Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 4 đạt 7,537 triệu tỷ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2024, tương ứng tăng gần 500.000 tỷ đồng. So với tháng 3 liền trước, tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 67.600 tỷ đồng.
Tiền gửi của khối tổ chức kinh tế đạt gần 7,63 triệu tỷ đồng, giảm 0,55% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 104.913 tỷ đồng.
Như vậy, trong tháng 4, cá nhân và tổ chức kinh tế "rót thêm" hơn 172.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Tháng 3 liền trước, hệ thống ngân hàng cũng có thêm gần 262.000 tỷ đồng từ cá nhân và tổ chức kinh tế.
Tổng tiền của cá nhân và tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết tháng 4 đạt hơn 15,1 triệu tỷ đồng - mức kỷ lục. Con số này đến hết tháng 4 liền trước là 14,98 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng bấp chấp trong tháng 4 các ngân hàng thương mại ồ ạt giảm lãi suất. Sau thời gian ngân hàng đưa lãi suất huy động vượt mốc 6%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung trong nhiều tháng trước đó thì đến tháng 4 mức lãi này gần như “biến mất”.

Tiền tiết kiệm được gửi vào ngân hàng vượt 15 triệu tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).
Hiện tại, theo ghi nhận từ phóng viên báo Dân trí, thị trường chỉ còn một ngân hàng trả lãi suất từ 6%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, còn lại mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn này là 4,5-5,5%/năm. Nhóm nhà băng quốc doanh niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng 4,6-4,8%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất bình quân chỉ ở mức 3-5%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và số ít nhà băng khác trả lãi quanh 3%/năm, đa số đơn vị trên thị trường đều trả từ 4%/năm trở lên, mức cao nhất là 5%/năm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lan-dau-tien-tien-gui-vao-he-thong-ngan-hang-vuot-15-trieu-ty-dong-20250707131837254.htm
Bình luận (0)