Đặc tính cơ bản của một số giống nhãn ở Hưng Yên
- Giống nhãn siêu ngọt có đặc điểm độ thuần cao, dễ điều khiển cho ra quả rải vụ, cùi quả dày, rất ngọt và rất phù hợp cho chế biến vì cho tỷ lệ thành phẩm sau chế biến đạt cao hơn đáng kể so với các giống nhãn khác.
Ông Hoàng Quang Tuấn ở xã Chí Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) xử lý cho nhãn ra quả trái vụ, cho thu nhập cao. Ảnh: Hải Tiến.
- Giống T6 rất được thị trường ưa chuộng bởi mã quả đẹp, cùi dày ngọt, bán được giá, dễ tác động cho ra hoa, đậu quả nghịch vụ nhưng có nhược điểm trồng ở đồng bằng sông Hồng dễ rụng quả vì kém chịu nắng nóng (trên 35 độ C), nhất là nắng kèm gió tây.
- Giống T2 cũng phù hợp cho "bắt" quả trái vụ, lấy trái chính vụ, cùi quả dai, không hợp thị hiếu tiêu dùng trên thị trường. Giống T1 vào mùa chính vụ, không cần tác động kỹ thuật vẫn sai hoa nhưng đậu quả rất ít, nếu xử lý trái vụ quả sẽ rất sai.
- Nhãn Hương Chi được coi là "giống ngoan" vì dễ ra hoa, đậu quả, mã sáng đẹp, vỏ quả mỏng, cùi dày 2 lớp lồng bọc vào nhau, ăn ngọt thơm, nhưng phải tích cực cắt hoa, tỉa quả mới cho chất lượng đồng đều vì trong cùng mùa vụ cây cho nhiều đợt hoa, đậu nhiều lứa quả.
- Giống nhãn muộn Khoái Châu ít ra quả cách năm, chịu nắng nóng rất tốt, quả to đều, cùi dày, có nhược điểm vỏ dày giòn, dễ nứt, mã xấu, phải thâm canh cao mới đảm bảo chất lượng tốt.
- Giống nhãn cùi cổ có ưu điểm hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt thơm, chậm thu hoạch vẫn cho chất lượng quả ổn định.
- Giống nhãn đường phèn quả nhỏ, hạt rất nhỏ (bằng hạt lạc hoặc hạt đậu tương), cùi dày, ngọt, rất thơm, hay ra quả cách năm, khó "bắt" quả, năng suất không cao nên chỉ còn trồng rải rác trong vườn nhà một số hộ ở khu vực thành phố Hưng Yên.
Nhãn trái vụ vẫn cho cùi dày, ngon, ngọt không kém chính vụ. Ảnh: Hải Tiến.
Xử lý cho cây nhãn ra quả trái vụ, rải vụ
1. Yêu cầu chung
Cần căn cứ vào đặc tính nông sinh học của từng giống nhãn nêu trên để xây dựng kế hoạch rải vụ quả cho vườn nhãn, trong đó muốn thu quả vào tháng nào thì tháng đó của năm trước liền kề phải chăm sóc cho vườn cây phát triển khoẻ mạnh, cân đối, đảm bảo trước khi xử lý cây nhãn phải ra đủ 3 tuần lộc (mỗi tuần lộc dài khoảng 45 ngày). Đồng thời phải đợi tuần lộc thứ 3 chuyển màu xanh bánh tẻ dày đều (sờ tay vào cảm nhận thấy các lá lộc này dày hơn rõ nét so với các lá khác trên cây) mới tiến hành tuần tự theo các bước nêu ở phần 3 dưới đây.
2. Cắt tỉa, bón phân nuôi lộc
Cắt bỏ hết các cành gầm, cành sâu bệnh, cành khuất tán, cành gầy yếu và hạ thấp các cành vượt; quyét nước vôi lên thân gốc và các cành cấp 1; thu gom, thiêu huỷ sạch tàn dư thực vật trong vườn, kết hợp bón cân đối đạm, lân, kali.
Tuỳ theo thực tế sinh trưởng của cây, độ màu mỡ của đất để xác định liều lượng phân bón hợp lý. Cụ thể, cây từ 6 - 15 tuổi bón mỗi gốc 3 - 6kg phân hữu cơ vi sinh, 1,2 - 2kg lân supe, 0,2 - 0,5kg Kaliclorua. Trong đó, lân và phân hữu cơ bón cùng cắt tỉa lần 1; kali bón khi tuần lộc thứ 3 chuyển màu bánh tẻ.
Ngoài ra, sau mỗi lần lá lộc chuyển màu xanh sáng nõn chuối cần bón lá các phân có hàm lượng đạm cao, khi lộc cây chuyển màu xanh đậm bón thêm siêu lân giúp lá thêm dày, khoẻ. Đồng thời theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại như rầy, rệp, bệnh sương mai và cắt bỏ chồi rồng, tỉa bớt những cành mọc rậm rạp bên trong tán cây.
Nhãn Hưng Yên năm nay rất sai hoa, khả năng được mùa lớn. Ảnh: Hải Tiến.
3. Kích thích cây phân hoá mầm hoa
Ngoài bón gốc phân kali như trên, cần phun thêm chế phẩm MKP khi tuần lộc thứ 3 mang màu bánh tẻ, đợi tới khi cây chuyển từ trạng thái sinh trưởng sinh dưỡng sang sinh thực mới tưới đẫm nước, chờ 1 - 2 ngày cho toàn bộ rễ cây thấm nước đều, pha loãng chế phẩm Kaliclorat (KClO3) tưới xung quanh cách gốc khoảng 50cm. Sau đó 7 ngày, triển khai khoanh gốc, miệng vết khoanh rộng 2 - 3mn bao kín quanh thân gốc.
Tuỳ theo thực tế sinh trưởng của từng cây để xác định liều lượng KClO3 xứ lý cho phù hợp. Ví dụ với những cây có đường kính tán 4m cần bón gốc theo hướng dẫn nêu trên, lần lượt 1,5kg lân supe, 0,3 - 0,5kg Kaliclorua và 2kg chế phẩm KClO3.
Lưu ý sau khoanh gốc, cây nhãn vẫn phát triển khoẻ hoặc ra lộc, cần tiếp tục khoanh thêm trên thân chính hoặc các cành cấp 1, vết khoanh không khép kín hoàn toàn. Trong thời gian 40 - 45 ngày từ sau xử lý KClO3 tuyệt đối không được tưới nước, bón phân cho vườn nhãn.
4. Thúc cây nhanh ra hoa, tăng đậu quả
Khi cây nhãn nhú ngồng hoa, bón 0,3 - 0,5kg NPK 13-13-13+TE/gốc và tưới đẫm nước, sau đó cách 1 - 2 ngày tưới một lần, tới khi nhãn bắt đầu nở hoa thì tưới duy trì đất vườn ở ngưỡng 70% sức giữ ẩm đồng ruộng (dừng tưới nước khi thời tiết có mưa) kết hợp phun chế phẩm MKP và phân bón lá giàu Bo giúp cây tăng khả năng đậu quả, tăng khả năng chống chịu...
Hưng Yên có nhiều giống nhãn có chất lượng tốt, có thể áp dụng kỹ thuật cho ra quả trái vụ. Ảnh: Hải Tiến.
5. Chăm sóc nhãn sau đậu quả
Bón phân mỗi gốc 3 lần, lần 1 (khi cây mới tắt hoa) bón 1,0 - 1,5kg NPK 13-13-13+TE kết hợp phun chế phẩm nano bạc để phòng ngừa nấm bệnh hại quả non; lần 2 (sau lần 1 khoảng 25 - 35 ngày ) bón 1,5 - 2,5kg NPK 13-13-13+TE; lần 3 (trước thu hoạch 1 tháng) bón 0,3 – 0,4kg Kaliclorua hoặc phun bón lá siêu kali 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày để tăng chất lượng quả.
6. Thu hoạch và sơ chế
Thu hoạch nhãn vào những ngày nắng ráo, khi quả vừa tầm chín, thu hoạch muộn chất lượng quả sẽ giảm. Dựa vào kinh nghiệm, thu hoạch khi thấy vỏ quả căng đều, cùi dày, ngọt hoặc dùng máy đo Brix để xác định chính xác thời điểm nhãn chín (tuỳ theo giống).
Thu hái nhãn theo nguyên tắc từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong, chùm chín trước hái trước, chùm chín sau hái sau. Dùng kéo cắt lấy chiều dài cuống quả khoảng 20cm kèm theo 2 - 3 lá kép. Sau thu hoạch tiến hành sơ chế ngay, gồm ngắt bỏ những quả nứt vỏ, quả sâu bệnh, quả vẹo, quả nhỏ hơn bình thường và hớt ngắn bớt 5cm các cuống cành, sau xếp từng chùm quả vào rổ, sọt có khe lỗ thưa, chuyển đi tiêu thụ hoặc bán cho thương lái.
Nếu để nhãn qua đêm phải xếp rải các chùm nhãn trên nền có lớp lót mềm sạch tại nơi thoáng mát, không chim, chuột xâm hại.
Bằng cách làm trên, đầu năm nay ông Hoàng Quang Tuấn ở xã Chí Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) đã thu được 2.000kg nhãn quả trái vụ, giá bán đến tay người tiêu dùng 80.000 đồng/kg. Cạnh đó, một hộ ở thị trấn Khoái Châu cũng thắng đậm nhờ được ông Tuấn tư vấn làm nhãn trái vụ. Trước đó, hộ này định chặt bỏ cả vườn nhãn vì sản xuất chính vụ cho thu nhập quá thấp.
Các giống nhãn đều có đặc tính chung "năm ăn quả, năm trả cành". Có nghĩa cách 1 - 2 năm cho sai quả lại có 1 năm mất mùa để cây phục hồi sức khoẻ nuôi cành, vì vậy cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật bón phân, xiết nước, khoanh cành hoặc tưới Kaliclorat mới hạn chế được hiện tượng ra quả cách năm.
Tuy vậy vẫn có năm áp dụng các kỹ thuật trên vẫn bị mất mùa nhãn diện rộng, nguyên nhân do xử lý "trượt", thời tiết mùa đông năm đó ấm nóng và mưa nhiều khác thường, vượt khả năng dự báo của các nhà vườn.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/ky-thuat-rai-vu-thu-hoach-qua-tren-cay-nhan-hung-yen-d745810.html
Bình luận (0)