Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Kinh tế tư nhân cần môi trường tự do, bình đẳng thay vì được ưu đãi"

(Dân trí) - PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng điều quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển không phải là ưu đãi mà chỉ cần môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/05/2025

Ngày 15/5, tại TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Đại học Tài chính Marketing phối hợp tổ chức Hội thảo "Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam.

Chia sẻ mở đầu sự kiện, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nhận định, sự ra đời của Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Theo ông Hưng, thời gian qua, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh và khả năng tiếp cận nguồn lực. Việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ, thiếu liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái.

Kinh tế tư nhân cần môi trường tự do, bình đẳng thay vì được ưu đãi - 1

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh (Ảnh minh họa: Nhật Quang).

Trong bối cảnh mới với công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 là cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp từ toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và giới chuyên gia.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng - nhấn mạnh vai trò "động lực quan trọng nhất" của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Ông cho rằng việc xác lập vị thế này là bước đột phá về tư duy, giúp tháo gỡ "vòng kim cô" tư tưởng vốn kìm hãm khu vực tư nhân suốt nhiều năm.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn mang cấu trúc nhị nguyên, với sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân vốn đóng vai trò chính trong khu vực nội địa vẫn còn "rất yếu", bị trói buộc bởi rào cản thể chế, tiếp cận đất đai và vốn, đồng thời phải đối mặt với môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển không phải là ưu đãi, mà chỉ cần một môi trường tự do và bình đẳng. Đó mới là bản chất của kinh tế thị trường. Việc tạo ra cơ hội phát triển công bằng cho doanh nghiệp tư nhân chính là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu tăng trưởng tham vọng, thậm chí hướng đến mức hai con số như các "kỳ tích châu Á".

Ông cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể như dành quỹ đất trong khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân sáng tạo, thiết kế quỹ hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy đầu tư mạo hiểm, và đặc biệt, cần tận dụng vai trò đầu tàu cải cách của TPHCM trong thí điểm thể chế. Mục tiêu lớn là nâng lực lượng kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và bền vững.

Theo ông, cần hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng hiện đại, minh bạch, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và bảo vệ quyền sở hữu, quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, Chính phủ nên cải thiện môi trường đầu tư, loại bỏ giấy phép con, giảm chi phí không chính thức và đẩy mạnh chính phủ số.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với yêu cầu của kinh tế số, kinh tế xanh.

Nhà nước cũng cần mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai, công nghệ, thị trường vốn và đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng. Cuối cùng, tăng cường vai trò của tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thể trong doanh nghiệp để đồng hành và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển ổn định.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển thực chất, cần tập trung tháo gỡ ba "nút thắt" lớn là vốn, đất đai, và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kinh tế tư nhân cần môi trường tự do, bình đẳng thay vì được ưu đãi - 2

Ông Đỗ Hà Nam (ngồi giữa) chia sẻ tại phiên thảo luận (Ảnh: Vĩ Quang).

Thứ nhất, về nguồn vốn, phần lớn doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến vẫn khó tiếp cận tín dụng dài hạn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn. Ông đề xuất tăng liên kết giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ để chia sẻ nguồn lực, đồng thời ổn định chính sách thuế, tín dụng để tránh gián đoạn dòng tiền.

Ông Nam cũng cho rằng quy hoạch đất đai còn thiếu linh hoạt, gây khó cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Ông kiến nghị cải cách thủ tục, phân bổ quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản.

Thứ ba, vấn đề còn nằm ở việc thiếu nhân lực kỹ thuật cao đang cản trở doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ. Ông đề xuất tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành ứng dụng tự động hóa, công nghệ cao.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-tu-nhan-can-moi-truong-tu-do-binh-dang-thay-vi-duoc-uu-dai-20250515140720654.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm