Người dân mua hàng tại Siêu thị CF Mart (phường Đoàn Kết)
Chi tiêu thông minh
Hiện nay, cả nước có trên 60% người từ 18-35 tuổi không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, trong đó phần lớn thừa nhận “tiêu đến đâu biết đến đó”. Tại tỉnh miền núi Lai Châu, nơi điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, thói quen chi tiêu cảm tính có thể dẫn tới hệ quả lâu dài: nợ nần, thiếu quỹ dự phòng hoặc không đủ khả năng đầu tư cho tương lai (giáo dục, nhà ở, bảo hiểm...). Thay đổi tư duy không dễ, nhưng hiện nay đã có nhiều người thay đổi điều đó, bắt đầu từ chính ví tiền của mình.
Bạn Trần Minh Phương, sống tại phường Đoàn Kết, chưa lập gia đình, mức thu nhập chưa cao. Tuy nhiên, Phương phân chia tiền lương thành 4 khoản: sinh hoạt (50%), tiết kiệm dài hạn (20%), học tập và phát triển cá nhân (15%), còn lại là chi tiêu những việc phát sinh hoặc dự phòng. Dù chưa dư dả, nhưng em luôn có quỹ tiết kiệm để chủ động với các kế hoạch lớn như: mua xe, học thêm kỹ năng hoặc giúp đỡ bố mẹ lúc cần.
“Có nhiều bạn bằng tuổi em vẫn chi tiêu tháng nào hết tháng đó từ khoản thu nhập có được, đến khi cần lại phải vay mượn. Em nghĩ, làm chủ ví tiền là điều kiện để làm chủ tương lai của mình” - Phương nói thêm.
Hay như với bạn trẻ Phàn A Cường (xã Tả Lèng): “Em không cảm thấy áp lực tài chính quá lớn. Bởi, từ khi tốt nghiệp chuyên nghiệp và đi làm, bản thân duy trì thói quen ghi chép thu, chi hằng ngày, chia thu nhập thành các khoản rõ ràng: sinh hoạt thiết yếu, tiết kiệm dài hạn, dự phòng và đầu tư phát triển bản thân”.
Theo như cách các bạn trẻ này trò chuyện, để làm chủ được ví tiền thì cũng cần có nhiều cách. Ví dụ như: không chi tiêu cho ăn uống theo cảm hứng, không chạy theo đồ hiệu hay các khoản chi “vì sĩ diện”. Thay vào đó, ưu tiên những giá trị bền vững: khóa học tiếng Anh online, đầu tư vào sách, hoặc đơn giản là để dành một khoản phòng khi có sự cố sức khỏe. Nhiều bạn còn sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên điện thoại, theo dõi chi tiêu hằng tuần và điều chỉnh phù hợp với các kế hoạch lớn hơn.
Gia đình - nơi bắt đầu bài học tài chính
Để không rơi vào tình cảnh: vừa nhận lương đã hết tiền, mỗi cá nhân, gia đình cần học cách làm chủ tài chính. Biết lập kế hoạch chi tiêu khoa học - điều tưởng đơn giản nhưng lại là bước đệm quan trọng cho một cuộc sống vững vàng, an toàn hơn trong tương lai.
Chị Hoàng Thị Hồng Biên (giáo viên tiểu học tại phường Tân Phong) chia sẻ: Chi tiêu có kế hoạch không chỉ là thói quen cá nhân, mà là chiến lược tài chính của cả gia đình. Gia đình tôi có 2 con nhỏ, trong khi thu nhập từ nghề giáo của chị ổn định thì chồng làm nghề tự do, thu nhập thất thường. Ngay từ khi sinh con đầu lòng, vợ chồng tôi đã tính toán kỹ từng khoản: tiền học, tiền ăn, tiền tiết kiệm và cả quỹ dự phòng ốm đau…”.
Mỗi tháng, sau khi lĩnh lương, chị Biên trích 20% đưa vào tài khoản tiết kiệm. Chị cũng lập sổ chi tiêu gia đình, cập nhật thường xuyên và phân bổ ngân sách theo tuần để dễ kiểm soát. Những dịp lễ, tết hay sinh nhật của con, chị lên kế hoạch trước, tránh “vung tay quá trán”. Đặc biệt, chị còn dạy 2 con nhỏ tiết kiệm từ những khoản tiền lì xì, tiền thưởng học tập. “Tôi muốn các con hiểu tiền không dễ kiếm và biết tiêu tiền đúng cách sẽ giúp cuộc sống đỡ áp lực hơn rất nhiều” - chị Biên nói thêm.
Theo các chuyên gia tài chính, điều quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân không nằm ở việc tiết kiệm một cách cực đoan, mà ở khả năng tiêu tiền hợp lý và đúng mục tiêu. Đặc biệt, với người trẻ hoặc các gia đình trẻ, việc xây dựng ngân sách dù nhỏ nhưng lại là bước đầu để hướng tới cuộc sống an toàn về tài chính, giảm căng thẳng và chủ động trước các thay đổi bất ngờ như: dịch bệnh, thất nghiệp, thiên tai…
Hiện nay, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền, chia sẻ kỹ năng quản lý tài chính cho hội viên, đoàn viên. Thông qua sinh hoạt chuyên đề, hội thảo về tài chính cá nhân đang từng bước giúp người dân từ thành thị đến nông thôn thay đổi cách nhìn về tiền bạc: tiêu không chỉ vì hôm nay, mà còn để bảo vệ ngày mai.
Làm chủ ví tiền không phải xa vời. Đó là hành trình bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong thói quen sống: lên kế hoạch trước khi tiêu, ghi chép chi tiêu hằng ngày, nói không với vay mượn khi không cần thiết, vì tương lai tốt đẹp hơn. Đây không chỉ là bài học kỹ năng sống, còn là nền tảng để người dân vững bước hơn trong hành trình thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Nguồn: https://baolaichau.vn/xa-hoi/lam-chu-vi-tien-xay-dung-cuoc-song-on-dinh-866172
Bình luận (0)