toàn diện. Trong đó truyền thông thay đổi hành vi đóng vai trò then chốt. Nam giới cần trở thành lực lượng tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới. Các chính sách cần bảo đảm phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ pháp lý miễn phí để thực hiện quyền thừa kế và tài sản, góp phần xóa bỏ định kiến phụ nữ, trẻ em gái không được coi trọng trong gia đình. Xã hội cần ghi nhận đúng mức những đóng góp to lớn của phụ nữ và trẻ em gái ở cả trong khu vực kinh tế chính thức lẫn phi chính thức.
Việc tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cho người cao tuổi cũng sẽ giúp giảm dần tâm lý cố sinh con trai để có người chăm sóc lúc tuổi già. Đồng thời siết chặt việc lạm dụng công nghệ xác định, lựa chọn giới tính thai nhi nhưng vẫn phải bảo đảm quyền tự nguyện tiếp cận dịch vụ phá thai an toàn cho phụ nữ. Các mô hình cộng đồng về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần được nhân rộng tại các khu dân cư nhằm tạo hiệu ứng xã hội tích cực và lan tỏa nhận thức đúng đắn.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-thay-doi-nhan-thuc-hanh-dong-kip-thoi-postid421676.bbg
Bình luận (0)