Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025) : “Miền đất lửa” - Âm mưu làm cho “cột xương sống của Hà Nội mềm đi”

(Baothanhhoa.vn) - Thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là lời cảnh báo về nguy cơ thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Để cứu vãn tình thế, Mỹ buộc phải tính toán đến một chiến lược chiến tranh mới. Với việc mở rộng “biên giới” đánh phá ra phía Bắc vĩ tuyến 17, đế quốc Mỹ chính thức khởi động cuộc chiến leo thang đánh phá miền Bắc.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa02/04/2025

Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025) : “Miền đất lửa” - Âm mưu làm cho “cột xương sống của Hà Nội mềm đi”

Cầu Hàm Rồng năm 1964. Ảnh: Tư liệu

Trong những lời cảnh báo mới về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, John A.Mc.Cone, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ, cho rằng “Chúng ta (Mỹ) sẽ bị sa lầy trong cuộc chiến đấu ở rừng rậm, với một cố gắng quân sự mà ta (Mỹ) không thể giành thắng lợi được và cũng rất khó lòng rút ra được”. Thực tế này buộc đế quốc Mỹ phải đánh giá lại rằng, nếu Mặt trận dân tộc giải phóng chiếm Nam Việt Nam, thì “không những chỉ phá hoại khối SEATO, mà còn sẽ phá hoại lòng tin vào những cam kết của Mỹ ở những nơi khác”. Đồng thời, các quan chức chủ chốt ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều thống nhất nguyên nhân dẫn đến thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là do “Cộng sản miền Bắc xúi giục, chỉ huy". Do vậy, “Mỹ phải cam kết thực hiện mục tiêu ngăn ngừa chủ nghĩa cộng sản" bằng cách ném bom miền Bắc Việt Nam, kết hợp với đưa dần một bộ phận quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam.

Mặc dù quá trình tính toán các phương án leo thang chiến tranh, trong hai viện của Quốc hội Mỹ đã có một số ý kiến thể hiện thái độ do dự hoặc không tán thành. Tuy nhiên, những ý kiến “ngược” ấy không đủ để thắng được những nhân vật “diều hâu” chủ chốt trong chính quyền L.Giônxơn, khi họ tin rằng “việc ném bom miền Bắc Việt Nam trong chừng mực nào đó sẽ làm cho Việt cộng bớt hoạt động”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Mx.Taylo điện về Oasinhtơn báo cáo tình hình Nam Việt Nam rất nguy ngập và gợi ý “một cuộc ném bom có phối hợp cẩn thận” chống miền Bắc Việt Nam, được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân tán đồng. Do vậy, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Mc. Nâutơn, đã được giao nhiệm vụ vạch kế hoạch cụ thể khiêu khích miền Bắc, nhằm “tạo lý do tốt cho chúng ta (Mỹ) leo thang nếu chúng ta (Mỹ) muốn”.

Thực hiện âm mưu này, mùa Đông năm 1964 và mùa Xuân năm 1965, Tổng thống Mỹ L.Giônxơn ra lệnh đẩy mạnh hoạt động không quân ở Lào, tiến hành trinh sát, ném bom các mục tiêu nghi có quân đội Việt Nam và Pathét Lào đóng quân... Ở Việt Nam, Mỹ mở cuộc tiến công mang mật danh 34A và các cuộc tuần tra Desoto ở Vịnh Bắc Bộ, coi đó là áp lực quân sự không công khai chống Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong 6 tháng trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, không quân và hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động trinh sát và khiêu khích miền Bắc Việt Nam, đồng thời Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ soạn thảo trước kế hoạch mở rộng chiến tranh để tranh thủ Quốc hội ra nghị quyết trao quyền cho Tổng thống sử dụng lực lượng vũ trang Mỹ, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Việt Nam, mà chính quyền L.Giônxơn “coi là tương đương với một lời tuyên chiến”. Song, qua 4 tháng ném bom “bí mật” miền Bắc (kể từ 5/8/1964), Mỹ không đe dọa được Nhân dân ta, không ngăn chặn được sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong khi đó, những cuộc tiến công của lực lượng vũ trang giải phóng vào các căn cứ Mỹ và quân đội Sài Gòn quy mô ngày càng lớn, khiến cho chính quyền Sài Gòn lâm vào cảnh hỗn loạn, có nguy cơ sụp đổ nhanh.

Để cứu chính quyền Sài Gòn và thực hiện âm mưu giữ Nam Việt Nam trong quỹ đạo của Mỹ, biến nơi này thành “tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam châu Á, tổng thống L.Giônxơn đã chỉ thị cho nhóm nghiên cứu liên Bộ Quốc phòng và Ngoại giao thảo luận, vạch phương pháp, lựa chọn chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Trong đó, phương thức lựa chọn A là tiến hành oanh tạc trả đũa Bắc Việt Nam, tăng cường các cuộc tiến công ở ven biển theo kế hoạch A34, tiếp tục cho khu trục hạm tuần tra ở Vịnh Bắc Bộ, đẩy mạnh oanh tạc các mục tiêu thâm nhập ở Lào bằng máy bay T28 và tìm cách thi hành các cải cách ở Nam Việt Nam. Phương thức lựa chọn B là ném bom miền Bắc Việt Nam với nhịp độ nhanh chóng và dữ dội, kể cả việc oanh tạc sân bay Phúc Yên gần Hà Nội và các cầu quan trọng dọc theo đường ô tô và đường sắt nối liền với Trung Quốc cho đến khi những yêu sách của Mỹ được đáp ứng đầy đủ. Phương thức lựa chọn C là “bóp nghẹt dần dần”, đánh các mục tiêu thâm nhập trước hết ở Lào rồi ở Bắc Việt Nam, tiếp đó đến các mục tiêu khác ở Bắc Việt Nam. Phương thức này gồm cả khả năng Mỹ triển khai quân bộ ở phía Bắc của Nam Việt Nam, coi như một con bài để mặc cả.

Tháng 12/1964, Tổng thống L.Giônxơn tán thành thực hiện phương thức lựa chọn A trong 30 ngày, sau đó đến phương thức lựa chọn C. Với quyết định này, cuộc chiến tranh Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, ác liệt hơn. Ngày 13/2/1965, L.Giônxơn chính thức duyệt kế hoạch “Sấm rền”, leo thang ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 19. Ngày 8/3/1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ số 1 và số 3 thuộc Lữ đoàn Hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng. Đến ngày 1/4/1965, L.Giônxơn quyết định đưa thêm một bộ phận quân chiến đấu Mỹ sang Việt Nam và tăng cường không quân, hải quân đánh phá miền Bắc mạnh mẽ, liên tục hơn, với mục đích làm cho “cột xương sống của Hà Nội mềm đi”. Từ đó, buộc Hà Nội phải chịu những điều kiện thương lượng do Mỹ áp đặt, như không được ủng hộ tinh thần và chi viện vật chất cho phong trào cách mạng ở miền Nam và Lào; rút cán bộ và quân đội ra khỏi Nam Việt Nam và Lào...

Trong bản kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam, được Hội đồng chiến tranh Mỹ bàn chi tiết tại cuộc họp kín ở Hônôlulu, gồm có 94 mục tiêu đánh phá. Các mục tiêu trong bản kế hoạch được gọi là “mục tiêu cố định” hoặc “mục tiêu đánh số”. Đặc biệt, giới quân sự Mỹ đã xác định có 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam và điểm tắc điển hình là những chiếc cầu. Trong đó, khu vực Hàm Rồng nằm trên vĩ tuyến 20, được chúng xác định là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút” của khu vực cán xoong. Tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (đêm ngày 10/2/1965), Grân-sáp - Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương đề nghị Nhà Trắng dùng siêu pháo đài bay B52 đánh cầu Hàm Rồng. Tổng thống L.Giônxơn không chấp nhận đề nghị đó, mà dự định mở nhiều đợt oanh tạc hỗn hợp gồm không quân, hải quân đánh dồn dập vào khu vực Hàm Rồng và các vùng phụ cận.

Khu vực Hàm Rồng gồm thị xã Thanh Hóa và 3 xã Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh (thuộc huyện Hoằng Hóa trước đây) với diện tích trên 50km2 và khoảng 10 vạn dân. Đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não (55 đầu mối cơ quan tỉnh và thị xã), các nhà máy, kho tàng, bến bãi, nhà ga, cửa hàng của Trung ương và địa phương. Đồng thời, là nơi tập trung các đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng đối với cả hai miền Nam - Bắc. Đánh phá Hàm Rồng, đế quốc Mỹ không chỉ hy vọng ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam; bao vây cô lập cuộc kháng chiến của Nhân dân ta ở miền Nam; mà còn phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH của Nhân dân miền Bắc, uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí, quyết tâm kháng chiến của Nhân dân ta. Thông qua sức mạnh của không quân, hải quân trong việc bắn phá, chúng hy vọng củng cố tinh thần của binh lính cũng như chính giới Mỹ trong cuộc chiến tranh kiểu mới mà Mỹ đang ra sức tiến hành ở miền Nam Việt Nam.

Và thực tế đã diễn ra đúng như âm mưu của đế quốc Mỹ. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, quân và dân miền Bắc đã “đón tiếp” một cách sòng phẳng các đợt leo thang đánh phá của giặc Mỹ. Trong đó, hai ngày 3 và 4/4/1965 đã đi vào lịch sử, trở thành những ngày chiến đấu ngoan cường và chiến thắng vẻ vang bậc nhất của quân và dân Thanh Hóa. Để rồi, Hàm Rồng - nơi có cây cầu huyền thoại - đã trở thành một biểu tượng ngời sáng của tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân ta trên mặt trận chống Mỹ cứu nước.

Lê Phượng

Bài viết sử dụng các tư liệu trong cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập IV).

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-60-nam-ham-rong-chien-thang-3-4-4-1965-3-4-4-2025-mien-dat-lua-am-muu-lam-cho-cot-xuong-song-cua-ha-noi-mem-di-244311.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm