Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Carmen Cano De Lasala, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam (4/4/2024). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 10/4/2025.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Tây Ban Nha thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1977 và cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao Nhà nước Tây Ban Nha sau 19 năm kể từ chuyến thăm của Nhà vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia vào năm 2006.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez được kỳ vọng tạo cú hích, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, tích cực và năng động hơn.
Điều này cho thấy sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam của Tây Ban Nha, đồng thời khẳng định vị thế và vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam trên khu vực và thế giới.
Chuyến thăm được kỳ vọng tạo cú hích, qua đó quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, tích cực và năng động hơn.
Quan hệ Đối tác chiến lược phát triển mạnh mẽ
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha thực chất đã bắt nguồn từ 5 thế kỷ trước bằng quan hệ thương mại khi những thương nhân Tây Ban Nha đầu tiên đến bến Hội An để xây dựng nền thương mại phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977.
Trong 48 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã có nhiều bước phát triển không ngừng và mở rộng quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ hai nước ngày càng bền chặt và toàn diện hơn kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược hướng tới Tương lai trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 12/2009.
Trong chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, chiều 14/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez Pérez-Castejón. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Càng đặc biệt hơn khi Tây Ban Nha là nước Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Thời gian qua, hai nước đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu rộng với sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi đoàn và hợp tác thường xuyên ở các cấp.
Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Tây Ban Nha của: Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10/2001); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước (tháng 12/2009); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự lễ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và tham dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Madrid (tháng 6/2012), thăm và thực hiện tham vấn chính trị (tháng 9/2015); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 9/2013); Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm chính thức (tháng 3/2023); Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, làm việc (tháng 3/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) (ngày 19/11/2024).
Về phía Tây Ban Nha có các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Carlos Oetstendo (tháng 2/1996); Phó Thủ tướng thứ hai, Bộ trưởng Kinh tế Rodrigo Rato dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM 3 tại Hà Nội (tháng 9/2001); Hoàng hậu Sofia (tháng 2/2002); Phó Thủ tướng thứ nhất Maria Teresa dự Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội (tháng 10/2004); Vua Juan Carlos I và Hoàng hậu Sofia thăm cấp Nhà nước (tháng 2/2006); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Juan Antonio Daness Banuevo thăm và tiến hành Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ hai (tháng 11/2011); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ybanez Ignacio Rubio dự Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ tư (tháng 1/2017); Quốc vụ khanh về Ngoại giao và các Vấn đề toàn cầu Tây Ban Nha Diego Martínez Belío thăm Việt Nam, tiến hành Tham vấn chính trị Việt Nam-Tây Ban Nha lần thứ 5 (tháng 4/2024)…
Gần đây nhất, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào ngày 19/11/2024.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Tây Ban Nha; cảm ơn Chính phủ Tây Ban Nha đã hỗ trợ Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi).
Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez. (Ảnh: TTXVN phát)
Thủ tướng đề xuất hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; sớm ký kết Chương trình hành động chung giữa hai chính phủ giai đoạn mới; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ và nông nghiệp.
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha nhất trí với những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị hai bên hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị; có các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2027 như tổ chức ngày văn hóa hai nước, thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Hai nước hiện duy trì cơ chế họp Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư do Bộ Công Thương chủ trì.
Hai nước tích cực hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và ASEAN-EU.
Hợp tác kinh tế-thương mại có nhiều triển vọng
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ kinh tế-thương mại song phương đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong ASEAN.
Trong giai đoạn 2019-2024, kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ở mức trung bình 8,7%/năm.
Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4,72 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay), tăng 20% so với năm 2023. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tây Ban Nha mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.
Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Tây Ban Nha các mặt hàng: dệt may, sắt thép, giày dép, điện thoại và linh kiện, cà phê, máy móc và thiết bị phụ tùng, máy vi tính và sản phẩm điện tử; và nhập khẩu từ Tây Ban Nha các mặt hàng: dược phẩm, máy móc và thiết bị phụ tùng, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc.
Hai bên triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hiệu lực từ tháng 8/2020. Tây Ban Nha cũng là nước đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào tháng 1/2022.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Đoàn Thanh Song, là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Tây Ban Nha ngày càng coi Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp nước này.
Phòng Thương mại Tây Ban Nha mới thành lập tại Hà Nội là một ví dụ sinh động về quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam của Tây Ban Nha.
Về đầu tư, tính đến tháng 1/2025, Tây Ban Nha có 97 dự án tại Việt Nam với mức vốn 143,9 triệu USD, đứng thứ 46/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 56,1%) và lưu trú, dịch vụ ăn uống (chiếm 32,8%).
Đại sứ Đoàn Thanh Song cho biết các khoản đầu tư đáng chú ý gần đây của Tây Ban Nha vào Việt Nam là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời và số hóa, là những lĩnh vực mà Việt Nam đang mong muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Tây Ban Nha với mức vốn 64,2 triệu USD trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo (xếp thứ 24/79 nước có đầu tư ra của Việt Nam).
Về hợp tác phát triển, Việt Nam luôn là một trong số các nước ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha đã cam kết cho Việt Nam vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại hơn 1 tỷ USD thông qua 6 Chương trình hợp tác cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Đoàn Thanh Song cho biết, nền kinh tế Tây Ban Nha có nhiều điểm bổ sung, tương hỗ với nền kinh tế Việt Nam.
Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) thuộc Dự án "Thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam" trị giá 140.000 Euro trong tổng giá trị 1 triệu Euro, do Chính phủ Tây Ban Nha viện trợ không hoàn lại, góp phần nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)
Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 4 trong EU, đứng thứ 14 trên thế giới và là quốc gia phát triển tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2024 với GDP tăng 3,2%, gần gấp 5 lần mức trung bình của khu vực đồng Euro.
Tây Ban Nha có nhiều lĩnh vực thế mạnh kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam đang mong muốn phát triển. Quốc gia châu Âu này có cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến với mạng lưới đường sắt cao tốc lớn thứ hai trên thế giới và chi phí trung bình xây dựng tàu cao tốc cạnh tranh.
Trong khi đó, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào. Tây Ban Nha hiện là một trong những nước dẫn đầu khu vực trong triển khai năng lượng tái tạo.
Tây Ban Nha đang tăng tốc hướng tới ngành điện không dùng than, với kế hoạch loại bỏ dần nguồn năng lượng này vào năm 2025 - sớm hơn 5 năm so với kế hoạch và trên đà tạo ra hơn một nửa năng lượng từ các nguồn tái tạo. Nhà máy hydro lớn nhất EU cũng được đặt tại Puertollano, Ciudad Real, Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là nước sản xuất trái cây và rau quả lớn thứ 2 trong EU và lớn thứ 6 toàn cầu, có ngành công nghệ chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới.
Ngành nông nghiệp thực phẩm của Tây Ban Nha là ngành công nghiệp hàng đầu của đất nước và được phát triển theo hướng công nghiệp, quy mô lớn và hiện đại hoá. Đây là những lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác thời gian tới.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hai nước tập trung vào đào tạo ngôn ngữ, với sự hỗ trợ của Phòng Cervantes và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha-AECID (hằng năm hỗ trợ cử 2 giảng viên đến giảng dạy ngôn ngữ tại Việt Nam). Từ năm 1998-2018, Tây Ban Nha đã cấp khoảng 285 suất học bổng cho Việt Nam.
Hợp tác về văn hoá, thể thao và du lịch giữa hai nước luôn được quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch (tháng 4/2002), Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học (tháng 6/2005); phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, triển lãm, xúc tiến du lịch tại mỗi nước.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (năm 2010), phía Tây Ban Nha đã tài trợ nâng cấp một khách sạn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội theo kiến trúc Tây Ban Nha và tham gia dự án Con đường Gốm sứ.
Việt Nam hiện miễn thị thực đơn phương cho công dân Tây Ban Nha trong thời hạn 45 ngày. Năm 2024, Việt Nam đã đón 91.400 lượt khách du lịch Tây Ban Nha.
Một điểm rất nổi bật trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước thời gian qua là giao lưu văn hoá, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động, tạo cơ sở tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.
Như Hoàng hậu Sofia đã từng nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi năm 2009 rằng: ‘‘Gia đình tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim.”
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ khai mạc “Ngày Việt Nam tại Tây Ban Nha 2017.” (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)
Văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật Việt Nam được đông đảo người dân Tây Ban Nha đón nhận nồng nhiệt.
Hiện có khoảng 1.000 trẻ em Việt Nam được các gia đình người Tây Ban Nha nhận làm con nuôi, hòa nhập tốt trong cộng đồng sở tại và vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Hội Hữu nghị Việt Nam-Tây Ban Nha đã được thành lập vào tháng 5/2004, có nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Tây Ban Nha, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Ghi nhận những đóng góp trong tăng cường sự kết nối giữa người dân hai nước, năm 2020, Nhà Vua Tây Ban Nha đã tặng thưởng Huân chương Công trạng Dân sự hạng nhất cho Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Tây Ban Nha Nguyễn Đức Lợi.
Cộng đồng người Việt Nam ở Tây Ban Nha hiện có khoảng 5000 người với thành phần chủ yếu là tiểu thương, hòa nhập với sở tại. Ban liên lạc cộng đồng Việt Nam tại Tây Ban Nha đã được thành lập vào tháng 1/2023.
Làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Tây Ban Nha
Theo Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Đoàn Thanh Song, Việt Nam và Tây Ban Nha đang ở giai đoạn chia sẻ nhiều lợi ích chung nhất từ trước đến nay để có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược.
Cả Tây Ban Nha và Việt Nam đang mong muốn tìm kiếm, mở rộng, phát triển các thị trường và đối tác mới. Tây Ban Nha có vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ tại châu Âu, nhất là phía Nam châu Âu, mà còn tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha, khu vực Mỹ Latinh và Bắc Phi, là điểm kết nối chiến lược giữa các khu vực này. Việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Tây Ban Nha cũng sẽ giúp đất nước mở rộng hợp tác cũng như vai trò và uy tín của Việt Nam tới các khu vực này.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm cảng biển nước sâu Barcelona (Tây Ban Nha, 2023). (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Với mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez mang ý nghĩa quan trọng, cho thấy quyết tâm của Tây Ban Nha muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Có thể thấy rõ ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn thâm nhập vào thị trường Tây Ban Nha. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ Đoàn Thanh Song cho rằng, đây có thể là một trong những lý do mà Thủ tướng Pedro Sanchez đã quyết tâm đưa nhiều tập đoàn hàng đầu của Tây Ban Nha sang Việt Nam trong dịp sang thăm Việt Nam lần này.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm sau khi hai nước vừa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2009-2024) và trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/5/1977-23/5/2027).
Chuyến thăm góp phần tăng cường, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại giữa hai nước; được kỳ vọng sẽ tạo xung lực lớn, bàn đẩy để hai nước tiếp tục nỗ lực phát triển mối quan hệ hướng tới tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.
Đại sứ Đoàn Thanh Song cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ tập trung trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác để tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nền tảng quan hệ hiện có và mở ra các cơ hội mới trong các lĩnh vực tiềm năng, nhất là trong chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo... Hai bên cũng dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện thúc đẩy hợp tác song phương.
Ngay trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Pedro Sánchez đã nhấn mạnh rằng "Việt Nam đã trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài" và khẳng định rằng "nhờ Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, các công ty Tây Ban Nha, những nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo, sẽ có thể phát triển các cơ hội kinh doanh quan trọng tại Việt Nam.”
Tuyên bố này, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pedro Sánchez chắc chắn sẽ giúp định hướng quan tâm, ưu tiên của người dân, cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha vào Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác./.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp với Giải Vô địch Quốc gia Tây Ban Nha (La Liga) tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (đến tháng 6/ 2026) về phát triển bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá cộng đồng tại Việt Nam, cũng như các đội tuyển quốc gia và các dự án đào tạo thể thao khác (6/9/2023). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
(Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/lam-sau-sac-them-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-tay-ban-nha-post1025132.vnp
Bình luận (0)