Sông Ba đoạn trước khi đổ ra Biển Đông qua Tuy Hòa còn gọi là sông Đà Rằng. Một cây cầu đường sắt bắc qua sông cũng lấy tên ấy. Đường hỏa xa qua Phú Yên (nay thuộc Đắk Lắk) ghi nhớ một sự kiện trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam: năm 1936, vua Bảo Đại cùng các quan chức người Pháp ở Trung Kỳ đã vặn con ốc cuối cùng tại ga Hảo Sơn, phía Bắc đèo Cả, điểm nối ray cuối cùng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương bấy giờ. Chuyến tàu hỏa đầu tiên tiến vào ga Tuy Hòa vào ngày 1/10/1936 đã góp phần cho đô thị này mở mang về giao thương.
Làng xóm ở đôi bờ sông Đà Rằng được hình thành kể từ khi ông Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào khai khẩn đất hoang. Năm 1578, Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh vâng mệnh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đem khoảng 4.000 lưu dân từ Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Quảng vào khai khẩn, lập xóm làng tại vùng đồng bằng Tuy Hòa. Năm 1689, cụ Lương Văn Chánh được truy phong tước Bảo quốc chi thần - thần bảo hộ đất nước. Đến năm 1693, cụ lại được phong một lần nữa tước Bảo quốc Hộ dân chi thần - thần bảo hộ đất nước và dân chúng.
Cầu Đà Rằng trên sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh |
Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, cùng với quá trình cư dân Việt vào khai khẩn, xây dựng vùng đất Phú Yên, địa bàn Tuy Hoà ngày nay đã bắt đầu hình thành nên những đơn vị cư trú đầu tiên của người Việt. Các ngôi chùa tại Tuy Hòa như Hồ Sơn, Bảo Tịnh, Kim Cang, Long Quang được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Điều này cho thấy, trước đó đã có cả một quá trình lâu dài cư dân đến định cư sinh sống tại đây.
Nhờ nằm ở vị trí hết sức thuận lợi, có núi, sông, đồng, biển nên vùng đất Tuy Hòa xưa đã nhanh chóng phát triển cả nông nghiệp, ngư nghiệp lẫn thương nghiệp. Làng Phú Câu nằm sát biển chuyên về ngư nghiệp, các làng khác làm nông nghiệp và đã sớm hình thành nên những vùng chuyên canh rau và hoa vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Bình Ngọc, Bình Kiến, Hòa Kiến... Ngay trong buổi đầu hình thành nên xóm làng ấy, một số nghề thủ công như đan chiếu, làm gốm, chế biến nước mắm cũng đã hình thành.
Nhờ vị trí địa lý hết sức thuận lợi, ngay từ giữa thế kỷ 19, Tuy Hòa đã thu hút nhiều thương nhân người Hoa. Họ đến đây ngày càng đông đúc và sống quần cư ở khu vực dưới chân núi Nhạn, sát bờ Bắc sông Chùa thuộc làng Năng Tịnh. Cộng đồng người Hoa vào Tuy Hòa định cư mua bán đồng thời cũng đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa, nhất là về kiến trúc cổ đô thị và kiến trúc tôn giáo. Miếu Quan Thánh được xây dựng năm 1874, miếu Thiên Hậu xây dựng năm 1882 và nhiều di tích kiến trúc khác đều xây dựng chủ yếu vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Năm 1899, Phú Yên chia đặt thêm các đơn vị hành chính mới với 2 phủ và 2 huyện, tỉnh lỵ đặt ở Sông Cầu. Tuy Hòa được thăng lên thành phủ thống quản luôn cả Sơn Hòa. Năm 1915, thủ phủ Tuy Hòa được chuyển từ Đông Phước Hòa An về đóng ở thôn Năng Tịnh. Sự có mặt của một trung tâm hành chính cấp phủ lúc bấy giờ đã có tác động hết sức to lớn trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển, thu hút cư dân với mật độ cao, hoạt động chợ búa càng trở nên sôi động. Lúc bấy giờ, người dân khắp nơi thường gọi địa bàn Tuy Hòa là Dinh, chợ lớn ở đây cũng gọi là chợ Dinh. Những thập niên đầu thế kỷ 20, hoạt động thương nghiệp ở Tuy Hòa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi tuyến đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 1 thông qua Phú Yên, Quốc lộ 25 nối Tuy Hòa với Tây Nguyên được hoàn thành.
Theo cuốn “Dư địa chí Phú Yên”, cuối những năm 1930, chợ Dinh (tức chợ Tuy Hòa ngày nay) là chợ lớn nhất trong số 58 chợ ở Phú Yên. Chủng loại hàng hóa mua bán lúc bấy giờ đã rất phong phú: hàng Tàu, hàng Tây đều có. Cuối năm 1946, một phần không nhỏ công trình hạ tầng của đô thị Tuy Hòa đã bị tiêu thổ để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm đầu của thập niên 1960, Tuy Hòa đã là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên với những đổi thay rất đáng kể, phố xá được rộng mở, trung tâm thương mại hoạt động sôi nổi và sầm uất, nhất là khu vực Ngã 5 ngày nay.
Sắc xuân làng hoa Bình Ngọc. Ảnh: Lê Ngọc Minh |
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, tỉnh lỵ đặt tại TP. Nha Trang nhưng đô thị Tuy Hoà vẫn là một trung tâm lớn nằm ở phía Bắc. Năm 1989, Phú Yên được tái lập tỉnh, Tuy Hòa trở lại vị trí tỉnh lỵ.
Ngày nay, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, Phú Yên và Đắk Lắk về chung một nhà lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính đặt tại Đắk Lắk; TP. Tuy Hòa trở thành các phường Tuy Hòa, Phú Yên, Bình Kiến. Với sự sắp xếp này, kỳ vọng những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của đô thị bên bờ Biển Đông sẽ được khai thác hiệu quả hơn nữa…
Trước khi đổ ra biển, dòng sông Ba đã dốc hết phù sa tạo nên một triền sông rộng. Như để điểm tô cho dòng sông, người dân Tuy Hòa đã biến triền sông ấy thành làng rau, làng hoa Ngọc Lãng nổi tiếng. Sau mùa mưa lũ hằng năm sẽ là mùa hoa Tết. Bên triền sông rực rỡ lay ơn, cúc vàng ấy, trong ký ức người dân Tuy Hòa, là những cánh buồm lộng gió, những cánh buồm thể hiện khát vọng của một vùng đất từ trong sâu thẳm của cội nguồn. Tương lai sẽ tiếp tục vun bồi để sông Ba trước khi đổ ra biển sẽ hả hê vì chặng đường nó đi qua đã có một vùng đất mỡ màu như thế...
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/kien-tao-do-thi-tu-dong-song-ba-4da1009/
Bình luận (0)