Sau thời gian đi vào thực tiễn, mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trường trung học phổ thông Trần Phú (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã trở thành điểm sáng, góp phần làm phong phú thêm hình thức giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ. Không chỉ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của giáo viên, học sinh, mô hình còn lan tỏa sâu rộng ra cộng đồng, trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho phong trào học tập và làm theo Bác trên địa bàn.
Là đơn vị tiên phong trong triển khai mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Trường trung học phổ thông Trần Phú đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, và đặc biệt là cách thức hiện thực hóa ý tưởng còn khá mới mẻ. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, sự đồng lòng của Đảng bộ, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên, mô hình dần hình thành và phát triển vững chắc. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trường không giới hạn trong một căn phòng trưng bày cố định mà thiết kế theo hướng mở, tận dụng tối đa các không gian học đường như hành lang, phòng học, sân trường. Những bức tranh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác được bố trí gần gũi, thân thiện với học sinh. Cùng với đó là các hoạt động phong phú như sáng tác thơ, văn, kể chuyện, vẽ tranh về Bác được tổ chức định kỳ.
Theo đại diện lãnh đạo nhà trường, không gian văn hóa vừa là nơi để học sinh tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa truyền cảm hứng sống đẹp, sống có trách nhiệm. Nhiều phụ huynh xúc động khi tham quan không gian này, thấy những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc về Bác được con em mình tái hiện bằng tranh vẽ, lời kể chân thật. Từ thành công của Trường trung học phổ thông Trần Phú, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đến học tập, tham khảo để xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế. Mỗi đơn vị có cách triển khai riêng, sáng tạo và linh hoạt: trưng bày ảnh tư liệu, tổ chức tủ sách Hồ Chí Minh, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, thi kể chuyện, thi vẽ tranh...
Để nhân rộng mô hình, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc. Đến nay, đã có 25 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy Đà Lạt triển khai mô hình với nhiều hình thức thiết thực. Trường trung học phổ thông Trần Phú và các đơn vị khác không ngừng đổi mới, hiện đại hóa mô hình để phù hợp với xu thế số hóa. Nhà trường xây dựng thư viện điện tử, tích hợp dữ liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lên nền tảng số để học sinh dễ dàng tiếp cận. Các tổ chuyên môn trong nhà trường cũng tích cực hưởng ứng. Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân tổ chức ngoại khóa “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tổ Tiếng Anh xây dựng hoạt động “Học ngoại ngữ theo gương Bác”; tổ Ngữ văn phát động viết bài cảm nhận, thi kể chuyện về Người… Từ đó, không gian văn hóa không chỉ là nơi lưu giữ thông tin mà thật sự trở thành cầu nối gắn kết giữa học sinh với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên thành phố Đà Lạt triển khai các mô hình hiện đại như “Thư viện điện tử về Bác Hồ”, chia sẻ nội dung trên website, fanpage, YouTube, TikTok... giúp học sinh tiếp cận tư liệu về Bác một cách gần gũi, hấp dẫn, có chiều sâu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/lan-toa-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-trong-truong-hoc-250395.html
Bình luận (0)